Thứ tư, ngày 16/04/2025 19:00 GMT+7
Nếu hợp nhất Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận, đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn
Văn Long Thứ tư, ngày 16/04/2025 19:00 GMT+7
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, các địa điểm tham quan, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn nếu hợp nhất Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận.
“Mũi nhọn” du lịch khi hợp nhất Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận
Ba tỉnh Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận là ba địa phương đều có điểm chung ngành du lịch khá phát triển. Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả ba địa phương, nếu hợp nhất Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận thì du lịch sẽ trở thành bước đột phá để phát triển.
Trong đó, Lâm Đồng và Bình Thuận là hai tỉnh đã đón khoảng 10 triệu lượt du khách trong năm 2024, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương. Ngành du lịch của hai tỉnh cũng đã tạo được vị thế, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại tỉnh Lâm Đồng, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (Sở VHTTDL), trong năm 2024, hoạt động du lịch tiếp tục là điểm nhấn trong bức tranh phát triển của tỉnh với những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, thường xuyên được đổi mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh.
Trong năm, Sở VHTTDL tỉnh đã tham mưu tổ chức thành công Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Lâm Đồng, Điểm hẹn của Hoa và Âm nhạc”; Lễ hội âm nhạc Đà Lạt 2024 – Da Lat Music Festival 2024. Đặc biệt, phối hợp tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 với chủ đề “Hoa Đà Lạt – Bản giao hưởng sắc màu” với 10 chương trình chính, 45 chương trình hưởng ứng và nhiều chương trình chào mừng khác…

Tất cả những hoạt động trên đã giúp thu hút hơn 10 triệu lượt khách đến Lâm Đồng. Trong đó, khách quốc tế đạt 600 ngàn lượt, khách qua lưu trú đạt 7,6 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt 18.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Tuấn Anh – Giám Đốc Cụm Khu du lịch Thung lũng Tình yêu – Tà Cú cho biết, là doanh nghiệp có thế mạnh tại Lâm Đồng, đặc biệt trong ngành du lịch, đơn vị này xem việc hợp nhất 3 tỉnh Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận là cơ hội để mở rộng tầm nhìn chiến lược, liên kết vùng và nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách.

“Đây là sự kết nối giữa hai điểm đến tiêu biểu của Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, với mục tiêu xây dựng một cụm vui chơi – giải trí – du lịch đa dạng, đẳng cấp và khác biệt, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực sau hợp nhất. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội phát triển các điểm vệ tinh tại Đắk Nông, nhằm hình thành chuỗi dịch vụ du lịch đồng bộ và phát triển.
Theo chúng tôi, trong thời gian tới, du khách có xu hướng trải nghiệm theo cụm và lưu trú dài ngày hơn, qua đó gia tăng hiệu quả kinh doanh dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, giải trí, mua sắm… Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, sau khi hợp nhất 3 tỉnh (Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận), du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, với lợi thế độc đáo: Lâm Đồng với khí hậu ôn hòa, rừng thông, nông trại; Bình Thuận với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng nguồn hải sản dồi dào quanh năm và Đắk Nông với vẻ đẹp hoang sơ, hệ thống thác nước, hồ Tà Đùng kì vĩ”, ông Đinh Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, tại Bình Thuận, năm 2024, tỉnh này cũng đã đón xấp xỉ 10 triệu lượt du khách, tăng 15,64% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 393 ngàn lượt khách, tăng 43,41% so với năm trước. Khách quốc tế chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan…
Để có được thành quả trên, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã tăng cường xúc tiến du lịch ở các tỉnh, thành trong nước và quốc tế như: Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI; Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Giới thiệu sản phẩm du lịch Bình Thuận tại Năm du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh và các chương trình xúc tiến du lịch của Bình Thuận ở Hàn Quốc…
Chuyển đổi số trong du lịch
Tại tỉnh Đắk Nông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2024 ước đạt gần 700.000 lượt, tăng 2,9% so với năm 2023, đạt 85,9% kế hoạch năm đề ra.
Trong năm 2024, ngành du lịch tỉnh Đắk Nông thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương, các giá trị văn hóa, lịch sử, điểm đến du lịch tỉnh Đắk Nông trên trang Fanpage Du lịch Đắk Nông. Qua đó, cung cấp các thông tin cho nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách khi đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, triển khai đề tài “Bản đồ du lịch điện tử tỉnh Đắk Nông”, thông qua đó hình thành sơ bộ hệ thống bản đồ các điểm đến du lịch của tỉnh, các dịch vụ kèm theo… giúp du khách có đầy đủ thông tin cũng như dễ dàng tiếp cận với các điểm đến của tỉnh, góp phần thu hút khách du lịch đến tỉnh.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo đối với Đề án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023-2025.

“Mặc dù tỉnh có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến khảo sát, đề xuất đầu tư những dự án, tiềm năng du lịch đặc sắc như: Tà Đùng, Liêng Nung, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông… Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có nhiều dự án lớn được triển khai, khả năng cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ còn yếu, mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách, quy mô các dịch vụ vừa và nhỏ nên chưa kéo dài thời gian, chưa tạo nguồn thu lớn từ du lịch cho địa phương.
Nguyên nhân là do một số dự án lớn vướng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch bauxite nên chưa triển khai thực hiện. Các dự án đã phê duyệt thì nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn triển khai nên nhiều dự án chậm tiến độ nhiều lần, có dự án phải chuyển nhượng, tạm dừng hoạt động. Đồng thời, các chỉ số về hiệu quả đầu tư, kết nối hạ tầng của tỉnh còn yếu nên hiệu quả đầu tư thấp”, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết.

Trong năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường triển khai các chương trình hợp tác với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, TP. HCM và các nước trong khu vực nhằm mở rộng thị trường, chú trọng phát triển cả thị trường nội địa và quốc tế.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch thông minh, đặc biệt là các trang mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, quảng bá và lan tỏa hình ảnh du lịch Đắk Nông đến với du khách trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 14/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định Phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo quyết định trên, sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm hành chính – chính trị tỉnh đặt tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay, có diện tích tự nhiên hơn 24.000km2, dân số hơn 3,3 triệu người. Như vậy, sau khi sáp nhập, Lâm Đồng sẽ là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước.