Vì sao miền Nam nước Ý lại nghèo hơn miền Bắc nước Ý?

TRẢ LỜI: Alberto Favaretto, tốt nghiệp ngành Luật tại Ý, đã từng là luật sư tài chính tại Milan.
______

Đây là một vấn đề rất phức tạp đã làm đau đầu những nhà sử học, chính trị gia và các nhà kinh tế trong suốt hàng thập kỷ đến nay.

Như mọi người đã rõ, Sicily đã từng là một trong những vùng thịnh vượng nhất của Ý cho đến thời điểm 200 năm trước. Công bằng mà nói, Naples [Napoli] đã từng được xem là kinh đô của thế giới mãi cho đến thế kỷ 19, cùng với Rome và Paris.

Có một chuỗi các lý do tại sao miền Nam nước Ý lại đánh mất lợi thế của mình khi so sánh với phần phía Bắc của đất nước và giờ đây nó trở thành một trong những vùng kém phát triển nhất ở Châu Âu, dù cho có bao nhiêu tỷ EUR từ Chính phủ Trung ương và Liên minh Châu Âu bơm vào hằng năm với nỗ lực hồi sinh nên kinh tế miền Nam nước Ý.

Cụ thể là:

► 1. THỜI THẾ ĐỔI THAY VÀ NGƯỜI MIỀN NAM ĐÃ KHÔNG THỂ THÍCH NGHI VỚI THỜI CUỘC: miền Nam nước Ý đã là một nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp trong hàng thế kỷ. Trong hơn 150 năm qua nông nghiệp đã đánh mất vị thế thống trị của nó đối với nền kinh tế: đầu tiên là Công nghiệp Cơ khí (cuộc Cánh mạng Công nghiệp được khởi xướng bởi người Anh), về sau là Công nghiệp Dịch vụ. Miền Nam Ý bỏ lỡ cả hai cuộc cách mạng kinh tế này.

Những cơ hội mất mát lớn lao này đã tạo ra ba hệ quả chính mà bạn vẫn còn có thể nhìn thấy ngày nay:

• Thiếu tính linh động trong cơ cấu xã hội một cách có hệ thống: bọn trẻ lớn lên cuối cùng cũng làm những công việc tương tự của bố mẹ chúng. Đây (không may) là một đặc điểm chung của tất cả người Ý (Bắc và Nam như nhau), nhưng theo thống kê mọi việc thậm chí còn tồi tệ hơn ở miền Nam (và họ thích để nó như thế). Những người thuộc tầng lớp thượng lưu/cầm quyền của miền Nam đã cố ý làm mọi thứ (hợp pháp lẫn phi pháp) để ngăn chặn những người thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn hiện đại hóa đất nước. Về lâu dài, điều đó đã phá hủy tầng lớp trung lưu của miền Nam, để lại sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa giai tầng thượng lưu/cầm quyền địa chủ bất động sản siêu giàu với dân số khổng lồ thuộc những tầng lớp thấp hơn của xã hội.

• Vắng bóng những người chấp nhận mạo hiểm: Có một tỷ lệ rất thấp những người có “máu kinh doanh” chịu chấp nhận rủi ro trong số dân số người miền Nam (đặc biệt là tầng lớp trung lưu): hầu hết những người “ưu tú và sáng giá nhất” (và rất nhiều người như thế, rất thông minh và hoàn toàn có năng lực) chôn chân mình trong bộ máy quan liêu công quyền không giống như những gì xảy ra ở Nhật Bản. Khác với Nhật Bản, nó được thực hiện như một cách sắp đặt sẵn. Điều này (và duy nhất điều này) được coi là – “công việc khôn ngoan” – một “thành công” ở miền Nam, với kết quả là hàng ngàn và hàng ngàn người Ý thông minh, trẻ khỏe và rất có năng lực tuyệt vời hàng năm đều ứng tuyển cho bất kỳ vị trí tuyển dụng nào trong bộ máy chính quyền (bao gồm cả thẩm phán, công việc hành chính nhà nước, công chứng viên, thư ký pháp luật, vv). Những công ăn việc làm đơn thuần chỉ là nền tảng như một loại “phúc lợi” bám rễ ổn định và là thành quả đền đáp cho sự thông minh, giỏi giang và chăm chỉ, chứ không phải là hệ quả tự nhiên đến từ một nền kinh tế địa phương lành mạnh. Không có nơi nào dạy cho các thế hệ trẻ rằng tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp là một lựa chọn đúng đắn cho sự thông minh và tài năng;
[có thể so sánh với định kiến nghề nghiệp như ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh khao khát con mình phải đậu trường Y, phải làm bác sĩ, phải làm công an,… thì mới có tương lai, danh vọng, nhiều tiền… những học sinh ưu tú của xã hội theo dòng tư tưởng đó đều có ước muốn và định hướng vào những ngành này, hoặc đơn giản trong xã hội xưa, sĩ – nông – công – thương thì chữ thương luôn đứng cuối và bị xem thường – trans]

• Không có nền kinh tế dịch vụ chuyên môn hóa cao: như đã đề cập phía trên, nền kinh tế dịch vụ miền Nam được định nghĩa thành những việc làm trong bộ máy công quyền do Chính phủ trung ương Ý điều phối nhằm mục đích duy nhất là tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế miền Nam. Kết quả là, một loạt các tập đoàn nhà nước khổng lồ với lợi ích thiết thực đối với xã hội chỉ là con số 0 và vô tình tạo ra tâm lý chung gắn kết với mọi người rằng công việc an toàn nhất/tốt nhất mà mọi người có thể tìm thấy là những người làm việc trong Nhà nước (tức là bạn không thể bị sa thải và một khi bạn nhận được công việc, bạn sẽ bám trụ nó suốt đời, bạn dễ nhận được một khoản vay thế chấp, bạn có thể bị bệnh trong nhiều năm và không bao giờ bị sa thải, vv). Chính quyền trung ương ban đầu đã xúc tiến động thái này bằng cách thuê hơn 180 nghìn người đến từ miền Nam vào trong bộ máy quan liêu nội vụ của mình chỉ trong vài năm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong lịch sử, một làn sóng khổng lồ người miền Nam nước Ý có mặt trong tất cả hệ thống bộ máy nhà nước ở tất cả các cấp, và trong khoảng thời gian quan trọng cho việc tái thiết đất nước, vấn đề đó đã phá hủy sự cân bằng và nhu cầu cấp thiết cho người miền Nam (hoặc ít nhất là dành cho những người linh động, có học thức trong tầng lớp trung lưu) trong việc tiếp cận thị trường tự do thực sự và tạo ra các công việc thiết thực chứ không phải là bị “sắp đặt” cho các mục đích chính trị. Đến nay, người ta ước tính rằng ở miền Nam nước Ý, 1/3 dân số đang thất nghiệp, 1/3 người làm việc ở các công ty tư nhân và 1/3 tại các nhà nước hoặc các công ty quốc doanh. Điều này có nghĩa là một nửa dân số lao động làm việc cho Nhà nước (với mức lương cao hơn mức lương trung bình và đảm bảo tính ổn định lâu dài trong tương lai, đi kèm với đó là mức năng suất thấp thấp một cách lố bịch). Những điều này đang dần được cải thiện từng chút một, nhưng trong lúc này, thế hệ hiện tại và cha mẹ chúng ta đã lạc lối mãi mãi.

► 2. CHẢY MÁU CHẤT XÁM: trong hàng thế hệ, sự đói nghèo cùng cực lẫn sự thiếu linh động trong cơ cấu xã hội một cách có hệ thống đã ép hàng triệu người miền Nam tài giỏi, thức thời, chấp nhận mạo hiểm rời khỏi đất nước, để tìm đến Tân Thế giới (Mỹ). Điều này đã chặn đứng sự thay đổi thời cuộc tại quê nhà, bởi vì những tầng lớp thượng lưu, tại vị, những con người với “đầu óc già cỗi” [bảo thủ – trans] đã phủ trùm lên bộ máy chính quyền, hành chính, tư pháp và quan trọng nhất là bộ máy tài chính suốt các thế hệ và không có sự thay đổi tư duy nào của những người làm việc trong hệ thống đó (những người theo truyền thống đã im lặng (nhưng có chủ đích) trục lợi từ hiện trạng ấy qua nhiều thế hệ). Trong những năm gần đây, việc di cư ra nước ngoài đã giảm xuống nhờ trợ cấp đáng kể từ phía chính phủ trung ương, trong khi nó gia tăng sự di cư nội bộ từ khu vực miền Nam lên vùng phía Bắc của đất nước (chỉ tính riêng năm 2015, 138 ngàn người Ý dưới 30 tuổi đi đến miền Bắc của Quốc gia với nỗ lực tìm việc và cơ hội tốt hơn).
[trong những cuộc đại di dân của Ý ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, hầu hết đều là những người dân miền Nam, tiêu biểu là dân Napoli và Sicily, họ là những người thức thời, bị ép phải rời khỏi quê hương để tìm bến bờ, một thế giới cơ hội mới tốt hơn, họ chính là những người đem văn hóa Ý ra toàn thế giới, không hẳn là văn hóa nghệ thuật dạng đỉnh cao của Ý kiểu thơ văn, kiến trúc, hội họa như Dante hay Michelangelo đâu, mà mang dáng dấp bình dân hơn từ vùng địa phương mà họ sống, là những món ăn dân dã, pizza Napoli (Napoli là nơi khai sinh ra món pizza và đồng thời là kinh đô pizza của thế giới, pizza ngon nhất thế giới là tại Napoli – Neapolitan pizza), cà phê, món tráng miệng, làn điệu opera, canzone Napoli, nhạc jazz đóng góp vai trò quan trọng tạo nên nền âm nhạc đương đại của Mỹ và Tây Âu, và nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo khác – và tất nhiên, đi kèm theo dòng di cư ra hải ngoại này, là tội phạm băng đảng có tổ chức tức mafia – trans]

► 3. TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC: trong 150 năm qua một phần nhỏ trong dân số mièn Nam đã phát triển nên một mạng lưới vững mạnh, bạo lực và thu nguồn lợi nhuận cao với chân cắm rễ trong hệ thống xã hội và chính quyền tại hầu hết mọi thành phố trong mỗi vùng. Tổ chức này hút cạn nguồn lực cả từ nền kinh tế (đã bị tụt hậu) và từ nguồn vốn đầu tư của Chính phủ Trung ương vào cơ sở hạ tầng và hệ thống chăm sóc sức khỏe (và cả hai đều là hệ thống thối nát mục rữa nhất ở Châu Âu). Các tổ chức tội phạm này đã có thể một tay che trời các chương trình nghị sự chính trị trong nhiều thập kỷ, và không giống như những gì đã xảy ra ở một số nước Nam Mỹ, mafia Nam Ý sẵn sàng chơi bẩn và thậm chí nếu cần thiết, thủ tiêu các thẩm phán, cảnh sát và chính trị gia để thoát khỏi công lý và làm bế tắc nỗ lực của chính quyền trung ương ngăn chặn tội ác và cải tổ các “địa bàn xám” nơi mà tội phạm sinh sôi phát triển mạnh (ví dụ như vấn đề hợp pháp hóa cần sa).

► 4. TỶ LỆ BỎ HỌC CAO: trong hàng thập kỷ, miền Nam Ý đã chứng kiến tỷ lệ tăng cao việc những đứa trẻ bỏ học trong những năm đầu của nền giáo dục.

► 5. ĐẦU TƯ KHÔNG HIỆU QUẢ TỪ CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNG: các chính trị gia đã không thể giúp kinh tế miền Nam theo cải cách khác tốt hơn là:
• cơ sở hạ tầng khủng và vô dụng: như những cây cầu khổng lồ, đập nước, đường cao tốc, cống ngầm, vv trong hầu hết các trường hợp sẽ không bao giờ được hoàn thành (hoặc thậm chí vượt quá hạn giai đoạn xây dựng ban đầu). Cây cầu nối Sicily với Calabria đã tiêu tốn hàng trăm triệu EUR và chưa bao giờ vượt qua giai đoạn “nghiên cứu sơ bộ” [vòng gửi xe – trans].
• trợ cấp của các nhà máy lớn từ các công ty tư nhân (hầu hết trong số họ sẽ chuyển đi nơi khác khi trợ cấp đã kết thúc: ví dụ: FIAT Auto);
• Định kỳ tuyển dụng một lượng người khổng lồ vào Bộ máy Hành chính trong bất kỳ lúc nào bất cứ kỳ bầu cử nào (ví dụ: Thành phố Napoli hiện đã tích lũy khoảng 20 nghìn công nhân viên chức nhà nước, Rome 23 nghìn). Những công nhân viên chức nhà nước này đoàn kết rất chặt chẽ và có thể dọa nạt bất kỳ chính quyền (địa phương hoặc trung ương) nào dám cập nhật các nguyên tắc làm việc quản lý hành chính của họ, thực tế ngăn chặn từ trong trứng nước bất cứ cải cách nào đối với hệ thống đã lỗi thời từ 40-50 năm trước vẫn còn tồn tại (đã được trao cho những đặc quyền tuyệt vời trong quá khứ và đạt được trạng thái rằng những luật và quy định liên quan đến các tổ chức, lĩnh vực tư nhân sẽ không thể áp dụng cho bọn họ). Tại Roma, diễn ra một cuộc đình công kéo dài ba ngày bởi tất cả những công nhân viên chức chính quyền thành phố khi Thị trưởng Roma từng đề nghị loại bỏ “tiền thưởng năng suất lao động” giả (được thừa nhận) của họ – một khoản trợ cấp lương đáng kể cho tất cả nhân viên công quyền mà không cần bất kỳ sự kiểm tra thẩm định về năng suất nào . Vài tháng sau, Thị trưởng buộc phải từ chức mà không có bất cứ cải cách nào được thông qua. Nhiều nhân viên công quyền này thậm chí còn không cần phải xuất hiện tại nơi làm việc, công việc hành chính nhà nước tại thành phố không được coi ra gì, ngoài việc nhận trợ cấp phúc lợi cho gia đình người lao động, và họ không cần thực hiện bất kỳ lao động thực tế nào [không cần đi làm nhưng vẫn nhận phúc lợi trợ cấp mỗi tháng – trans]
• Các chính trị gia xoay sở phá hủy nền kinh tế thêm tồi tệ hơn bằng cách thường xuyên trao các cơ hội hợp đồng mua bán công cho các công ty cấu kết với tội phạm có tổ chức.

► 6. THAM NHŨNG MỨC CAO TRONG QUAN CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN VIÊN NHÀ NƯỚC: Điều này thật không may và, cho đến gần đây, chỉ bị trừng phạt một cách “dịu dàng” cố tình bởi luật pháp. Hiện trạng này lan rộng trên tất cả các lĩnh vực và các cấp của bộ máy hành chính, các đảng phái chính trị, các thực thể nhà nước, và nó góp phần lớn vào việc rút cạn các nguồn lực từ nền kinh tế hợp pháp. Cựu Thống đốc vùng Sicily (chức danh cao nhất tại một trong những khu vực đông dân nhất của Ý) vừa hoàn thành một án tù 7 năm vì tội danh phụ tá Mafia. Ông Marcello Dell’Utri, cánh tay phải đắt lực suốt một thời gian dài của ông Berlusconi [cựu thủ tướng Ý – trans], hiện đang bị giam tại Rome vì tội án tương tự.

► 7. NỀN KINH TẾ “CHỢ ĐEN” KHỔNG LỒ:: càng làm trầm trọng thêm vấn đề, hàng trăm nghìn người tham gia vào hệ thống kinh tế hoàn toàn không được đăng ký. Những người này thường được trả lương rất thấp, không có an sinh xã hội, không đóng thuế, v.v.

► 8. LUẬT PHÁP KHÔNG HIỆU QUẢ: tại miền Nam nước Ý chính quyền theo truyền thống quản lý yếu kém đối với lãnh địa của mình. Trong suốt hàng thập kỷ, điều này tạo ra tất cả những hành vi ứng xử mà con người sẵn sàng vi phạm pháp luật mà không bị trừng phạt, ví dụ:
• hàng chục ngàn ngôi nhà được xây dựng trên những khu vực được bảo tồn môi trường và/hoặc khảo cổ – cụ thể là tại Campania [vùng có Napoli là thủ phủ – trans], Sicily và Calabria [phần “mũi” của chiếc “ủng” bán đảo Ý – trans] nơi mà chính quyền địa phương bất lực trong việc tháo dỡ chúng suốt 40 năm;
• một trong những nơi tuân thủ thuế thấp nhất Châu Âu (Vùng Sicily gần đây đã thừa nhận rằng dưới 12% số tiền thuế của họ cuối cùng được trả bởi cư dân: khiến nó trở thành thiên đường thuế vượt lên trên các nguyên tắc của EU).
• thời gian dài nhất trong vấn đề tố tụng dân sự thu hồi nợ;
• hàng triệu thủ tục tố tụng dân sự và hình sự cho các ca nhỏ/hành chính làm tắc nghẽn các Tòa án địa phương.
______
Link gốc: https://www.quora.com/Why-is-southern-Italy-poorer-than-nor…

Đây là bài dịch đầu tiên của mình trên Quora, khá nghiệp dư, mình không đảm bảo nội dung mình dịch đúng theo nguyên tác, mình ủng hộ các bạn đọc bản tiếng Anh gốc trên Quora, và bản dịch này chỉ mang tính tham khảo, hy vọng giúp các bạn hiểu thêm phần nào về nước Ý. Thông tin thêm: giới trẻ Ý cũng đã quá ngán ngẫm với đất nước, và họ bầu cử bằng chân (một lượng khổng lồ bỏ đi ra khỏi nước ngoài để tìm tương lai tươi sáng hơn) trong cuộc Bầu cử Ý tháng 3 2018 vừa rồi https://www.thelocal.it/…/voting-with-their-feet-young-ital…

Trans-Edit: Ý nghe có vẻ như tệ nhất Châu Âu, nhưng không có nghĩa là mọi người có thể đánh đồng với Việt Nam về mặt tương đối tương quan, Ý chỉ là học sinh cá biệt trong một lời chuyên lớp giỏi. Chứ nếu so về tuyệt đối, mình chắc chắn nước Ý vẫn hơn VN nhiều ít nhất là cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nó tệ là theo quan điểm của người Ý, của người Âu, nhìn nhận, cảm quan rằng họ xứng đáng phải được hơn thế, hơn cái chuẩn mà họ đang có hiện tại. Ý dù sao cũng là 1 nước G7, nhóm 7 nước có nền kinh tế tiên tiến, phát triển nhất thế giới, lại là một nước nó nền kinh tế lớn GDP đứng thứ 8 (hiện đã tụt xuống 9) do chính trị xã hội bất ổn đã kéo lùi lực phát triển của quốc gia. Gửi đến những ai yêu nước Ý, các bạn yêu cả những cái tốt và chấp nhận những cái xấu của nó, vì những cái xấu đó rất thú vị, cực kỳ “interesting”, tạo nên khung cảnh của 1 nước Ý đúng chất Ý, đúng chất của câu nói “La Dolce Vita!” mà mỗi người có thể tự cảm nhận và tận hưởng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *