Đa số các bản dịch hiện nay đều có ghi Nguyễn Trãi tham dự hội thề Lũng Nhai năm 1416 dịch từ sử gia phả (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn).
Hội Thề Lũng Nhai thực tế không được chép lại trong ĐVSKTT, cũng không có trong Lam Sơn thực lục (Cũng có thể do thất lạc), Hội thề chỉ được chép lại ở thế kỷ 18 do Lê Quý Đôn sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, cũng không ghi rõ là hội thề Lũng Nhai mà chỉ đơn giản là:
“Mùa đông, năm Bính Thân vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của vua, liên danh hội thề nguyện sống chết có nhau” – ĐVTS tr 191
Có 19 người tham dự (Vua cùng 18 bề tôi), trong đó theo bản chương từng công thần của Lê Quý Đôn thì khẳng định những người sau có tham gia, đó là: Lê Lai (tên đứng thứ hai), Lê Thận (tên đứng thứ 3), Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả, Nguyễn Lý, Lê Văn An còn lại thì đều không rõ. Nguyễn Trãi không được chép trong phần chí, cũng không được nhắc đến trong này, tuy nhiên trong sách dịch có đoạn cố sửa Nguyễn Truy sang thành Nguyễn Trãi (tác giả cho rằng viết sai) Tr 37 – Bản dịch của Ngô Thế Long, Văn Tân hiệu đính.
Trong Lam Sơn thực lục do chính Nguyễn Trãi viết thì không thấy chép Nguyễn Trãi tham gia vào nghĩa quân trong thời kỳ nghĩa quân còn hoạt động ở vùng thượng du Thanh Hóa tức từ: 1418 đến 1424
“Nguyên trước Nhà vua kinh doanh việc bốn phương, Bắc đánh giặc Minh, Nam đuổi quân Lào, mình trải trăm trận, đến đâu được đấy, chỉ dùng có quan võ là bọn Lê Thạch, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Lý, Lê Ngân, ba mươi lăm người; quan văn là bọn Lê văn Linh, Lê quốc Hưng; cùng những quân thân như cha, con; hai trăm thiết kỵ, hai trăm nghĩa sĩ, hai trăm dũng sĩ và mười bốn thớt voi. Còn bọn chuyên chở lương-thảo, cùng già yếu đi hộ vệ vợ con, cũng chỉ hai nghìn người mà thôi.”
Trong cuốn: Suy ngẫm về 20 năm của Nguyễn Diên Niên, tác giả có dẫn ra 2 bài thơ: Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên và Thứ vận Trần thượng thư đề Nguyễn bố chánh thảo đường của Nguyễn Trãi. Trong đó theo khảo cứu, Hoàng Ngự sử chính là Hoàng Tông Tài viên quan nhà Minh được cử sang tuần xét quan lại đô hộ Giao Chỉ năm Đinh Dậu (1417), còn Trần thượng thư chính là Thượng thư bộ binh Trần Hiệp được nhà Minh cử sang nước ta thay Hoàng Phúc vào năm 1424. Tức là, ít nhất đến năm 1417 hoặc có thể đến tận 1424, Nguyễn Trãi vẫn còn đang họa thơ của 2 viên quan nhà Minh ở tận Đông Quan thì làm sao có thể Yết Kiến Lê Lợi trước năm 1416?
Ngoài ra, tác giả cũng dẫn nguồn từ 8 tư liệu chép Nguyễn Trãi gặp mặt Lê Lợi lần đầu là ở Lỗi Giang, đó là: Bài tựa Ức trai thi tập của Trần Khắc Niệm, Chú bài Minh lương của Lê Thánh Tông, chế văn của Lê Tương Dực, Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, LTHCLC của Phan Huy Chú, VSTGCM, thế phả họ Nguyễn do Thâm chép, Sơn Nam lịch triều đăng khoa khảo và Lịch triều đăng khoa bị khảo, trong đó đáng tin cậy nhất là Nguyên chú bài thơ “Minh Lương” của Lê Thánh Tông.
Trong suốt khởi nghĩa Lam Sơn, có 2 lần Lê Thái Tổ đóng dinh ở Lỗi Giang, lần thứ nhất là tháng 11 năm 1420:
“Tháng 11, vua tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm, huyện Lỗi Giang, khiêu khích giặc ra đánh”
Lần thứ hai là tháng 9 năm 1426: từ Nghệ An vua “đích thân chỉ huy đại quân, ngày đêm đi theo đường thủy, đường bộ tiến gấp đuổi theo bọn An, Chính. Khi đến thành Tây Đô, vua đóng dinh ở Lỗi Giang”
Từ đó mà suy thì chúng ta có thể thấy, trường hợp sớm nhất Nguyễn Trãi đến gặp Lê Lợi cũng phải là đến năm 1420, đối chiếu với 2 bài thơ vịnh của Nguyễn Trãi cho quan lại nhà Minh thì khả năng cao hơn là năm 1426, điều này là hợp lý vì trước đó tiếng tăm của Lam Sơn chưa hề nổi bật vẫn chỉ gói gọn ở vùng Thanh Hóa – Nghệ An, và khả năng Nguyễn Trãi tham dự vào Hội thề Lũng Nhai năm 1416 là gần như không có.