KAZAKHSTAN: ĐIỀU GÌ ĐANG DIỄN RA?

I. Một chút về Trung Á.

Trung Á, theo nghĩa rộng, bao gồm 3 vùng: vùng trung tâm là Kazakhstan, vùng sa mạc là Uzbekistan và Turkmenistan, vùng núi gồm Tadjikistan, Kyrgystan, Afganistan, Pakistan, Iran và một phần Ấn độ. 

Trong bài viết này khi nói về Trung Á tôi muốn nói về trung Á hẹp gồm 5 nước cộng hoà láng giềng thuộc Liên Xô cũ là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. 

Sau 1991 quan hệ giữa các quốc gia Trung Á có đặc điểm là mức độ hợp tác thấp và thường xuyên xảy ra tranh chấp thương mại, tranh chấp biên giới và bất đồng về quản lý, sử dụng nguồn nước và năng lượng. Trong các nước Trung Á hai nước Kazakhstan và Uzbekistan trấn giữ 2 đầu là tiềm lực nhất.

Đặc biệt là Kazakhstan với tiềm lực kinh tế mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt và chính sách ngoại giao khôn khéo… đang nổi lên với vai trò trở thành “Thủ lĩnh Trung Á”. 

Từ thời Liên Xô Kazakhstan có vai trò nổi bật so với các nước Trung Á bởi diện tích rộng, dân đông, tài nguyên giàu có và vị trí quân sự chiến lược. Thủ lĩnh Kazakhstan năm 1991 là N. Nazarbayev được dự kiến thay M. Gorbachev làm Tổng thống Liên Xô sau vụ đảo chính bất thành. Đó cũng là lý do vì sao Kazakhstan tuyên bố độc lập cuối cùng và chậm hơn các nước còn lại mấy ngày liền: ông Narzabayev rất bực mình vì tuột tay cơ hội ngàn năm có một duy nhất trong đời.

Trật tự thế giới sau 1945 được thiết lập và bảo trợ bởi các quốc gia thắng trận có vũ khí hạt nhân thành viên thường trực HĐBA LHQ: Mỹ cùng đồng minh, Liên Xô và Trung Quốc (sau khi lấy được ghế của Đài Loan thành thành viên thường trực HĐBA năm 1971). Trật tự này bao gồm chia “khu vực ảnh hưởng” như một chiến lợi phẩm. Châu Âu và một số quốc gia bị chia cắt: Tây Âu là vùng ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh, Đông Âu là vùng của Liên Xô, các nước Pribaltic de jure là thuộc Liên Xô.

Liên Xô tan vỡ năm 1991 tạo khoảng trống quyền lực vùng Đông Âu, Pribaltic, Kavkaz (Caucasus) và vùng Trung Á – các nước Cộng hoà của Liên Xô ngủ dậy sau 1 đêm bất ngờ thành quốc gia độc lập.

Khoảng trống ở Đông Âu và Pribaltik được Mỹ và EU (NATO) nhanh chóng lấp đầy. 

Trung Á là khu vực nối lục địa Á Âu, đất rộng, người thưa và tài nguyên thiên nhiên phong phú luôn nằm trong tầm ngắm của các đại gia khi muốn xử nhau: hoà bình hay đơn cực thì ít ai quan tâm nhưng khi cần chiến trường lập tức được nhớ đến. Những năm sau 2000 khi Trung Quốc trỗi dậy bắt đầu xuất hiện những xu thế mới. Khoảng trống quyền lực ở đây còn khá.

Mỹ cũng muốn điền vào khoảng trống vùng Trung Á nhưng vì nhiều lý do đã không thành. Một phần vì chưa đúng lúc. 

II. Hiện nay ở Trung Á 3 quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

1. Nga và Trung Á

Chính quyền Nga xác định đối thủ trực tiếp đe doạ họ là Mỹ và NATO. Tứ bề thọ địch Nga lặp lại chính sách xưa: an Đông kích Tây… không thể dàn trên mọi mặt trận.

Nước Nga đang bằng mọi giá giữ yên ổn với Trung, duy trì vùng Kavkaz (Caucasus), Thổ, Syria và Trung Á trở thành “tấm đệm” của Nga giữ khoảng cách và là khu vực đệm hướng Nam và Tây Nam với thế giới Hồi giáo và Arab bất ổn… để Nga rảnh tay chiến đấu với Mỹ và NATO ở hướng Tây.

a. Sau 1991 nước Nga vẫn còn ảnh hưởng kinh tế – chính trị rất lớn ở Trung Á nhưng giai đoạn 90s thế kỷ trước vừa ốm vừa yếu nên cứ vật vờ thế thôi. Hiện nay thì mạnh về cơ bắp nhưng yếu về túi tiền… mãi mới sinh ra được Liên minh kinh tế Á Âu. 

Tầm ảnh hưởng của Nga tại Trung Á đang dần bị xói mòn và tan ra. Khu vực được coi là khu vực lợi ích của Nga dang dần toang. Dường như tương lai Nga mất ảnh hưởng ở các khu vực đó là hiển hiện.

Nga nhìn các nước Trung Á nghèo, lắm tài nguyên và thưa người và vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình… đang dần rời xa mình với sự lo ngại không hề nhỏ. Nhưng tiềm lực kinh tế yếu kém nên đành chấp nhận, nhịn nhục chờ thời: con gấu Nga chỉ còn kho vũ khí hạt nhân làm chỗ dựa. 

b. Nga buộc phải bắt tay với Trung Quốc để yên ổn biên giới phía Đông. Nhưng đây là quan hệ lợi dụng lẫn nhau hơn là đối tác chiến lược bởi mâu thuẫn lợi ích quá nhiều. Đằng sau những lời nói có cánh về nhau của TT Putin và ông Tập là sự quan ngại lớn: ngưởi Nga chưa bao giờ tin Trung Quốc với tham vọng bá chủ của họ. Bởi ai cũng biết quan hệ Nga Trung không hề yên ả với các mâu thuẫn lãnh thổ lịch sử. Dù Nga đã lùi nhiều nhưng Trung Quốc vẫn tham lam muốn hơn nhiều: Trung Quốc luôn coi vùng Siberia đến Vladivostok là của họ. 

c. Người Nga đã mồi chài thành công Thổ Nhĩ Kỳ đang bất mãn vì mãi không được gia nhập EU dù đang là thành viên NATO. Từ xa xưa mối quan hệ Thổ Nga đã không hề tốt đẹp. Nay cũng không ít sóng gió: Thổ bắn rơi máy bay Nga ở Syria nhưng Nga ngậm đắng nuốt cay… Sau vụ bị Mỹ và NATO muốn lật nhưng Nga ủng hộ nên Edorgan sống sót tại vị, quan hệ của Thổ với Nga dù đầy mâu thuẫn lợi ích trở nên khăng khít hơn nhiều. Nga thành công trong xây dựng được mối quan hệ tốt với TT Edorgan và chính phủ Thổ. Đỉnh điểm là vụ Thổ, thành viên NATO, lại mua dàn tên lửa S-400 của Nga và bị Mỹ NATO cấm vận vũ khí.

Nhưng không phải mọi thứ đều cơm lành canh ngọt: Dù sao Thổ vẫn là thành viên của NATO với giấc mơ Đại Turan và thủ lĩnh đạo Hồi. Chưa kể trong cuộc chiến Nagornyi Karabakh lần 2 Thổ đứng hẳn về phía Azerbaidjan chống lại Armenia – hai nước thuộc vùng ảnh hưởng của Nga.

d. Nga giữ được ảnh hưởng với Syria sau khi giúp TT Assad giữ ngai vàng.

e. Kavkaz: Tuy quan hệ Nga – Gruzia (Georgia) vẫn xấu nhưng nước này đã bị kẹp giữa Nga và Armenia-Azerbaidjan, hai đất nước đối địch này vẫn lệ thuộc Nga khá nhiều.

f. Các tay chơi mới xuất hiện đang thể hiện tham vọng của họ tại Trung Á:  hai ông “đồng minh” của Nga là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường thể hiện vai trò gây ảnh hưởng cạnh tranh với Nga.

2. Trung Quốc và Trung Á

Họ đang triển khai giấc mơ bá chủ thế giới của mình trên mọi lĩnh vực: Địa chính trị, Tài chính Tiền tệ, Không gian, Văn hoá… Về địa chính trị đó là sáng kiến “Một vành đai, một con đường”: Một con đường là “Chuỗi ngọc trai” trên biển, một vành đai là giao thương “Con đường tơ lụa” trên đất liến.

Để triển khai “Con đường tơ lụa” mới Trung Quốc đầu tư ào ạt vào các nền kinh tế yếu ớt hay đang gặp các vấn đề gồm các nước Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ucraina, Belarus và tràn qua châu Âu theo ngã Balan xuống tận Italia. Kim ngạch hàng hóa trên tuyến Trung Quốc-EU-Trung Quốc đang tăng chóng mặt: vận chuyển đường sắt xem ra nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với đường biển, và rẻ hơn đường hàng không. Phần lớn lưu lượng hàng hóa này đi qua lãnh thổ của Kazakhstan: Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan… rồi tiếp (xem H.1).

Khu vực Trung Á sát nách Trung Quốc đóng vai trò cửa ngõ ra vào Trung Quốc hướng Tây Bắc được quan tâm đặc biệt: Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với 3 nước Trung Á có biên giới chung là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Cho dù Trung Quốc đã đạt được những thoả thuận có lợi họ vẫn có vẻ chưa thoả mãn.

3. Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á

Thổ đang phấn đấu trở thành quốc gia thủ lĩnh Hồi Giáo thông qua 3 trụ cột: 

a. Hồi Giáo ôn hoà;

b. Tân-Ottomanism: thông qua các hệ thống quyền lực mềm như văn hoá khôi phục tầm ảnh hưởng và thống trị của Thổ trong khu vực Đế chế Ottoman xưa nhằm tập hợp các dân tộc nói tiếng Thổ khác xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ; và 

c. Tiến tới thành lập quốc gia Đại Thổ (Great Turan). 

Đại Thổ dựa trên ý tưởng hình thành một quốc gia khổng lồ từ biển Đen Châu Âu đến Thái Bình Dương vùng Yakusk của Nga với động lực là chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, hướng tới sự mở rộng ra bên ngoài vào “thế giới người Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm đoàn kết của tất cả người Thổ ở tất cả các quốc gia: Trung Á, Afganistan, Syria, Iran, Irak, Afganistan, Balkans, Cyprus, Cận và Trung Đông, Tiểu Á, Transcaucasia, và của Liên bang Nga (Bắc Caucasus, Tatarstan, Bashkortostan, Chuvashia, Tyva, Altai, Buryatia, Khakassia, Yakutia, Crimea v.v) (H.2-a).

Trụ cột tư tưởng chính của chủ nghĩa Đại Thổ (Panturanism) là:

 – Panturanism không thừa nhận sự tồn tại của các dân tộc nói tiếng gốc Thổ như những dân tộc riêng biệt. 

 – Panturanism cũng không coi các vùng lãnh thổ có dân nói tiếng Thổ là các quốc gia độc lập.

 – Panturanism ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ là hạt nhân dẫn dắt các quốc gia này.

 –  Các nhà tư tưởng Panturanism là một trong những người ủng hộ chính cho việc xóa các nền văn hóa khác trên lãnh thổ của người nói tiếng Thổ. 

 – Panturanism chỉ có thể thực hiện trên nền tảng nước Nga bị tan vỡ.

Lãnh thổ cuối cùng mong muốn của Pan-Turan: (H.2-b).

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ từ năm 1993 việc truyển bá  Panturanism đã được đẩy mạnh để khoả lấp vùng trống quyền lực ở Trung Á. Càng về sau này chủ đề Great Turan (Turan Vĩ đại) càng được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quan điểm TTg Edorgan đăng tải thường xuyên.

Không chỉ trên lời nói Thổ hành động khá tích cực.

Điều này làm Nga, Trung cùng lo ngại.

III. Kazakhstan

Kazakhstan là quốc gia đất rộng người thưa.

Diện tích: 2,7 triệu km2 (gấp 9 Việt Nam và là rộng lớn thứ 9 thế giới);

Dân số: 19 triệu (1/5 Việt Nam).

GDP: 180 tỷ USD (hơn 1/2 Việt Nam).

Kazakhstan có nuồn tài nguyên thiên nhiên phong phú: dầu, khí đốt, than đá, uranium (49% trữ lượng thế giới), chì, kẽm, crom, vàng, bitmut, đồng, molypden, nhôm, sắt, mangan, đất hiếm.

Suốt gần 30 năm cầm quyền cựu TT Nazarbayev thu hút đầu tư từ châu Âu và Mỹ vào Kazakhstan khá thành công để cân bằng ảnh hưởng với Nga. Điều này giúp kinh tế Kazakhstan phát triển khá nhanh và cởi mở. TT Tokaiev thân Trung hơn và tìm cách cân bằng Nga Trung vì cho rằng “bán họ hàng xa mua láng giềng gần”.

1. Kazakhstan có vai trò chiến lược với Nga:

a. Kazakhstan có chung đường biên giới dài nhất thế giới với Nga chiều dài 7,5 nghìn km. Có 12 tỉnh của Nga và 7 tỉnh của Kazakhstan dọc theo biên giới.

b. Hơn 30% dân số của Kazakhstan và 18,5% của Liên bang Nga sống ở các vùng biên giới của Nga và Kazakhstan.  

c. Kazakhstan và Nga có mối quan hệ và phụ thuộc kinh tế mật thiết. Tổng sản phẩm khu vực (GRP) của các vùng biên giới của Kazakhstan bằng 40% GDP của Kazakhstan và GRP của các vùng biên giới của Liên bang Nga là 20% GDP của Nga.

d. Khoảng 74 nghìn sinh viên Kazakhstan đang theo học tại các trường đại học của Nga, trong đó có hơn 30 nghìn – với chi phí do ngân sách Nga chi trả.

e. Hai nước có tổng cộng hơn 300 Hiệp ước Hiệp định chung.

f. Nga và Kazakhstan là thành viên sáng lập cốt lõi của liên minh Á-Âu, đối trọng của EU và “Một vành đai, một con đường”.

g. Nga là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Kazakhstan lên tới gần 13 tỷ USD, các khoản đầu tư của Kazakhstan vào Nga – 4 tỷ USD. Khoảng 6,5 ngàn liên doanh đã được thành lập và đang hoạt động.

h. Kazakhstan là quốc gia có tầm ảnh hưởng chính trị lớn ở Trung Á và là đối tác quân sự tin cậy của Nga.  Hiện tại Kazakhstan còn nhiều căn cứ quân sự bí mật tầm chiến lược của Nga. Sân bay Vũ trụ Baikonur là nơi phóng phần lớn các tàu vũ trụ của Nga.

i. Kazakhstan cũng là đối thủ cạnh tranh của Nga trong cung cấp lúa mạch, khí đốt…

2. Kazakhstan và Trung Quốc:

a. Là quốc gia của ngõ duy nhất sát biên giới với Trung Quốc của chương trình “Một vành đai, một con đường”.

b. Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào Kazakhstan. Kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Trung Quốc lên tới gần 22 tỷ đô la Mỹ. 

Từ năm 2005 đến năm 2020, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Kazakhstan đã vượt quá 19 tỷ USD.  Hơn 2.700 doanh nghiệp có vốn Trung Quốc tham gia đã đăng ký tại Kazakhstan. Trung Quốc là một trong các chủ nợ lớn nhất của Kazakhstan. Và Kazakhstan là nhà cung cấp khí đốt lớn cho Trung Quốc

c. Tokaiev, Tổng thống hiện nay của Kazakhstan, được/bị coi là thân Trung Quốc: ông đã từng là chuyên gia ngoại giao về Trung Quốc và biết tiếng Hoa. Ông này “chơi” con bài Nga Trung bằng cách đu giây giữa 2 quốc gia này, trong khi Nazarbayev đu giây giữa Nga và Mỹ. 

d. Kazakhstan nằm ngay sát khu tự trị Tân Cương. “Giữ” được Kazakhstan là ngăn ngừa được hậu hoạ từ bên ngoài với Trung Quốc.

e. Kazakhstan là đất nước có nhiều mối liên hệ văn hoá với Trung Quốc.

f. Mặc dù vậy tại Kazakhstan tâm lý bài Trung đang tăng. Lý do vì Trung Quốc không giấu diếm tham vọng tranh chấp lãnh thổ với Kazakhstan.

3. Thổ và Kazakhstan

a. Thổ đánh giá Kazakhtan là vị trí trọng yếu trong chương trình Đại Turan. Do vậy ngay sau khi Liên Xô sụp đổ Thổ tích cực hiện diện tại Kazakhstan. Nhìn trên bản đồ thấy rõ Kazakhstan nằm ở tâm điểm của Great Turan: có Kazakhstan và Uzbekistan là có Trung Á. Uzbekistan sau khi cựu Tổng thống Karimov qua đời, đang khá lúng túng tìm đường đi và mất vị thế, biến Kazakhstan rộng lớn, tiềm năng cao trở thành động lực của khu vực. Vì vậy Thổ dành cho Kazakhstan rất nhiều quan tâm .

b. Cùng là các nước đạo Hồi, mô hình phát triển của Thổ được Kazakhstan đánh giá cao để học tập.

c. Thổ là thành viên NATO và cựu tổng thống Nazarbayev, người có quan hệ tốt với Nga và cố gắng cân bằng Nga và Mỹ, sử dụng Thổ như cầu nối với NATO và Mỹ.

2. và 3. làm Nga không yên tâm.

IV. Điều gì đã xảy ra?

Chính phủ Kazakhstan đã giữ giá nhiên liệu cố định trong hai thập kỷ qua. Việc Chính phủ của TT Tokaiev đưa khí đốt về giá thị trường làm tăng giá gấp đôi. Người dân có thói quen tiêu thụ khí đốt cao trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả chạy xe ô tô lập tức đổ ra đường đòi ông… Nazarbayev từ bỏ tất cả các chức vụ. Không thể kiểm soát đất nước TT Tokaiev kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – một liên minh quân sự bao gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan giúp đỡ. Hơn 3.000 quân của Tổ chức này (mà thực chất và chủ yếu là Nga) đổ bộ. Trong vòng 5 ngày trật tự được thiết lập. Sau đó rút. Báo chí đã viết nhiều google sẽ thấy.

Tình hình ở Kazakhstan có dấu hiệu giống một cuộc “cách mạng màu”. Ai là tác giả đứng đằng sau? Đến nay chưa hoàn toàn rõ. Có 4 phương án:

1. Nazarbayev và cận thần;

2. Biểu tình tự phát;

3. Người những ngày đầu tự nhận là trực tiếp chỉ huy cuộc nổi loạn: Ablyazov, cựu BT Thương mại và Năng lượng và là kẻ thù không đội trời chung của Nazarbayev hiện đang cư trú ở Ucraina. Ông ta đã bị Nazarbayev bỏ tù và sau đó tịch thu nhiều tài sản và là một “Bố già” đầy tai tiếng trong thế giới kinh doanh một thời ở Kazakhstan. Tuy nhiên Ablyazov sau đó lại chối bỏ sự tham gia trực tiếp của mình… chắc vì diễn biến không như ý muốn. Ablyazov là cái tên không quá xa lạ với một số người Việt.

4. Một số nhà phân tích thạo tin về Kazakhstan đã tìm ra “cái đuôi” của người chịu trách nhiệm cho việc tăng giá khí ở nước này: có dấu hiệu thông đồng nâng giá của những đại gia bán khí đốt hóa lỏng lớn. Các công ty ấy bao gồm Kazakhoil, CNPC-Aktobemunaigaz và Kazgermunai. Ai là chủ nhân các công ty này? Hoá ra đó là Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC sở hữu cổ phần kiểm soát tại CNPC-Aktobemunaigas, Caspian Investments Resources Ltd của Trung Quốc có 50% tại Kazakhoil, Trung Quốc cũng sở hữu 50% cổ phần tại Kazgermunai.

Tất nhiên không có các dấu hiệu đầy đủ khẳng định rằng Trung Quốc trực tiếp can dự vào việc kích động tạo ra bạo động. Vai trò của Trung Quốc ở đây chỉ “lấp ló” như tại Belarus.

5. Bàn tay của Nga.

Cả 5 phương án đều có Pro và Contr. Nhưng việc Nga đưa chỉ 3.000 quân đặc nhiệm vào đã dẹp được loạn chứng tỏ tính tổ chức rất thấp nếu không phải phương án 5. Mà phương án này thì chưa thấy chứng cứ. 

V.  Ai hưởng lợi nhất từ sự kiện này?

Nước hưởng lợi lớn nhất từ vụ việc: Nga. Trong  củng cố ảnh hưởng của mình ở Trung Á.

1. Sự chuẩn bị và hành động của Nga khá là bài bản và thời điểm được chọn là lý tưởng. Dường như kịch bản đã được soạn sẵn. 1 vài nguồn tin cho rằng Nga “biết trước” hay “chuẩn bị trước” cho việc này.

Lý do?

Đầu tiên là rút quân từ Quân khu Trung tâm về biên giới với Ucraina. Đồng thời một loạt các cuộc di quân chiến thuật (mà cũng có vẻ chiến lược): Nga đe dọa Ucraina.

Mỹ, NATO và EU đồng lòng phản đối hành động gây hấn chống lại Ucraina của Nga.

Hành động gây căng thẳng ở biên giới Ucraina được coi nhằm “tung hoả mù” NATO và Mỹ để bí mật chuẩn bị cho Kazakhstan.

Trong khi đúng vào thời điểm này Trung Quốc đang tập trung cho chuẩn bị Thế vận hội nơi ông Tập muốn giới thiệu một khuôn mặt mới của Trung Quốc với thế giới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng nên sẽ không thể làm gì trước mắt.

Việc Nga đổ quân vào Kazakhstan làm phương Tây và Trung khá bất ngờ. Một phong cách đặc trưng của Putin: bất ngờ, nhanh chóng và khó lường, chấp nhận sau đó có thể có những hậu quả kéo dài. Như đã tại Serbia và Crimea. Quân đội Nga nhanh chóng kiểm soát và bảo vệ các mục tiêu chiến lược: các sân bay, mỏ uranium, giếng dầu, trạm khí nén, nhà máy hóa chất và cả đường ống dẫn dầu khí và đường giao thông chính… và các căn cứ của Nga – tất nhiên.

Tuy nhiên một nguồn tin khác bảo rằng chính Nga cũng bất ngờ nhưng Nga tìm ra cách hưởng lợi từ cuộc bạo động này.

Và Nga thực sự hưởng lợi: Nga nhảy vào Kazakhstan tương tự việc bắn một viên đạn “bắn” được 2 con chim: Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát được hậu hoạ từ 2 “đồng minh tin cậy” này.

2. Nga được lợi gì từ sự kiện này?

a. Đặt được chế độ bảo hộ với Kazakhstan là Nga kiểm soát được toàn bộ “Con đường Tơ lụa” mới của Trung Quốc. Nhìn lên bản đồ của “Con đường Tơ lụa” thấy có 2 nút cổ chai: Belarus là cửa ngõ vào châu Âu và Kazakhstan là cửa ngõ từ Trung Quốc. Có một cửa ngách vào châu Âu dự phòng là Ucraina nhưng tình hình bất ổn nơi này cùng bàn tay của Nga làm có lẽ chỉ sớm hay muộn cũng rơi vào ảnh hưởng của Nga hay chia 5 xẻ 7 như Nam Tư cũ. Kiểm soát được Kazakhstan, Belarus (thêm Ucraina và Thổ) là kiểm soát toàn bộ Con đường Tơ lụa từ biên giới Trung Quốc đến EU: Trung Quốc muốn triển khai Con đường Tơ lụa phải thở qua lỗ mũi Nga. Đó là cái được quan trọng nhất cho Nga. Bây giờ mới thấy các hành động của Nga ở Belarus, Ucraina và Kazakhstan có logic chung của nó.

b. Logic ở đây có thể thấy ở sự tương đồng trong ứng xử của Nga với Edorgan, Tokaiev và Lukashenko: cả ba cùng “chơi con bài Nga” và đu dây giữa Nga-Mỹ+EU (Lukashenko, Edorgan) và Nga-Trung (Tokaiev). Sau khi được Nga “cứu” Edorgan và Lukashenko vững chân hơn, bớt đu dây và trở thành “bạn tốt” của Nga. Tại Kazakhstan cũng vậy: Nga kiểm soát được Kazakhstan thông qua “chuyển hướng” tư duy của TT Tokaiev. Tokaiev cảm ơn “đích thân Tổng thống Putin” đã giúp đỡ Kazakhstan và một cách cố ý bỏ qua các quan chức quân đội và an ninh vốn thân tín với Nazarbayev.

Trên thực tế Tokaiev cảm thấy rất không hài lòng với Nazarbayev, vốn định nắm giữ trọn đời chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Kazakhstan và một loạt các vị trí quan trọng khác với hệ thống đàn em thân tín nắm các vị trí quyền lực quan trọng biến Tokaiev thành như con rối. Ông ta nhân cơ hội này hành động: Tokaiev cách chức Nazarbayev và tự mình nắm chức vụ chủ tịch Hội đồng An ninh đồng thời cách chức, kể cả bắt, một loạt các tay chân họ hàng thân tín của Nazarbayev.

Có vẻ TT Putin đã thu xếp xong mối quan hệ Nazarbayev và Tokaiev: Putin vẫn dành những lời có cánh đẹp nhất cho Nazarbayev, còn cho đến nay Tokaiev vẫn cố ý không nói gì về ông này. Nazarbayev về phần mình, sau mấy ngày im lặng bao phủ đầy tin đồn, đã chính thức kêu gọi mọi người tập hợp xung quanh Tổng thống Kazakhstan  Tokaiev để vượt qua những thách thức hiện tại và đảm bảo sự toàn vẹn của đất nước. 

Đồng thời và không phải tình cờ Tokaiev mới hôm kia yêu cầu “lập lại trật tự” tại biên giới Trung-Kazakhstan bởi “tình trạng buôn lậu, trốn thuế” tràn lan. Điều này làm dòng hàng hoá lưu thông qua biên giới đang bị ách lại đáng kể.

Sự lựa chọn đã xong.

Con bài đã được đặt. 

Rõ ràng Nga đã quyết định không đợi ngọn lửa bùng lên mới dập mà hành động ngăn chặn, cách làm đã được áp dụng cách đây một năm rưỡi ở Belarus. 

c. “Nắm” được Kazakhstan Nga sẽ kiểm soát được Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, nhất là Kyrgystan. Các quốc gia Trung Á này đang ngóng về diễn biến ở Kazakhstan để đặt cửa. 

d. Nắm được Kazakhstan Nga nắm luôn nguồn cung cấp khí đốt quan trọng cho Trung Quốc. Không phải tình cờ ngoại trưởng các nước Ả Rập Xê-út, Kuwait, Oman và Bahrain thăm Trung Quốc từ ngày 10-14/01 theo lời mời của Trung Quốc: Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc lo ngại về an ninh nguồn cung cấp năng lượng của mình sau tình hình bất ổn ở Kazakhstan, một trong những nhà cung cấp năng lượng chính của trung Quốc, nên gấp rút tìm nguồn thay thế.

e. Khi ấy kế hoạch Đại Turan của Thổ Nhĩ Kỳ (Great Turan) bị kiểm soát và vỡ trận ngay tại tâm điểm là Kazakhstan, nơi Thổ đang tăng cường đầu tư để tăng mức độ hiện diện và ảnh hưởng bên cạnh Trung Quốc. Người Thổ rất tức giận nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt trước hành động của Nga.

f. Đầu tư và sự hiện diện của phương Tây trong lĩnh vực dầu mỏ của Kazakhstan đang bị thách thức hoặc ít nhất trở thành một con bài để thương lượng của Nga. Mỹ cùng một số quốc gia châu Âu lớn như Anh, Pháp (cần nguyên liệu thô), cũng như Nhật Bản (uranium) đang ép các đối thủ cạnh tranh ra khỏi Kazakhstan. Nhưng Nga cũng có lợi ích lớn về nguyên liệu thô ở Kazakhstan (Lukoil là dầu mỏ và Rosatom là uranium).

h. Các đối thủ cạnh tranh của Nga từ Kazakhstan trên thị trường ngũ cốc, dầu mỏ, uranium – trong tầm kiểm soát của Nga.

h. Thành công nữa của Nga là lôi kéo Belarus tham gia vào các hoạt động quân sự của CSTO ở nước ngoài làm Belarus bị buộc chặt vài Nga hơn.

i. Các hoạt động quân sự chung của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà thực chất là Nga đã được hợp pháp hóa.

Cần phải nói việc CSTO gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan là hoàn toàn hợp pháp: yêu cầu đến từ chính phủ có tính hợp pháp không bị nghi ngờ. Những người biểu tình yêu cầu sự ra đi của không phải tổng thống đương nhiệm mà là cựu tổng thống. Việc CSTO vào dẹp được bạo loạn và rút ngay trong vòng 1 tuần cho thấy Nga rút kinh nghiệm Afganistan hành động nhanh rút nhanh để giữ bộ mặt cho Chính quyền hiện nay của Kazakhstan không bị quy là bán nước bởi “đêm dài lắm mộng”, tránh xung đột lâu dài với Trung và Thổ và hơn cả là tránh việc ở lại sẽ gây phức tạp của leo thang. Điều quan trọng nhất là Tokaiev đã “xong”.

3. Trung Quốc và Thổ ngậm bồ hòn làm ngọt khi bị “cắn” và phát biểu chung chung. Trung Quốc thấy CSTO hành động còn đề nghị Kazakhstan mời Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization SCО) – một tổ chức an ninh chung liên chính phủ bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgystan, Tadjikistan và Uzbekistan – đưa quân vào giúp đỡ. Nhưng đã muộn.

Đó chính là lý do thấy Trung và Thổ bị “cắn” Mỹ và EU không những chỉ phản đối yếu ớt hay chỉ “quan ngại” mà còn có vẻ mừng thầm.

VI. Hệ luỵ gì cho ta?

1. Tiền đồn với NATO là Ucraina và Belarus. Belarus đã xong. Ucraina sẽ là điểm tiếp theo Nga nhắm đến. Họ sẽ tìm hay tạo cớ khi chính sách “America First!” của ông Trump làm đồng minh châu Âu chia rẽ không biết có nên đặt trọn niềm tin lâu dài vào Mỹ? Nhìn vào cách hành động của Nga có lẽ Ucraina vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

2. Có vẻ như bản đồ các “khu vực ảnh hưởng” thế giới sẽ bị chia lại theo trật tự mới: ai mạnh hơn sẽ có miếng to. Các bước kiểu dí tốt, thí xe sẽ được đi… các quốc gia sẽ được mang ra đổi chác. Mong Biển Đông và Việt Nam tránh được trò này.

3. Nếu muốn làm chủ số phận thì phải làm người chơi cờ, không thì sẽ thành quân cờ. Muốn làm người chơi cờ phải đủ giàu, đủ mạnh và có tâm thế tư duy của kẻ chơi cờ.

Hãy cùng nhau theo dõi điều gì sẽ diễn ra ở hồi sau./.

PS. Toàn bộ nội dung là quan điểm rất cá nhân viết theo đề nghị của một người bạn. Các bạn đọc cho vui.

Theo: Lý Xuân Hải

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *