KHẮC TINH TỰ NHIÊN CỦA VIRUS LÀ GÌ?

Trả lời: Virus là dạng (sống mà cũng không phải sống) đơn giản nhất mà loài người biết đến và chúng không có cấu trúc tế bào hoàn chỉnh. Virus chỉ có một lớp vỏ protein bao bọc bằng vật liệu di truyền (DNA hoặc RNA) nằm ở bên trong. Đến thời điểm hiện tại, con người chưa tìm thấy bất kỳ kẻ thù tự nhiên nào của virus. Cho nên có thể tạm nói hệ thống miễn dịch của chúng ta chính là kẻ thù của virus.

***

Trong hệ sinh thái của Trái đất, các sinh vật thường tương sinh tương khắc với nhau. Những loài yếu hơn bị loại bỏ, những loài mạnh mẽ sẽ tiếp tục nhân lên và tiến hóa. Có thể nói đến thời điểm hiện tại, loài người là sinh vật thống trị trái đất, đứng đầu chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, rất nhiều sự thật đã chứng minh rằng, thứ có thể huỷ diệt con người không phải là những sinh vật bậc cao khác, mà là những loài có cấu trúc tế bào đơn giản nhất trên trái đất, đó là vi khuẩn và virus. Trong lịch sử loài, virus đậu mùa đã cướp đi hàng trăm triệu sinh mạng, khi khuẩn gây nên cái chết đen (bệnh dịch hạch) giết chết hàng chục triệu người. Sự biến mất của một số nền văn minh cổ đại cũng có liên quan mật thiết đến nhiễm trùng vi khuẩn và virus.

Vi khuẩn là những vi sinh vật nhân sơ đơn bào có cấu trúc tế bào. Trải qua những cuộc đấu tranh lâu dài với loài người, một số vi khuẩn đã hình thành mối quan hệ cộng sinh với chúng ta, chẳng hạn như vi khuẩn lactic, vi khuẩn E.coli v.v., ngược lại, một số vi khuẩn có thể làm cho con người bị nhiễm bệnh, như vi khuẩn bệnh dịch hạch.

Cấu trúc vi khuẩn có vách tế bào giống như thực vật, ngược lại, tế bào người không có vách tế bào. Do đó, kháng sinh có thể ngăn chặn sự hình thành vách tế bào của vi khuẩn một cách hiệu quả, kháng sinh có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn cụ thể trong cơ thể người một cách có hiệu quả và đồng thời không gây tổn hại cho các tế bào bình thường trong cơ thể con người. (Đến nay, do con người lạm dụng kháng sinh nên vi khuẩn cũng khó có thể bị giết chết)

***

Nhưng virus lại không giống như vậy. Virus không có cấu trúc tế bào hoàn chỉnh và kích thước nhỏ chỉ bằng 1/100 – 1/1000 của vi khuẩn. Một lớp vỏ protein rất đơn giản bao quanh vật liệu di truyền (DNA hoặc RNA), do đó kháng sinh sẽ không có tác dụng nhiều với virus. Virus có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào con người, sau đó xâm chiếm nhân tế bào, từ đó chúng có thể kiểm soát tế bào con người để tổng hợp các dưỡng chất cần thiết cho chính nó, cho phép virus nhân lên nhanh chóng và tăng số lượng đến hàng nghìn lần.

Vũ khí hiệu quả nhất để cơ thể con người chống chọi với virus chính là hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là chiếc chìa khóa tạo ra các kháng thể tương ứng.

Virus có vỏ protein, mỗi vỏ protein có cấu trúc đặc biệt. Sau khi hệ thống miễn dịch của con người nhận ra kháng nguyên (thể virus), hệ thống miễn dịch sẽ dựa vào cấu trúc vỏ protein riêng biệt của từng loại virus để tạo ra các kháng thể đặc hiệu. Sau đó các kháng thể bám vào bề mặt virus, khiến virus bị bất hoạt, ngừng lây nhiễm và sau đó được hệ thống miễn dịch của con người loại bỏ.

Tuy nhiên, virus ngày càng trở nên nham hiểm hơn trong “cuộc chiến” dài hạn chống lại con người. Ví dụ, virus HIV/AIDS tấn công trực tiếp vào hệ thống miễn dịch của con người. SARS-CoV-2 gần đây ở lớp vỏ ngoài có protein S. Chúng có thể đánh lừa các tế bào của con người. Sau đó thông qua thụ thể protein ACE2 của cơ thể con người xâm nhập vào bên trong tế bào. Khi virus tiếp tục xâm nhập vào nhân, chúng có thể kiểm soát toàn bộ tế bào người để tổng hợp các chất cho quá trình nhân lên của virus. Cuối cùng khiến tế bào bị phá vỡ và giải phóng hàng ngàn virus mới, sau đó chúng sẽ xâm chiếm các tế bào khác và lặp lại quá trình trên. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân này có thể khiến người bình thường bị bệnh trong vòng vài ngày.

Phải mất một thời gian để hệ thống miễn dịch của con người phản ứng và tạo ra kháng thể. Hệ thống miễn dịch không phải là toàn năng, do đó một số bệnh do nhiễm virus mà hệ thống miễn dịch không thể chống chọi được có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên tắc của vaccine do con người nghiên cứu và phát triển là sử dụng virus bất hoạt hoặc mất đi độc tính, sau khi tiêm vào cơ thể người, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ tạo ra bộ nhớ và lần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch có thể kịp thời tạo ra một lượng lớn kháng thể để nhanh chóng loại bỏ virus trước khi chúng khiến chúng ta nhiễm bệnh nặng.

***

Cho đến ngày nay, con người chưa nghiên cứu phát triển được các loại thuốc có thể đối phó với virus một cách hiệu quả nhất. Các virus có sợi RNA như SARS-CoV-2 rất dễ bị đột biến. Virus đột biến để tránh các cuộc tấn công và bị đào thải của hệ thống miễn dịch. Ngay cả khi con người đã phát triển vaccine ngăn ngừa, virus thể đột biến sẽ làm cho vaccine hoàn toàn mất đi hiệu quả hoặc làm giảm hiệu quả của nó. Cho nên, cuộc chiến giữa con người và virus vẫn còn kéo dài và chưa có thời điểm kết thúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *