khach-tay-vuot-10.000km,-thu-trai-nghiem-tung-con-tai-le-hoi-dinh-lang-nghe-ten-da-thay-la

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy lạ

Toàn cảnh lễ hội đình làng Giếng Tanh 2025. Clip: Trung Hiếu.

Vượt nửa vòng trái đất, du khách hào hứng thử tung còn cùng người bản địa, người chiến thắng khiến ai cũng bất ngờ!

Ngày 7/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), anh Hunsen – một du khách đến từ nước Đức, đã vượt qua chặng đường dài 10.000km để đến Tuyên Quang cùng người vợ thân yêu của mình. Không chỉ hy vọng được tận hưởng phong cảnh hữu tình hay ẩm thực phong phú, anh còn mong muốn hòa mình vào những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nơi đây. Và điểm dừng chân lần này của anh là tại lễ hội đình làng Giếng Tanh (Kim Phú, Tuyên Quang).

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 1.

Anh Hunsen cùng vợ tới trải nghiệm lễ hội đình làng Giếng Tanh 2025. Ảnh: Trung Hiếu.

Dưới tiết trời se lạnh của những ngày đầu năm mới, sân đình làng Giếng Tanh rực rỡ sắc màu cờ hoa và rộn ràng tiếng cười nói. Anh Hunsen không giấu được sự tò mò khi lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cảnh người dân địa phương hào hứng tham gia tung còn – trò chơi yêu cầu người chơi ném quả còn, một quả cầu vải đầy màu sắc, vào trúng một vòng tròn nhỏ treo trên cột cao.

“Tôi chưa từng thấy trò chơi nào như thế này ở Đức. Trông đơn giản vậy thôi nhưng chắc chắn không dễ chút nào”, anh Hunsen chia sẻ.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 2.

Theo người bán, quả còn làm từ vải và gạo, kích thước khoảng 2 lạng, càng nhiều màu sắc càng đẹp. Ảnh: Trung Hiếu

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 3.

Mỗi quả còn được bán với giá 20.000 đồng. Ảnh: Trung Hiếu.

Được sự hướng dẫn nhiệt tình từ vợ và dân làng, anh Hunsen mạnh dạn bước vào sân chơi. Cầm quả còn trên tay, anh cẩn thận nhắm hướng và tung lên. Quả còn bay lên cao nhưng rồi rơi lệch khỏi vòng tròn trong tiếng reo hò cổ vũ từ mọi người xung quanh. Anh bật cười, không giấu nổi sự thích thú trước thử thách tưởng chừng đơn giản này.

“Thử lần đầu chưa được thì thử tiếp thôi!” – anh hào hứng nói và tiếp tục lần lượt tung những quả còn khác. Dù không dễ dàng trúng đích, nhưng với mỗi lần thử, anh Hunsen lại càng cảm nhận rõ hơn niềm vui và không khí sôi động của lễ hội.

“Tham gia trò chơi xong, tôi còn hiểu thêm về văn hóa và con người nơi đây. Tôi rất ngạc nhiên khi biết quả còn là biểu tượng của sự may mắn và cầu mong mùa màng bội thu. Ở Đức, chúng tôi cũng có những trò chơi truyền thống, nhưng việc lồng ghép ý nghĩa tâm linh và gắn với đời sống người dân như thế này thì thực sự rất đặc biệt. Tôi cảm nhận được sự gắn kết trong cộng đồng nơi đây. Ai cũng nhiệt tình, thân thiện và luôn sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về văn hóa của họ với tôi. Điều đó khiến tôi thấy rất phấn khởi”, anh Hunsen cho biết.

Kết thúc buổi lễ hội, dù không giành được chiến thắng trong trò tung còn, nhưng với anh Hunsen, đây là một trải nghiệm khó quên. Từ sự thân thiện của người dân đến trò chơi truyền thống đầy ý nghĩa, tất cả đã tạo nên một kỷ niệm tuyệt vời với vị du khách tới từ Đức.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 4.

Toàn cảnh khu vực diễn ra trò chơi tung còn tại lễ hội đình Giếng Tanh nhìn từ xa. Ảnh: Trung Hiếu.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 5.

Nhiều người thử tập luyện tung còn trước giờ hội thi chính thức diễn ra. Ảnh: Trung Hiếu.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 6.

Trò chơi tung còn thu hút sự tham gia của cả những em nhỏ. Ảnh: Trung Hiếu.

Trong khi anh Hunsen và nhiều người chơi khác vẫn đang hào hứng thử sức, cả sân đình bất ngờ bùng nổ tiếng reo hò khi anh Lâm Thế Huy (32 tuổi, Kim Phú, Tuyên Quang) là người duy nhất ném quả còn trúng hồng tâm trong ngày hội. Cú ném dứt khoát và chính xác của anh Huy khiến quả còn bay thẳng vào vòng tròn nhỏ xíu trên cột cao, mang lại chiến thắng thuyết phục trước sự tán thưởng của tất cả mọi người.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 7.

Anh Lâm nhận giải chiến thắng trò chơi tung còn năm nay trước khu vực tế lễ. Ảnh: Trung Hiếu.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Huy cho biết, anh cảm thấy rất vui và phấn khởi khi đầu xuân năm mới có được may mắn này. “Dù đã tham gia chơi tung còn trong lễ hội đình làng Giếng Tanh từ nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi may mắn thắng giải. Tôi mong đây là sự kiện báo hiệu một năm may mắn, gia đình hoà thuận, bình an, công việc thuận lợi và sức khoẻ dồi dào”, anh Huy bày tỏ.

Anh Huy cũng hy vọng rằng, qua những sự kiện như lễ hội đình làng Giếng Tanh, không chỉ người dân địa phương mà cả nhiều du khách quốc tế sẽ biết tới và hiểu hơn về giá trị tinh thần của những trò chơi dân gian Việt Nam. “Tôi rất vui khi thấy du khách nước ngoài tham gia và yêu thích trò chơi này. Đó là minh chứng cho thấy văn hóa truyền thống của chúng ta có sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt qua cả biên giới”, anh Huy nói thêm.

Bí ẩn lễ hội tại đình làng có cái tên “lạ”: Nghe già làng bật mí câu chuyện chưa từng tiết lộ!

Gặp gỡ bà Vi Thị Sửu (84 tuổi), người dân sống gần khu vực đình làng Giếng Tanh từ nhỏ tới nay, PV Dân Việt đã được nghe những câu chuyện thú vị về cái tên “Giếng Tanh” – một cái tên lạ mà không phải ai cũng biết rõ ý nghĩa.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 8.

Bà Sửu chia sẻ với PV Dân Việt về ý nghĩa của cái tên “Giếng Tanh”. Ảnh: Trung Hiếu.

Bà Sửu cho biết, theo gia phả của dòng họ một số dân tộc Cao Lan ở Giếng Tanh như họ Trần, họ Lâm, họ Vi…, vào khoảng năm Giáp Thìn 1704, cụ tổ của dòng họ nói trên, trên đường đi từ Quảng Đông (Trung Quốc) về phương Nam tìm đất mới, qua khu vực này thấy đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, cây cối tốt tươi.

“Đặc biệt nơi đây có một dòng nước trong vắt chảy quanh năm không cạn, các cụ quyết định dừng lại lập ấp, làng và khai khẩn đồng ruộng. Nơi dòng nước chảy qua hình thành một cái giếng nước có mùi hơi tanh nên đặt là làng, ấp, nơi mang tên Giếng Tanh từ đó”, bà Sửu chia sẻ.

Theo bà Sửu, đến năm 1807, làng Giếng Tanh thành lập đình này, cả làng mấy trăm hộ đều dùng chung nước tại giếng. “Quanh năm ngày tháng, nước trong giếng đều có màu xanh nhạt như nước hến và chỉ dâng đến mức đó, mưa to cũng không đầy hơn, nắng cũng không cạn đi. Mọi người nói với nhau rằng, nếu dùng nước giếng đó thì sẽ sinh ra được trai tài, gái sắc. Đến nay, chỉ còn một số nhà xung quanh dùng nước từ chiếc giếng này, còn lại mọi người đều đào giếng riêng để dùng”, bà nói thêm.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 9.

Theo bà Sửu, nước trong Giếng Tanh có màu xanh nhạt như nước hến và chỉ dâng đến một mức cố định trong suốt nhiều năm. Ảnh: Trung Hiếu.

Về lễ hội đình làng Giếng Tanh, bà Sửu cho hay, lễ hội này gốc là của người dân tộc Cao Lan và đã được duy trì từ nhiều năm nay, với mục đích là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt: “Bây giờ đời sống bà con nhân dân cũng có phần khá giả hơn trước cho nên cứ mùng 10 tháng Giêng hàng năm, rất đông khách thập phương đến để tế lễ. Đặc biệt, tất cả dân làng Giếng Tanh đều đóng góp tiền vào sắm lễ cho lễ hội đình làng hôm nay”.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 10.

Nhiều người có mặt từ sớm để theo dõi các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đình làng Giếng Tanh. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo ông Nguyễn Công Tĩnh – Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức lễ hội đình làng Giếng Tanh năm nay, nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc xã Kim Phú, giới thiệu mảnh đất, con người nơi đây cũng như hưởng ứng các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng năm mới, đồng thời nhân kỷ niệm chào mừng 322 năm xây dựng đình làng Giếng Tanh, hôm nay, xã Kim Phú long trọng tổ chức lễ hội đình Giếng Tanh Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Khách Tây vượt 10.000km, thử trải nghiệm tung còn tại lễ hội đình làng nghe tên đã thấy “mùi” lạ- Ảnh 11.

Ông Tĩnh phát biểu khai mạc tại lễ hội đình Giếng Tanh 2025. Ảnh: Trung Hiếu.

“Đến nay, đình làng Giếng Tanh còn lưu giữ nhiều tượng thờ trong đình. Năm 2007, nơi đây đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hội đình Giếng Tanh giờ đây không chỉ là nơi sinh hoạt riêng của dân tộc Cao Lan mà trở thành nơi thờ cúng, tế lễ, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc anh em cư trú trên địa bàn xã Kim Phú và các phường, xã lân cận. Tuy nhiên, những nghi lễ được tổ chức trong ngày hội đình làng Giếng Tanh vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm vẫn duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan”, ông Tĩnh cho biết thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *