Iran – nạn nhân không ai khóc!

Iran – nạn nhân không ai khóc!

Trong hơn 70 năm qua, thế giới đã rất nhiều lần khóc thương cho người Nhật – những người bị ném bom nguyên tử vào năm 1945 làm 200.000 người chết. Hằng năm thế giới đều tưởng niệm nạn nhân Nhật Bản, cùng với đó là lên án những kẻ sử dụng vũ khí hủy diệt tấn công dân thường. Tuy vậy, ở một góc khác của địa cầu, một quốc gia khác cũng hứng chịu vũ khí hủy diệt hàng loạt với thương vong ít nhất 1/4, cùng hàng trăm nghìn người khác đang hàng ngày hứng chịu những di chứng kéo dài. Nhưng khác với Nhật Bản, có vẻ như không ai quan tâm đến họ, không một lời khóc thương, thậm chí qua nhiều năm hung thủ trong các vụ tấn công đó giờ còn được thông cảm như nạn nhân. Quốc gia đang nhắc tới ở đây là Iran và các nạn nhân vũ khí hóa học của họ.
Trong chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980 đến 1988, quân đội Iraq của Saddam Hussein đã sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ yếu là vũ khí hóa học để tấn công quân đội và dân thường Iran. Đây là lần lớn nhất sau Thế chiến 2 vũ khí hủy diệt được sử dụng trong chiến tranh. Hậu quả của các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học này là ít nhất 50.000 người Iran đã chết kể từ khi họ bắt đầu thống kê nạn nhân từ năm 1983, trong khi nhiều nguồn khác cho thấy con số đã lên tới 100.000 người. Số người chết vì di chứng của các loại vũ khí hóa học này chắc chắn còn tăng rất nhiều những năm sau đó. Hàng trăm nghìn người Iran cũng phải gánh chịu những di chứng về sức khỏe do ảnh hưởng của vũ khí hóa học. Cho đến năm 2002, ước tính vẫn còn 80.000 nạn nhân Iran phải điều trị thường xuyên ở các cơ sở y tế. Chi phí điều trị, dĩ nhiên không được bất cứ nước nào hỗ trợ do lệnh cấm vận với Iran.
Điều đáng nói là dù thương vong bởi vũ khí hủy diệt như vậy, rất ít khi (nếu không muốn nói là gần như không bao giờ) người ta nhắc đến những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này dù cho hàng năm luôn nhắc về vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945. Như kết quả của sự định hướng truyền thông đó, thế giới gần như không biết về những gì người Iran phải gánh chịu. Và tai hại hơn, sau cuộc chiến Iraq năm 2003, đã xuất hiện xu hướng tẩy trắng tội cho Iraq và Saddam Hussein, phủ nhận kho vũ khí hóa học của nước này dù thực tế nó vừa mới được sử dụng cách đó chỉ khoảng 1 thập kỷ.
Phân tích về sự định hướng truyền thông này, người ta cho rằng có các nguyên nhân lớn như sau:
-Phương Tây chối bỏ trách nhiệm: thực tế tuyệt đại đa số vũ khí hóa học của Iraq sử dụng được mua từ các nước châu Âu. Lớn nhất trong số này là Đức (cả Đông và Tây Đức) với 85 công ty được chỉ tên, tiếp theo là Pháp, Hà Lan, Ý, Anh,… mỗi nước khoảng hơn 10 công ty. Mỹ cũng là nhà cung cấp vũ khí hóa học cho chính quyền Iraq nhưng phần lớn dưới dạng tiền chất, còn lại bom và tên lửa sử dụng trong các cuộc tấn công là của Liên Xô. Phần lớn các công ty và các chính phủ châu Âu sau này đã chối bỏ trách nhiệm của mình với những vụ tấn công hóa học nhằm vào Iran, dù thừa nhận việc đã bán vũ khí hóa học cho Iraq. Để định hướng truyền thông khỏi trách nhiệm của mình, các chính phủ phương Tây rất ít khi đề cập đến các vụ tấn công hóa học trong chiến tranh Iran – Iraq.
-Xu hướng cấm vận và thù địch Iran: đây có lẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới việc định hướng truyền thông. Nếu Iran không bị cấm vận vào bao vây bởi ngặt nghèo như ngày nay, có thể thế giới sẽ cởi mở hơn với vấn đề nạn nhân vũ khí hóa học của họ. Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, Iran gần như trở thành kẻ thù của cả thế giới. Từ các nước Arab, các nước phương Tây đến khối Cộng sản đều coi các mạng Hồi giáo là mối nguy với họ. Vì vậy từ đó đến nay, phần lớn các nước có xu hướng biến Iran thành ''mối nguy trong tưởng tượng'' để từ đó phục vụ tính toán chính trị của mình, như Mỹ cần Iran làm mối đe dọa để duy trì hiện điện ở Trung Đông.
Trong bối cảnh như thế, việc tối kỵ là để kẻ thù của mình thành nạn nhân được thông cảm. Và như vậy, thế giới đã lờ đi những thiệt hại to lớn mà Iran hứng chịu, cốt để không cho xuất hiện những xu hướng thông cảm (hay nói thô là ''khóc thuê'') diễn ra với Iran như với Nhật Bản hiện nay, điều có thể ảnh hưởng đến nỗ lực cấm vận Iran hiện tại. Ngay trong đợt dịch Covid này đây, Iran đang nỗ lực kêu gọi gỡ cấm vận để mua thiết bị y tế giúp nạn nhân vũ khí hóa học, nhưng không được đáp ứng.
-Xu hướng bênh vực Saddam Hussein: đây chính là xu hướng xuất hiện ở các nước Arab và một nơi không cần nói ra. Sau khi bị quân đội Mỹ lật đổ, lãnh đạo Iraq Saddam Hussein được nhiều người tôn lên làm hình tượng anh hùng chống Mỹ, tận dụng hình ảnh của ông để chỉ trích phương Tây. Để làm điều đó, dĩ nhiên những chuyện tiêu cực bên lề như sát hại hàng vạn người Iran bằng vũ khí hóa học, phải được lờ đi. Và điều này may thay, được tiếp tay bởi chính người Mỹ. Vụ việc ''lọ muối'' đình đám của ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trước Liên Hợp Quốc năm 2003 trở thành cái cớ không thể tuyệt vời hơn để người ta bám vào nhằm phủ nhận mọi cáo buộc về vũ khí hóa học của Iraq. Bám vào vụ dùng chứng cứ giả của Mỹ, người ta càng có cớ để dìm sâu những vụ tấn công hóa học của Iraq vào Iran những năm 80s.
Sau khi ngồi nhìn lại, người ta chợt nhận ra bên nào cũng có thắng lợi nhờ vụ ''bằng chứng giả'' của Mỹ. Nhờ bằng chứng giả của Powell, Mỹ đã lật đổ được Saddam Hussein, và dù sau đó chịu ''ê mặt'' một chút vì dùng bằng chứng giả, thì sau đó cũng ít ai nhắc đến việc Mỹ chống lưng cho Iraq dùng vũ khí hóa học những năm 80s. Còn với các nước chống Mỹ, một cái cớ không thể tốt hơn để chỉ trích ''chú Sam''.
Vì vậy, sau cùng người thất bại duy nhất chỉ có người dân Iran, những người đang ngày đêm hứng chịu di chứng vũ khí hóa học, nay bị lãng quên trong vòng cấm vận ngặt nghèo. Thực tế là ngay sau khi những lời tẩy tội cho Iraq xuất hiện sau năm 2003, Iran cũng đã có những hành động tuyệt vọng để chống lại xu hướng đó. Như đầu năm 2004, nhân một vụ lùm xùm ngoại giao với Đức, Iran đã xây một tấm bia trước Sứ quán Đức ở Teheran, nhắc nhở về việc chính quyền Đức ngày xưa bán vũ khí hóa học cho Iraq. Các cuộc biểu tình sau đó cũng nổ ra thường xuyên ở Iran, thu hút sự chú ý của quốc tế đến các nạn nhân của vũ khí hóa học. Tuy nhiên như đã nói, truyền thông thế giới bị định hướng và những nỗ lực này của Iran không thể làm thay đổi tình hình. Mới đây Iran cũng có đòi Mỹ bồi thường 245 triệu USD cho nạn nhân vũ khí hóa học Iran, dĩ nhiên là Mỹ cười khẩy.
Đó là những nguyên nhân khiến cho dù chịu thương vong lớn nhất thế giới vì vũ khí hóa học trong lịch sử hiện đại, các nạn nhân Iran không hề được nhắc tới và thương cảm bởi truyền thông thế giới, dù là báo chí ''thiên tả'' hay ''diều hâu'' như cách gọi phổ biến ngày nay. Trong khi thế giới hàng năm thắp nến tưởng niệm Nhật Bản, người Iran hàng ngày chết dần trong những cơn ho, sự thiếu thốn thuốc men do vòng vây cấm vận và sự bỏ rơi của quốc tế.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *