KẺ CẮP

Trước khi lão Mộc về làng, xóm giềng đã điên đầu vì mất cắp, từ gà vịt đến chó mèo rồi xoong chậu, cả lư đồng trong mấy nhà thờ họ cũng bị rinh cả cụm. 

   Mỗi lần mất của, lòng người như xa thêm một tí, người ta nhìn nhau bằng ánh mắt “nội soi”, dè chừng; liền đó kẻ khả nghi bị đưa vào tầm ngắm. Lúc trước người ta nghi mông lung, nhưng sau này thì dồn vào Mộc – khi lão lò dò quay về làng, sau bao năm biệt tích.

Theo những bậc cao niên, gần năm mươi năm trước, một đứa trẻ chưa rụng rốn, đỏ như hòn máu được quấn trong mớ giẻ rách bị bỏ rơi trước cổng chùa đầu xóm. Một phụ nữ luống tuổi đơn thân trong làng đã ôm nó về. Người mẹ nghèo ấy không sống tới ngày con trưởng thành để được nhờ và cậu lại bơ vơ. 

   Như cái cây mọc hoang, ít được bón chăm uốn nắn, nó từng ngã nghiêng bầm dập. 

Đứa bé sớm hai lần mồ côi ấy – chính là lão Mộc bây giờ.

Mười sáu tuổi, Mộc bỏ làng ra đi, chẳng ai biết đi đâu; mãi khi tên cậu bị đưa lên báo, láng giềng mới hay. Thì ra cậu xuôi về phương Nam; rời cái liềm cái cuốc thì cầm cái bay viên gạch đứng trên giàn giáo. Thế rồi một mùa mưa dai dẳng kéo theo những ngày dài ăn không nằm chờ đã đẩy cậu rẽ vào ngõ cụt. 

   Đó là buổi chiều u ám, nằm trong lán chất đầy xi măng và sắt thép, cậu buồn bã nhìn mưa rơi, với túi lép bụng xẹp. Tiếng dầu mỡ xào nấu xèo xèo lẫn mùi thơm điếc mũi phả ra từ nhà bên khiến cái đói càng cào cấu tâm can.

Chờ đêm xuống, cậu vọt hàng rào qua nhà bên rồi bu theo đường ống nước leo lên, chui qua cửa thông gió, tìm đến nơi từng dậy mùi khiêu khích cơn đói. Cậu rón rén vào bếp, những mong đem lại sự thỏa mãn tức thời cho cái dạ dày trống rỗng. Lập cập luống cuống khiến cậu sơ sẩy. Sau tiếng kêu thảng thốt của chiếc vung bị rớt xuống nền nhà, điện bật sáng. Bà cụ chủ nhà từ buồng ngủ vọt ra, co rúm như bị điện giật, hốt hoảng: “Cướp, cướp!” Kẻ cắp thẳng tay xô chủ nhà vô tường, tông cửa nhào ra đường nhưng không thoát. Bà cụ trọng thương nhưng may là bảo toàn được tính mạng.

Ba năm tù là cái giá Mộc phải trả cho tội lỗi của mình. 

Ra tù, cậu lại lơ ngơ vô định; không biết về đâu, đành trụ lại vùng rừng núi heo hút, cách trại giam không xa. Khởi đầu là làm thuê cho các chủ trang trại rồi lần hồi Mộc cũng có được rừng rẫy riêng. Nghịch cảnh là, trong khi lũ gà vịt bò dê không ngừng sinh sôi dưới đôi tay cần mẫn thì người chủ của chúng vẫn một mình một bóng. Mộc quen lặng lẽ cùng những đồi bạch đàn, sao đen từng ngày vươn cao khép tán cùng đàn gia cầm gia súc vây quanh. Lão vẫn đơn độc, cả khi tóc đã ngả màu, báo hiệu tuổi già đang thấp thoáng phía trước. Cuộc sống của lão bị đảo lộn khi cả vùng núi rừng tĩnh mịch bị di dời giải tỏa rồi đào bới san lấp, mở đường xây dựng nhà máy thủy điện. 

  Thế là – lão lếch thếch về làng.

Chuyện buồn đau thuở thiếu thời tưởng đã vùi theo thời gian, nay lại lẽo đẽo theo lão về quê. 

Dường như mỗi khi mất trộm, người ta lại nghĩ ngay đến Mộc, nhìn lão với đôi mắt soi mói, ghẻ lạnh. Trong những đám hiếu hỉ hay họp thôn, nhiều người không muốn ngồi gần lão, có chăng chỉ là gắng gượng. Chuyện ở quê giống như bình thông nhau, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, kết nối nhanh như mạng xã hội nhưng Mộc thì ngoại lệ. Rất ít khi láng giềng qua lại tâm tình với lão. 

   Lão buồn – chỉ cúi mặt, thở dài. Sống giữa người người nhưng Mộc thấy lẻ loi hơn cả những ngày một mình nơi rừng sâu núi thẳm.

Bà Năm Dụng ở sát nhà Mộc, mỗi lần mất cắp lại xỏ mồm qua hàng rào chửi như … bão giông sấm sét. Nếu bị nguyền rủa mà chết thì lão đã bị bà biến thành ma từ lâu rồi. 

   Mặc bà hàng xóm phun lời ác độc như những loạt đạn bắn thẳng, lão vẫn lặng im, cùng lắm là ra đồng hoặc tạm thời “lánh nạn” đâu đó. Được thể – bà càng chửi ác, gần như nhằm thẳng mặt: “Quân khốn nạn! Còn ai bắt gà vào đây nữa, nếu không phải cái thằng quen trộm cắp từ thuở mới nứt mắt kia?!” Người bị nghi vẫn im, chỉ có lũ chó ầm ỹ đáp trả mớ âm thanh hỗn độn khiến Năm Dụng càng “lên cơn”. 

Chỉ đến khi ông trưởng thôn can ngăn, bà mới chịu “tắt đài”. Ông bảo kẻ hồ đồ rằng : đừng nghi ngờ chửi bới lung tung mà mang tội và điếc tai hàng xóm, đừng định kiến thù dai mà hại mình hại người.

Mỗi lần trong xóm mất cắp, trưởng thôn có vẻ bứt rứt lắm. Ông đến tận “hiện trường” điều nghiên, từ nhìn dấu chân rồi lần theo ngõ ngách ra vào của kẻ trộm. 

   Chẳng biết ông nghi ai nhưng sau mỗi vụ bất lương, ông thường gặp thằng Binh ở cuối xóm. Đang học lớp 11, Binh bỏ ngang rồi nhập bọn với đám chơi bời trên thị trấn. Nó lang thang như kẻ vô gia cư, ngủ ngày đi đêm như con vạc; uống rượu hút thuốc liên miên bát ngát. 

  Trưởng thôn đến tận nhà cảnh báo ba mẹ Binh rồi kéo thằng nhỏ ra gặp riêng. Ông nhắc nhở những biểu hiện bất thường của nó rồi buông lời xa xôi “gần mực đen gần đèn sáng”; “nhàn cư vi bất thiện”. Ông còn dằn mặt: “Đi đêm lắm coi chừng có ngày gặp ma!”. Nó dạ dạ như bắp rang nhưng … chẳng biết có làm theo lời ông không.

Với lão Mộc, trưởng thôn là người gần gũi. Ông thường ghé nhà lão uống nước hút thuốc, rề rà tán dóc cả buổi. 

   Lão ngồi lặng rưng rưng – mỗi khi nghe ông biểu dương trong các cuộc họp. Chuyện là thấy bà con, nhất là tụi nhỏ vọt qua những con kênh hay bị trượt ngã, lấm lem bùn đất nên lão chặt dừa, bắc ngang làm cầu tạm. Cũng một mình, lão vần đá xếp thành bậc lên xuống ở ao làng để bước chân xuống lên được dễ dàng. Thấy lão chặt tre găm dọc bờ sông, nhiều người trố mắt, tưởng khùng nhưng mấy năm sau tre mọc thành lũy, giữ yên bến bờ trước những mùa lụt… 

Chuyện nhỏ ấy, lão làm xong rồi quên nhưng trưởng thôn thì nhớ, lại nhắc đến trong các buổi họp dân khiến lão vui vui.

Một tối, bà Năm Dụng lật đật chạy qua nhà trưởng thôn, hớt hải:

– Thằng Binh với lão Mộc!!!

Trưởng thôn giật giọng:

– Bọn họ làm sao?

Đáp lại là giọng hổn hển:

– Hình như đang bày mưu tính kế ! Bà chỉ về phía nhà Mộc rồi cầm tay ông kéo đi. 

   Đến sát bờ rào nhà lão, cả hai nhẹ chân, lắng tai, căng mắt hệt như lính trinh sát. Trong ngôi nhà nhỏ bên kia rào, hai người đang ngồi đối diện qua chiếc bàn con, dáng lờ mờ dưới ánh sáng leo lắt đỏ quạch của bóng đèn quả ớt. Họ thì thầm. Giọng lão Mộc ồm ồm, muốn nhỏ cũng chẳng được; thằng Binh thì run run, giọng lòe nhòe, đứt đoạn. 

Hắn ngước nhìn lão, vẻ xót thương:

– Bị người ta nghi ăn cắp sao chú không nói gì?

Sau tiếng thở dài là giọng buồn buồn:

– Họ đâu điểm mặt chỉ tên mà mình lên tiếng. Tao cũng khổ tâm lắm nhưng biết làm sao!?

Nó ngập ngừng một lúc rồi trải lòng, mắt nhìn lảng ra sân; giọng đột ngột nhỏ lại:

– Thấy chú bị oan, cháu day dứt lắm nên đã đoạn tuyệt thói chôm chỉa từ lâu rồi, chú ạ !

Cả hai lặng im, lão ngả người trên ghế, ngước nhìn trần nhà. Nó len lén nhìn lão, chờ đợi. 

   Lâu sau, lão xoay người nhìn kẻ đối diện, miệng nhoẻn nụ cười buồn, đưa ngón tay dứ dứ trước mặt nó:

– Thì ra là mày. Nhưng mày bỏ được tính xấu ấy là quý rồi.

Nhưng nó vẫn chưa thôi day dứt:

– Thấy chú bị mang tiếng xấu, cháu không chịu được; định thú nhận với bà con để minh oan cho chú.

Lão nhăn mặt suy tư rồi bất ngờ nhỏm phắt dậy, lắc đầu lia lịa, vung tay chém gió, hệt như cái ba-ri-e dập xuống:

– Không nên!

Nó tròn mắt:

– Sao vậy, chú?

Giọng lão chậm rãi, ngỡ như … có nước thấm trong từng lời:

– Tao từng đi tù, giờ tiếp tục bị nghi ăn cắp, đau lắm! Nhưng ráng chịu được. Vả lại, tao chẳng có bà con ruột thịt nên không ai phải liên lụy- Lão dừng lời, nhìn thẳng mặt nó, hạ giọng- Mày còn trẻ, còn ông bà cha mẹ rồi mai chiều có vợ con nữa… Nhưng – mang tiếng là thằng ăn cắp thì sống sao nổi hở con ?!

Nó cúi mặt, ngồi bất động. Lão cầm tay nó, lặp lại những lời an ủi:

– Mày đã bỏ thói chôm chỉa là được rồi; đó cũng là cách sám hối; không cần phải nói ra.

Nghe tiếng chân bước vội, cả hai cùng ngoảnh ra, sửng sốt thấy bà Năm Dụng và ông trưởng thôn đang vào sân. Kẻ đứng người ngồi, họ im lặng nhìn nhau, bối rối. 

Bất chợt – bà Năm Dụng bước tới, đưa hai tay nắm lấy bàn tay lão Mộc, miệng ngắc ngứ như muốn nói điều gì mà … không nói được !

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *