Honkaku, tương đương với cụm từ “orthodox” trong tiếng Anh, là một thể loại trinh thám của Nhật Bản đề cập đến việc tạo ra các kịch bản giải đố phức tạp và thông minh quái đản – chẳng hạn như một vụ giết người trong phòng kín – chỉ có thể được giải quyết thông qua suy luận logic.
Honkaku là thể loại truyện trinh thám có nội dung tương tự với thể loại whodunnit. Whodunnit là thể loại phổ biến và cổ điển nhất của tiểu thuyết trinh thám, với một cốt truyện phức tạp, nhiều manh mối rải rác được tiết lộ công khai và các nhân vật rút ra sự thật dựa trên cùng một thông tin. Truyện được viết dưới góc nhìn của nhân vật chính trong quá trình điều tra vụ án, nên người đọc có thể đoán được thủ phạm trước khi đáp án được công bố ở đoạn kết.
Cụm từ Honkaku được xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1925, do Saburo Koga, một trong những nhà văn trinh thám Nhật Bản nổi tiếng cùng thời với Edogawa Ranpo, đề xuất, trong đó ông định nghĩa cụm từ honkaku nghĩa là “một câu chuyện thám tử tập trung chính là quá trình điều tra tội phạm và coi trọng tính giải trí bắt nguồn từ suy luận logic thuần túy”. Cụm từ này được sử dụng để phân biệt tiểu thuyết trinh thám honkaku với các thể loại trinh thám khác.
Bắt đầu từ khoảng năm 1930, cụm từ honkaku trở thành thuật ngữ để miêu tả các câu chuyện trinh thám nhiều manh mối, mảnh ghép kinh điển, được xuất bản vào thời Hoàng kim trinh thám phương Tây (các tác giả tiêu biểu thời điểm đó có thể kể đến Agatha Christie, John Dickson Carr, Ellery Queen…). Dù được xuất hiện vào trước thời Thế chiến thứ II nhưng phải đến những năm 1950, cụm từ này mới chính thức được công nhận và sử dụng rộng rãi, nhờ các nhà văn trinh thám Nhật Bản nổi tiếng gồm Seishi Yokomizo, Akimitsu Takagi và Tetsuya Ayukawa.
Năm 1987, Yukito Ayatsuji ra mắt tác phẩm đầu tay với Thập giác quán, nhờ sự hỗ trợ của Soji Shimada, và series “Quán” của Ayatsuji trở thành loạt truyện ăn khách. Điều này đã giúp honkaku vốn đề cao suy luận và tinh thần fair-play thu hút thêm một lượng người hâm mộ lớn, họ coi trinh thám honkaku là một cuộc chơi trí tuệ giữa tác giả và độc giả. Tiếp nối thành công của Yukito Ayatsuji, nhiều cây viết khác cũng theo đuổi thể loại honkaku và nhận được sự chú ý lớn của công chúng. Đến thập niên 90, trinh thám honkaku ở Nhật Bản phát triển thịnh vượng.
Trinh thám honkaku thời “hậu Ayatsuji” được mở rộng và kết hợp với nhiều thể loại khác như kinh dị, giả tưởng, viễn tưởng và siêu viễn tưởng. Thậm chí honkaku ngày nay còn dẫn đến vô số tác phẩm đa dạng từ trinh thám thường ngày cho đến trinh thám tập trung vào nhiều mánh khóe, lời kể không đáng tin cậy. Làn sóng phát triển của honkaku chưa có dấu hiệu dừng lại, và trở thành một dạng giải trí phổ biến từ phim điện ảnh, phim truyền hình, truyện tranh, anime, video game…
Câu lạc bộ Nhà văn trinh thám honkaku Nhật Bản được thành lập từ năm 2000 với các thành viên ban đầu như Yukito Ayatsuji, Natsuhiko Kyogoku, Hiroko Minagawa, Kaoru Kitamura, Tetsuya Ayukawa… Hiện nay, câu lạc bộ có 170 thành viên và do Rintaro Norizuki giữ chức chủ tịch.
Câu lạc bộ cũng trao giải Honkaku Mystery Award hàng năm cho các tác phẩm trinh thám và tác phẩm phê bình thuộc thể loại honkaku. Dưới đây là 3 tác phẩm trinh thám từng chiến thắng Honkaku Mystery Award đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Goth – Những kẻ hắc ám xoay quanh hai học sinh cấp 3 cùng nhau đi điều tra những vụ án kỳ lạ ở địa phương, các vụ án và manh mối được rải đều khắp cuốn sách. Tác phẩm được gắn mác 18+ vì những tình tiết cũng như tâm lý u tối và đầy méo mó của các nhân vật.
Phía sau nghi can X mang đến sự đối đầu của hai bộ óc ưu việt, một bên là nhà vật lý học Manabu Yukawa và giáo viên dạy Toán Ishigami Tetsuya với một vụ án được che giấu đầy kĩ lưỡng.
Kẻ sát nhân trong ngôi nhà chết chóc lấy bối cảnh một nhóm sinh viên đại học bị kẹt lại trong một căn biệt thự biệt lập khi hàng loạt vụ án mạng xảy ra, trong khi bên ngoài thì một thế lực nguy hiểm ngày càng áp sát và dồn họ vào chân tường.
