Kể về nguồn gốc Hội thề đồng cổ thì phải nói đến Loạn tam vương.
Đấy là sau khi Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn băng hà, tang lễ còn chưa xong, trong nhà mấy vị hoàng tử, hoàng thất không phục việc để Lý Phật Mã (Lý Thái Tông sau này) lên ngôi nên kéo quân đến vây thành tranh ngôi Thái tử.
Sách sử gọi đây là: Tam Vương chi loạn – Loạn tam vương, tam vương đó bao gồm: Vũ Đức vương (武德王), Dực Thánh vương (翊聖王) và Đông Chinh vương (東征王)
Khi quân của Thái tử và các vương đối trận, Quan vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức Vương mà quát rằng: “Các ngươi dòm ngó ngôi cao, khi dễ tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái đạo tôi con, đón Phụng Hiểu ta nhát gươm này” sau đó lao vào chém chết Vũ Đức Vương ngay giữa trận tiền, quân tam vương thua tháo chạy tán loạn.
Dẹp xong loạn tam vương, ngày Kỷ Hợi tháng 04 năm 1028, Thái Tử Lý Phật Mã lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Thành.
Dực Thánh Vương và Đông chinh vương sau này xin về chịu tội, Thái Tông nghĩ tình cốt nhục không đuổi tận giết tuyệt, mà tha tội và phục chức cũ lại cho hai người.
Và cũng từ đó, Lý Thái Tông lập lệ, cứ hàng năm các quan phải đến đền Đồng Cổ (Yên Thái, Hà Nội) làm lễ đọc lời thề:
“Làm con phải hiếu
Làm tôi phải trung
Bất hiếu bất trung
Thần minh tru diệt”
Đứa nào dám không đi, phạt đánh 50 trượng.
Lý Thái Tông được sử sách ghi nhận là vị vua anh minh dũng lược của triều Lý, 30 năm cai trị và chinh chiến từ Nam ra Bắc dụng binh đánh đâu được đấy, trị quốc cũng có thể nói là đâu đó rõ ràng, định lại hình luật, chăm lo quốc lực, củng cố lại giang sơn chống nội ưu ngoại hoạn,thu phục lòng dân.
Đại Việt Sử ký toàn thư nhận xét về ông như sau:
“Vua là người trầm mặc, cơ trí, liệu định tiên cơ, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích có thể so sánh với Đường Thái Tông. Nhưng kẻ quân tử còn lấy việc khoe khoang thái quá để chê trách vua chưa được hiền”
Tuy vậy cũng có một số sử thần đời sau như Lê Văn Hưu, hoặc Ngô Sĩ Liên cho rằng: Vua “quá hiền” nên hay tha thứ cho kẻ tội thần phản nghịch, say đắm cái từ bi nhỏ của nhà Phật mà quên đi cái nghĩa lớn của người làm vua.
=====================================
Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư
Bình: Không biết mọi người cảm thấy sao, nhưng cái cảnh huynh đệ thủ túc tương tàn, đuổi tận giết tuyệt đã thấy quá nhiều, nhìn cách xử trí của Lý Thái Tông và vẫn giữ được cơ nghiệp nhà họ Lý phát triển mạnh mẽ phồn thịnh quả là một điều đáng quý.
Tính ra cái chân lý cho rằng: Đế vương vốn vô tình đâu phải lúc nào cũng đúng.
Ảnh: Đền đồng cổ ở Tây Hồ