Hồi Má còn sống, lúc chưa bị bệnh, Má hay nói về Chị: “Nó là đứa mà má hổng phải nặng lo”.
Không phải nặng lo vì thuở nhỏ Chị chẳng mấy khi đau bụng, xổ mũi, cũng không bị nổi ban hay sốt thương hàn, những chứng bệnh ngày trước các mẹ rất sợ. Càng lớn, chị càng bộc lộ tính tự lập, mạnh mẽ, khéo tay và đặc biệt học giỏi.
Chị không giống Má nhiều ở vóc dáng, nụ cười và cả tính tình. Từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ tôi thấy Chị sà vào lòng Má, nhõng nhẽo, đòi Má nói thương mình. Chị cũng không từng hứa hẹn “Mai này, con sẽ dành cả đời lo cho Má”.
Nhưng trong 10 anh em tôi, Chị là người đã ở bên Má, chăm sóc Má suốt gần 20 năm, trước lúc người đi xa. 20 năm cuối đời của Má cũng chính là quãng thời gian đẹp đẽ thanh xuân của Chị.
Má bị đột quỵ, yếu liệt nửa người. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải nhờ người giúp. Chị vừa dạy học, vừa lo cho Má từ miếng ăn, giấc ngủ, đến thuốc men ngày 3, 4 cữ. Ai có người thân bị di chứng nặng từ đột quỵ mới hiểu hết nỗi khổ của người bệnh và cả người chăm sóc. Bữa ăn không phải hễ nhiều dinh dưỡng là đủ, giấc ngủ cứ thay đổi thất thường, tinh thần người bệnh sa sút, nguy cơ lở loét do tì đè trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Người nuôi bệnh chẳng có mấy lúc nghỉ ngơi, đêm đêm ít nhất cũng trở dậy đôi ba lần. Rồi những lần nhập viện và niềm tin vào khả năng hồi phục cứ hao mòn theo tháng năm.
Chị dường như chưa bao giờ thôi hy vọng. Ngay lần đầu, Má từ bệnh viện trở về, chị chọn chiếc giường to, nằm cùng với Má để tiện bề chăm sóc. Có những đêm soạn giáo án, chấm bài rất mệt, nhưng vì biết buổi chiều Má không ăn được nhiều, Chị vẫn ráng tỉnh táo, giữa khuya lụi hụi pha sữa, đút bánh bông lan và rì rầm trò chuyện cho tới khi Má lại đi vào giấc ngủ. Má to con, còn Chị mảnh mai, nhưng Chị biết cách đỡ Má xuống xe, bồng Má lên giường nhẹ nhàng. Có lần Má phải nhập viện, vì không có thang máy, các điều dưỡng cho Má nằm lên băng-ca rồi khiêng. Sợ tư thế không êm làm Má đau, chị nhất định bồng Má đi thang bộ lên lầu. Các cô điều dưỡng tròn mắt “ Cô giáo nhìn ốm vậy mà mạnh dữ ha!”. Chị cười “ Bồng Má mỗi ngày, tui quen rồi”.
Gần 20 năm, Chị gần như không còn nhớ tới những sở thích của riêng mình, tự nguyện bỏ qua bao lần vui chơi cùng bè bạn, âm thầm nén chặt vào lòng những tiếng thở dài của cô gái biết rõ xuân thì đã bỏ lại phía sau. Chị lấy yêu thương, chăm sóc Má làm lẽ sống, làm niềm vui. Mỗi tiếng cười, câu nói hồn nhiên như trẻ nhỏ của Má trong trạng thái nhớ quên lẫn lộn đều làm Chị thấy ấm lòng. Miễn sao Má vẫn còn hiện diện bên chị trong cuộc đời này. Chị không giận khi bị Má gọi là “bác sĩ chồn” vì Má không thích chị kéo tay đo huyết áp. Chị vui mỗi bận Má có đáp số rất nhanh bằng cách tính rợ số tiền có được khi Chị giả đò đưa Má ra chợ bán chuối, bán dừa. Chị biết Má thích cải lương, nên hôm nào Má khỏe, Chị lại cho xem tuồng Tô Ánh Nguyệt hay Lan và Điệp. Khi Lan trút hơi thở cuối cùng nơi cửa Phật, Má khóc. Chị an ủi “Má buồn vì cuối cùng cô Lan chết phải không?”. Má thảng thốt “Hổng biết cổ có chết không nữa?” Chị cười, mà mắt đỏ hoe.
Có một đêm khó ngủ, không biết nghĩ sao, Má hỏi chị “Khi má chết rồi sẽ chôn ở đâu?” Tôi nghe tiếng Chị nghèn nghẹn: “Má sẽ nằm ở sau vườn. Nhưng ban đêm, ngoài kia lạnh lắm, Má cứ vô nhà, ngủ với con, để con đắp mền cho Má”.
95 tuổi, sau gần 20 năm kiên cường chống chọi với bệnh tật, cố gắng gượng vì con, sức tàn lực kiệt, Má đành buông tay. Má hấp hối trong Phòng Hồi Sức, được đưa về nhà trong tình trạng phải có bình oxy và bóp bóng. Đám tang Má, Chị không khóc. Chị tất bật lo toan mọi việc trong ngoài. Chỉ lúc giữa khuya, còn lại 2 chị em, Chị hỏi tôi mà như tự nói với mình “Không biết lúc trong phòng Hồi sức, Má có bị lạnh không!”. Vẫn không có nước mắt, nhưng tôi cảm nhận nỗi đau tột cùng trong chị. “Nhiều khi nước mắt… không phải là thứ ngôn ngữ duy nhất bày tỏ nỗi đau buồn”, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết như thế. Sao mà đúng với Chị tôi đến vậy!
Má yên nghỉ phía sau vườn nhà, nơi có hàng sao rợp mát. Xong lễ tang, tôi mất ngủ 10 ngày. Nhớ Má, thương Chị đến quặn lòng. Gọi điện về nhà hỏi Chị đang làm gì? Chị bảo “Chị mang bông, mang bánh ra mộ cúng Má, rồi Chị thắp nhang đưa Má vô nhà”. Chiều lại, chị báo tin vui “Lúc nãy cúng cơm cho Má, có con bươm bướm bay vào nhà chạm vào tay chị. Chắc Má đã biết đường vô nhà ăn cơm”. Có bữa đã hơn 10 giờ đêm, đèn điện thoại lóe sáng, tôi bật dậy và lặng người với hình ảnh con bướm đậu ngay công tắc đèn ngủ được Chị chụp gởi qua Zalo. Gần giỗ đầu của Má, đêm khuya, Chị thấy con đom đóm lập lòe quanh vách mùng. Chị giở mùng cho đom đóm bay vô, rồi ngủ rất ngon, vì tin rằng Má đã ở lại bên Chị suốt đêm hôm ấy.
Có nỗi nhớ thương không thốt thành lời. Có những nỗi đau không nước mắt. Nhưng, đó lại chính là tận cùng của yêu thương. Chị là đứa con mà kiếp này và nhiều kiếp sau nữa Má vẫn muốn sinh thành. Chị không mang dáng hình, không có nụ cười của Má, sao mỗi lần nhớ tới Má, sâu thẳm trong tim mình vẫn vang lên hai tiếng Chị ơi!