Người trong ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mít. Mẹ đã mất chồng, sáu con trai, một con dâu và cháu nội cho cuộc trường chinh kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Con thứ tư của mẹ, anh Nguyễn Năng Phàn, sau một nhiệm vụ, anh bị địch bắt, anh nhất quyết không hé răng nửa chữ. Anh bị phân xác ra làm nhiều mảnh và vứt ở ngoài đường. Lòng mẹ như đứt ra từng khúc khi không thể đưa anh về chôn cất, vì tụi nó sẽ đến và gây khó dễ, ngôi nhà của mẹ sẽ không che chở cho bộ đội được nữa.
Con gái út của mẹ Mít tên là Nguyễn Thị Tiếp là người hy sinh tiếp theo. Năm 19 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Tiếp trở thành một o du kích. Trong một lần tiếp tế cho bộ đội, o Tiếp bị giặc phát hiện, chúng cưỡng bức o, buộc dây xích vào người rồi kéo đi học đường. Mẹ Mít nhìn con gái bị hành hạ, mẹ vẫn phải lặng im và khóc thầm lặng lẽ.
Con trai và con dâu thứ sáu của mẹ Mít tiếp tục hy sinh. Lần này thì mẹ không được khóc nữa vì mẹ còn phải dành sức nuôi hai đứa cháu nhỏ. Khi nhận giấy báo tử của con trai thứ sáu, tóc mẹ bạc trắng chỉ sau một đêm…
Trong khi chồng con vắng nhà tham gia chiến đấu, người mẹ chỉ cao hơn 1,4m và nặng khoảng 35kg hồi ấy đã canh tác hai mẫu ruộng bằng bàn tay và tấm lưng trần để hỗ trợ bộ đội. Đêm về, mẹ thức đào hầm. Mẹ bị chúng bắt và tra tấn. Mẹ thầm nghĩ rằng: “Mẹ không thể gục xuống khi đất nước chưa về một mối và còn rất nhiều người đang chiến đấu.
Con trai thứ ba của mẹ là anh Nguyễn Văn Ban cũng tham gia chiến đấu và bị tra tấn nát bấy hết da thịt. Con trai anh Nguyễn Văn Ban là chiến sĩ Nguyễn Năng Thành cùng gia nhập quân Giải phóng. Anh Thành cũng hy sinh…
Sau ngày Giải phóng, mẹ đứng lặng nhìn bàn thờ và khóc: “Các con hy sinh vì đất nước, mẹ tự hào bao nhiêu thì mẹ cũng đau khổ bấy nhiêu. Bao công lao nuôi nấng con khôn lớn mà đến lúc con chết mẹ cũng không được nhìn mặt lần cuối”.
Chồng và những người con của mẹ Mít hy sinh, có người còn chưa tìm được thi hài, có người còn không có lấy ảnh thờ mặt thật… Nỗi đau một mình mẹ chịu, khuôn mặt con một mình mẹ nhớ.
Những năm cuối đời, mẹ có một ước nguyện là tìm được thi hài người con út Nguyễn Thành đã hy sinh ở chiến khu Ba Lòng, Đakrông, Quảng Trị. Gia đình, đồng đội đã cố gắng hết sức nhưng cho đến khi mẹ mất, ước nguyện này vẫn không thể thành.
Di nguyện của mẹ Mít là sau khi mất, được thờ cùng chồng và các con tại chính ngôi nhà của mẹ. Mẹ Mít và hàng chục ngàn mẹ Việt Nam anh hùng, họ là minh chứng rằng dân tộc Việt Nam đã tồn tại những điều hơn cả sự vĩ đại….
Nhiều người cứ bảo rằng, tại sao cứ phải nhắc lại lịch sử làm gì? Tại sao không để vết thương qua mau?
Nhưng, vết thương bình thường còn để lại sẹo trên da thịt nữa là vết thương trong lòng. Trị những vết sẹo, người ta có thể bôi nghệ hay thẩm mỹ để lành. Còn những vết thương trong lòng thì không có thứ gì xóa tan được, chúng âm thầm tồn tại trong trái tim những người còn sống, chúng để lại một “vết sẹo” không bao giờ lành trong tâm trí, chúng khắc ghi một thời khói lửa bão tố không gì mô tả được…
Nhắc lại những vết thương ấy, để tránh vô vàn những vết thương khác có thể sẽ đến thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta. Nhắc lại những vết thương ấy để trân trọng và chống lãng quên.
Chúng ta, những người không chịu những vết thương ấy, thì không bao giờ hiểu được.
Cre: Tifosi