CẤP ĐỘ CHIẾN DỊCH VÀ CẤU TRÚC QUÂN ĐỘI LIÊN XÔ
Bất kỳ khi nào muốn tìm hiểu về học thuyết quân sự của Liên Xô, chúng ta đều nên bắt đầu bằng việc nhấn mạnh cấp độ chiến dịch trong đó. Cấp độ chiến dịch đề cập đến việc sử dụng lực lượng quân sự trong một chiến dịch hoặc mặt trận. Đây là cấp độ quân sự nằm giữa cấp độ chiến thuật (tiến hành một trận đánh) và cấp độ chiến lược (liên kết các trận đánh với nhau trong một cuộc chiến), và thường sẽ có sự tham gia của cụm tập đoàn quân (hay “phương diện quân” theo thuật ngữ của Liên Xô), tập đoàn quân và thỉnh thoảng cả quân đoàn và sư đoàn. Cho dù là lựa chọn hay gì đi nữa, Liên Xô kết luận rằng chiến thắng trong một cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào chiến thắng ở cấp độ chiến dịch. Các trận đánh có thể thắng hoặc thua, nhưng nếu chiến thắng trong một chiến dịch lớn sẽ đảm bảo được phần thắng cả cuộc chiến. Ít nhất đó là những gì họ nghĩ. Liên Xô cũng kết luận rằng điều ngược lại vẫn đúng: nếu bạn thất bại trong một chiến dịch, thì bao nhiêu trận thắng trước đó có gì quan trọng chứ? Kết quả là các tướng lĩnh và những nhà lý thuyết quân sự của Liên Xô đều nhất quán tìm cách tối đa hoá khả năng chiến thắng trong các chiến dịch cho dù nó có làm giảm hiệu quả những thứ khác.
Một trong những ảnh hưởng quan trọng và vươn xa nhất của nỗ lực này là sự khác biệt của cấu trúc chỉ huy giữa cấp độ chiến thuật và cấp độ chiến dịch (và chiến lược) trong quân đội Liên Xô. Về bản chất, Liên Xô tin rằng để tối đa hoá khả năng chiến thắng họ phải chắc chắn rằng các chỉ huy cấp độ chiến dịch phải có tối đa quyền lực và tối đa khả năng sử dụng các nguồn lực quân sự.
Việc này dẫn tới sự hạn chế ở cấp độ chiến thuật trong quân đội Liên Xô. Ở cấp độ chiến dịch của Hồng quân, đòi hỏi các chỉ huy chỉ có một thứ: thắng được chiến dịch bằng mọi giá. Ở cấp độ chiến thuật, có những hạn chế lớn hơn nhiều để đảm bảo rằng họ làm theo những gì cấp trên ra lệnh, nhằm giữ họ trong tầm kiểm soát và không để họ làm những việc gây rắc rối không lường trước được cho cấp trên. Nói chung là Liên Xô muốn các chỉ huy cấp cao của mình hiếu thắng, sáng tạo, linh hoạt và quyết đoán. Họ muốn chỉ huy cấp thấp của mình cũng như vậy nhưng nằm trong tầm kiểm soát. Chuyên gia hàng đầu về quân đội Liên Xô, John Erickson, đã từng chỉ ra sự hai mặt này, nhận xét rằng “Với tất cả sự tôn trọng, cách làm việc của Liên Xô là một nghịch lý: việc tập trung hoá và không linh hoạt dẫn sự trộn lẫn giữa sự ngẫu hứng với khả năng thích ứng nhanh, cố chấp với khéo léo, sáng tạo với táo bạo.”
Với các chỉ huy cấp thấp, hạ sĩ quan, những người mới nhập ngũ, việc này có nghĩa là hệ thống đào tạo có phần cứng nhắc và cố tình tìm cách hạn chế sự độc lập và sáng tạo của họ. Theo lời của Christopher Donnelly, viết trong lúc đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, “Một điều rất quan trọng là các chỉ huy đơn vị quân cấp thấp trong hệ thống đều nghe theo mệnh lệnh có sẵn, thực hiện chúng bằng một số lựa chọn đã được cho trước. Vị chỉ huy, do đó, không lên kế hoạch, mà là ra ‘lựa chọn,’ trong đó, anh ta ra quyết định từ những lựa chọn [từ cấp trên đưa xuống] thay vì một kế hoạch, sửa đổi nó một chút theo tình hình nơi đó, và thực hiện nó.’
Còn một điều khác đáng chú ý phải được chỉ ra: các chỉ huy cấp thấp của Liên Xô không hề được đào tạo chỉ để nghe theo mọi mệnh lệnh của cấp trên một cách máy móc. Không hề. Thay vào đó, cấp trên có một danh sách ngắn những lựa chọn có thể chấp nhận được để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng các chỉ huy cấp chiến thuật vẫn là người quyết định lựa chọn nào dùng được tuỳ vào hoàn cảnh. Liên Xô gọi đây là “battle drill,” giống như đá bóng, tuỳ vào trường hợp mà người ta sử dụng 4-4-2 hoặc 4-3-3.
Nói gì thì nói, các chỉ huy cấp thấp vẫn phải sử dụng những lựa chọn chung cho những trường hợp riêng và sửa đổi nó sao cho hợp lý. Tuỳ thuộc vào số lượng và vị trí của quân địch, địa hình, thời tiết, lực lượng phe ta tại đó,… Nhưng Liên Xô cũng không muốn các chỉ huy cấp thấp của mình thi hành battle drill theo ý riêng.
Tất nhiên, nỗ lực nhằm hạn chế việc ra quyết định chiến thuật này và dựa vào quyết định có sẵn có thể tạo ra sự cứng nhắc tương đối trong đội hình chiến thuật của Liên Xô, đặc biệt là với những chỉ huy cấp thấp thiếu kinh nghiệm và không thể tự ra quyết định vào những trường hợp đặc biệt. Điều này làm cho các chỉ huy đó phải gửi mệnh lệnh lên cấp trên để check lại cho an toàn. Năm 1987, thủ lĩnh Mujahideen, Abdul Haq đã nói rằng “ở Afghanistan, bạn cần phải có những quyết định thật nhanh và các sĩ quan Nga vẫn không thể tự quyết mà không hỏi lại với cấp trên.”
Mặt khác, tuy nhiên, cũng có điều tốt. Khi Liên Xô có những chỉ huy chiến thuật dày dặn, cách đánh của họ đặc biệt hiệu quả: linh hoạt, sáng tạo, thích nghi, nhanh chóng, và ra quyết định đúng đắn. Thật vậy, trong những quyển sách về chiến tranh cơ giới hoá tại Mặt trận phía Đông trong Thế chiến 2 của mình, Robert Forczyk đã chỉ ra rằng những khó khăn lớn nhất của Liên Xô thời kỳ đầu cuộc chiến là sự thiếu đào tạo và kinh nghiệm của các sĩ quan chiến thuật vào thời gian đầu. Những thiếu sót này – cộng với sự bất tài của các chỉ huy cấp chiến dịch sống sót sau cuộc thanh trừng của Stalin – đã giúp Đức có được những chiến thắng dễ dàng lúc đầu, không phải vì những sai sót vốn có của hệ thống quân đội Liên Xô. Hệ thống này hoạt động rất tốt khi Moscow có được những sĩ quan cấp cao giỏi và số lượng lớn những chỉ huy cấp chiến thuật dày dặn kinh nghiệm để làm theo mệnh lệnh của họ.
Những quyết định hạn chế ở cấp chiến thuật cũng ảnh hưởng đến cả không quân, mặc dù đúng các chuyên gia quân sự phương Tây thường phóng đại về mức độ thiếu hiệu quả của không quân cấp chiến thuật của Liên Xô. Cụ thể, các phi công Liên Xô được huấn luyện để phụ thuộc vào chiến thuật đánh chặn theo điều khiển từ mặt đất (GCI), hay chỉ nghe theo lệnh từ sở chỉ huy để chiến đấu trong các trận đánh. Nhưng tuy nhiên, việc này cũng có hạn chế. Các phi công Liên Xô được đào tạo để vừa tự đánh vừa nghe theo lệnh cấp trên, vì Moscow cũng biết thừa rằng NATO sẽ gây nhiễu sóng truyền tin GCI của Liên Xô, và cả sự hỗn loạn trong cuộc chiến nếu các phi công chỉ nghe theo mệnh lệnh, nếu muốn sống sót phải ra những quyết định trong vài giây định mệnh mà CGI không thể ra kịp.
Theo Alexander Zuyev, phi công MiG-29 của Liên Xô đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1990, cho đến giữa thập niên 1980, học thuyết máy bay chiến đấu của Liên Xô đã trở nên linh hoạt hơn nhiều so với những gì các chuyên gia phương Tây dự đoán. Zuyev đã miêu tả lại chương trình luyện tập của đơn vị anh và cả những đợt tập trận mô phỏng chiến dịch lớn cho thấy không quân của Liên Xô sẽ không quá dựa dẫm vào CGI và chiến đấu rất tốt.
Thật vậy, từ cuối thập kỷ 1970 và đầu 1980, các nhà lý thuyết quân sự Liên Xô bắt đầu nhận ra các trận đánh trong tương lai đòi hỏi sự phân chia điều hành hợp lý hơn, vì vậy học thuyết quân sự cũ của Liên Xô cũng nên bắt đầu thay đổi. Suy đoán này của họ được cũng cố qua kinh nghiệm trong cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô, nơi Hồng quân phải dựa vào những tiểu đội nhỏ, độc lập để chiến đấu với Mujahideen – một việc làm hoàn toàn trái ngược với phương pháp chỉ huy và điều khiển của Liên Xô. Theo lời của Zuyev cho thấy vào cuối những năm 1980, Liên Xô bắt đầu học được những điều này và dần thay đổi hệ thống sao cho hợp lý. Mô tả của ông về sự cải tiến của học thuyết không quân đã được làm rõ hơn qua những báo cáo sau khi Liên Xô sụp đổ, qua những gì không quân Nga đã thể hiện ở Chechnya, Georgia và Syria.
Không ngạc nhiên lắm, sự nhấn mạnh của Liên Xô vào việc cho phép các chỉ huy cấp chiến dịch hành động tự do đã tạo ra những hạn chế cho các chỉ huy cấp chiến thuật và kết quả là thường thể hiện sự kém linh hoạt của Hồng quân hay – khi cộng thêm việc đào tạo thiếu hiệu quả – là cả thảm hoạ cho Liên Xô như trong thời gian đầu Thế chiến 2. Về khả năng chỉ huy của các sĩ quan cấp cao trong quân đội, Hồng quân có từ những vị tướng từ tài giỏi như Konstantin Rokossovsky cho tới bất tài như Semyon Budyonny. Nhưng vị tướng giỏi nhất là vị tướng mà có thể giành được chiến thắng cho dù những sĩ quan cấp dưới là ai đi nữa. Ví dụ, vào năm 1939, tại Khalkin Gol, Georgy Zhukov đã có chiến thắng trước quân Nhật nhờ kế hoạch chiến dịch tuyệt vời, quân số áo đảo, và có thời gian để chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch, nhưng quan trọng nhất là việc này thực hiện được cho dù các đơn vị Hồng quân do ông chỉ huy còn rất yếu. Cũng giống vậy khi chống lại quân Đức, chiến thắng phần lớn là nhờ vào khả năng của những vị tướng chỉ huy ở cấp độ chiến dịch.
Trong khi cũng đúng là cho dù đến tận cuối cuộc chiến, Liên Xô thắng được Đức là nhờ có lợi thế về quân số, điều này cũng phần nào chứng minh được khả năng lãnh đạo của các tướng cấp cao Liên Xô đã vượt qua cả Đức và khai phá được điểm yếu của Wehrmacht. Khi mà các tướng Đức phải phụ thuộc vào khả năng chỉ huy của cấp dưới để hỗ trợ từ cấp chiến thuật xuống, thì đối thủ Liên Xô của họ đã học được cách tận dụng một lực lượng lớn quân lính và xe thiết giáp với ít sự hỗ trợ chiến thuật hơn. Tướng Liên Xô được đào tạo để chấp nhận chiến thuật có thể “không hoàn hảo” hay “tàn nhẫn và đẫm máu” và chấp nhận thương vong rất cao để đạt được chiến thắng. Cho đến cuối cuộc chiến, các chiến dịch của không quân Liên Xô cũng cho thấy họ mạnh hơn quân Đức, với tốc độ và sức mạnh hơn gấp nhiều lần, mặc dù Luftwaffe có nhiều phi công lão luyện hơn. Các tướng quân Đức có thể chỉ huy quân đội mình “thắng” vài trận đánh để chữa cháy, nhưng cuối cùng các tướng Liên Xô mới là người thắng trong chiến dịch, và sau đó là cả cuộc chiến.
TẤN CÔNG LÀ CÁCH PHÒNG THỦ TỐT NHẤT
Học thuyết của Liên Xô nhấn mạnh vào các chiến dịch tấn công. Ngay cả trước cuộc Thế chiến 2, một số vị tướng của Liên Xô như Mikhail Tukhachevsky đã phát triển những học thuyết chiến tranh hiện đại và rất chú trọng những cuộc tấn công. Kinh nghiệm trong Thế chiến 2 còn phát triển học thuyết này hơn nữa, vì Liên Xô học được rằng nhường thế chủ động cho quân Đức là một việc cực kỳ nguy hiểm. Chỉ duy nhất cách tấn công mới giúp họ chặn đứng các chiến dịch của Đức, tiêu diệt Wehrmacht, lấy lại lãnh thổ và thắng cuộc chiến.
Sự nhấn mạnh vào các chiến dịch tấn công sau này được đưa vào chương trình luyện tập của Liên Xô. Ví dụ, Học viện Bộ Tham mưu trưởng Liên Xô dạy rằng “tấn công là mục đích chính, chiến lược của một lực lượng thiết giáp,” và “phòng thủ được coi là mục đích bắt buộc của một đội quân. Phòng thủ chỉ khi lực lượng không thích hợp để mở các cuộc các cuộc tấn công hoặc khi cần thời gian để tập trung lực lượng và chờ thời điểm thích hợp để bắt đầu cuộc tấn công quyết định.” Thực tế, Liên Xô quá chú trọng vào các cuộc tấn công đến nỗi các chỉ huy Liên Xô thường được dạy rằng nên cố mở một cuộc phản công để đối phó với cuộc tấn công của quân địch: “Quân đội ở phòng tuyến nên luôn trong tư thế chuẩn bị để mở cuộc tấn công trong bất cứ tình huống nào để đẩy lùi các cuộc tấn công của địch, tiêu diệt các nhóm quân, và đảm bảo thọc sâu vào phòng tuyền đối phương.”
Các cuộc tấn công của Liên Xô dựa vào nhiều yếu tố để thành công. Đầu tiên là tính bất ngờ. Liên Xô coi yếu tố bất ngờ đối với quân địch là một trong những điều quan trọng nhất để giành chiến thắng chiến dịch tấn công. Đến cuối cùng, Liên Xô đã phát triển khả năng nguỵ trang (maskirovka) đáng gờm. Liên quan tới sự chú trọng của Liên Xô vào maskirovka để giữ được sự bất ngờ là việc phát triển khả năng trinh sát và tình báo của nước này. Kết quả là, các sĩ quan cấp cao của Liên Xô thường làm rất tốt trên mặt trận thông tin, sử dụng hàng loạt những thông tin tình báo cấp quốc gia, mặt trận, phương diện quân và tập đoàn quân có được và liên tục đôn thúc cấp dưới để điều chỉnh lại chiến thuật sao cho hợp lý. Một chuyên gia Chiến tranh Lạnh đã viết về quân đội Liên Xô rằng “Việc khoa học quân sự Liên Xô gắn liền với trinh sát không thể bị xem nhẹ. Ví dụ như ở một số chiến dịch trong Thế chiến 2, có khoảng 25-30% lực lượng không quân của Liên Xô chỉ được đưa làm nhiệm vụ trinh sát.”
Các chỉ huy Liên Xô cũng được dạy rằng sự thành công cũng phụ thuộc vào tiến độ chiến dịch (OPTEMPO) nhanh. OPTEMPO nhanh giúp phe tấn công luôn luôn giữ được thế chủ động, khiến phe đối phương luôn phải đáp trả các đợt tấn công của mình mà chưa chuẩn bị xong. Theo Benjamim Miller, Liên Xô đã nhận ra sự liên quan giữa chiến dịch tấn công, tính bất ngờ, và OPTEMPO nhanh. Như Miller miêu tả, Liên Xô dạy rằng tính bất ngờ trong một chiến dịch là thứ dễ dàng khai thác thế chủ động nhất và sẽ buộc kẻ thù đáp trả lại theo ý mình, và giữ được tốc độ nhanh chóng của chiến dịch sẽ giúp tăng ảnh hưởng của tính bất ngờ và ngăn quân địch tập hợp lại hoặc xây lại phòng tuyến. Lực lượng Liên Xô đươc huấn luyện để chọc thủng nhiều điểm trên phòng tuyến và đẩy nhanh, sâu vào bên trong, bỏ qua hoặc bao vây những điểm quân địch vẫn chống cự để giữ vững thế tấn công.
Một điểm nữa của quân đội Liên Xô có được vào thời Tukhachevsky và sau đó được một số tướng lĩnh khác phát triển thêm là lối tác chiến chiều sâu. Chiến lược của các chiến dịch phản công Liên Xô là chọc thủng sâu (và nhanh) vào phòng tuyến của kẻ thù nhất có thể. Theo lời của John Hemsley, Liên Xô “nhấn mạnh vào việc chọc thủng tuyến phòng thủ và đẩy mạnh vào các điểm chiến lược bằng xe thiết giáp hơn là chiếm và giữ những điểm cấp chiến thuật.” Trong một số chiến dịch tấn công của Liên Xô vào năm 1944-1945, Hồng quân có khi đẩy xa tận 200 km vào phía sau phòng tuyến Đức cho đến khi dừng lại để tập hợp lực lượng và mở các cuộc tấn công khác.
MỘT SỐ KHÍA CẠNH KHÁC CỦA MÔ HÌNH QUÂN ĐỘI LIÊN XÔ
Học thuyết của Liên Xô còn nhấn mạnh việc điều động, tập trung một lực lượng lớn quân tại một điểm quyết định trên mặt trận (hay schwerpunsk trong tiếng Đức) và đánh vào sườn, bao vây địch nhằm mục đích tiêu diệt nhiều kẻ địch với ít lực lượng nhất có thể. Trong Thế chiến 2, các chỉ huy Liên Xô đã thực hiện cả hai điều này một cách tài tình. Ngay cả khi vào mùa hè thảm hoạ năm 1941, các tướng quân Đức vẫn còn phải bất ngờ với những đòn phản công vào nơi Đức chọc thủng của Liên Xô. Trong những năm 1943-1945, đa phần các tướng Liên Xô có thể tập hợp lực lượng đông gấp 10 đến 20 lần quân Đức về tăng, pháo, lính,… tại schwerpunsk của cuộc tấn công – nhờ đó bù vào hạn chế về chiến thuật so với Đức. Thêm vào đó, các cuộc tấn công của Liên Xô cũng cố tách quân địch bị bao vây và quân địch bên ngoài, không cho tiếp viện. Sau Thế chiến 2, Liên Xô bắt đầu phối hợp các đơn vị nhảy dù và trực thăng vào các chiến dịch để tăng hiệu quả chiến dịch. Thực tế, tại Afghanistan, Liên Xô bắt đầu thành tạo kỹ năng sử dụng lính đặc nhiệm Spetsnaz và lính nhảy dù để chặn lối thoát ở các thung lũng rồi đưa lực lượng thiết giáp vào để tiêu diệt quân Mujahideen. Các chỉ huy Mujahideen gọi đây là loại chiến dịch hiệu quả nhất mà mình phải đối mặt.
Có thể nói là so với những quân đội khác, ngoại trừ Đức ra, Hồng quân là lực lượng hiểu rõ hiệp đồng tác chiến là chìa khoá để thắng một cuộc chiến tranh hiện đại nhất. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên phát hiện họ phải phối hợp các đơn vị thiết giáp, bộ binh, pháo binh, công binh, không quân và những đơn vị hỗ trợ khác thành một nhóm hiệp đồng tác chiến. Liên Xô còn sử dụng hiệp đồng tác chiến này trong bất kỳ cấp độ nào tại mặt trận.
Mặc dù hiệu quả của các lực lượng Liên Xô rất khác nhau theo từng thời điểm, việc nhấn mạnh vào phối hợp quân thành hiệp đồng tác chiến không bao giờ thay đổi. Vào những năm đầu Thế chiến 2, các chỉ huy Liên Xô đã gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện lối đánh hiệp đồng tác chiến mới này để chống lại quân Đức, lực lượng đã thành thạo lối đánh này hơn nhiều. Nhưng cuộc chiến tiếp tục kéo dài, Liên Xô bắt đầu thành thạo với lối đánh này hơn, và đây trở thành một trong những chìa khoá cho chiến thắng sau này của Liên Xô. Trong trận hợp vây quân Đức tại Korsun–Shevchenkovsky vào tháng 1 năm 1944 của ông, Ivan Konev từ Phương diện quân Belorussian 2 lấy phần lớn lực lượng thiết giáp của Tập đoàn quân tăng cận vệ số 5 để đảm bảo Tập đoàn quân số 53 có thể chọc thủng phòng tuyến Đức. Trong khi làm giảm hiệu quả tấn công của đơn vị kia của mình, Konev đã kết luận rằng nếu không nhờ vào hợp đồng tác chiến, Tập đoàn quân số 53 đã không thể chọc thủng phòng tuyến Đức, làm cho việc hợp vây còn khó hơn.
Tương tự, hiệp đồng tác chiến cũng được Liên Xô sử dụng tốt tại Afghanistan. Tất nhiên, lực lượng của họ thích hợp hơn khi dùng trong chiến tranh cơ động tại các địa hình tương đối phẳng như ở miền Bắc Đức, và hoàn toàn vô dụng tại địa hình đồi núi của Afghanistan. Tuy nhiên, tới năm 1984, Liên Xô đã hoàn toàn cải cách đội quân tại Afghanistan, tạo ra được một loại hiệp đồng tác chiến mới dựa vào lực lượng cơ giới trang bị với vũ khí hạng nhẹ (ví dụ như sử dụng BTR thay vì BMP), đơn vị đặc nhiệm hạng nhẹ (Spetsnaz và lính nhảy dù), pháo binh hạng nhẹ, công binh, và trực thăng hỗ trợ. Sự kết hợp này hiệu quả khá cao. Cao tới nỗi Mỹ và Anh phải hỗ trợ cho Mujahideen tên lửa đất đối không (Stinger với Blowpipe) và tên lửa điều khiển chống tăng (Milan), giúp Mujahideen gây thiệt hại cực lớn cho Liên Xô và buộc nước này phải rút lui.
Bởi vì phần lớn học thuyết quân sự Liên Xô quá tập trung vào lục quân, không quân thường chỉ được dùng để hỗ trợ bộ binh và được trực tiếp chỉ huy bởi các sĩ quan bộ binh cấp cao. Tuy nhiên, Liên Xô cũng nhận ra tầm quan trọng của ưu thế trên không tại chiến trường, phần lớn nhờ vào kinh nghiệm trong Thế chiến 2 dạy họ rằng làm chủ bầu trời có thể gây trở ngại rất lớn cho lực lượng địch. Kết quả là Liên Xô muốn mình có lợi thế trên không còn kẻ thù thì không. Vì lý do đó, các nhiệm vụ không đối không thường được chú trọng trong Không quân Xô Viết. Học viện Bộ Tham mưu trưởng Liên Xô dạy rằng “Để thành công mở và tiến hành một chiến dịch chiến lược sử dụng vũ khí chính quy, có được ưu thế trên không là điều đặc biệt quan trọng.” Ngoài ra, Liên Xô nhấn mạnh không quân nhằm để hỗ trợ lục quân như trinh sát, chi viện không quân trực tiếp (CAS), không kích chiến trường với lực lượng không quân chiến thuật (BAI). Liên Xô không tin vào thuyết “sức mạnh không quân” của phương Tây, vì vậy họ không tập trung phát triển ném bom chiến lược và không kích chiều sâu như NATO – ngoại trừ viện trợ không vận chiều sâu.
Việc vận chuyển hậu cần của Liên Xô được mô tả là không tinh vi nhưng hiệu quả. Liên Xô phát triển hệ thống hậu cần “đẩy,” trong đó các đơn vị cấp cao thường gửi trực tiếp hậu cần cho cấp dưới mà không cần yêu cầu đặc biệt gì từ chiến tuyến. Trong khi phương pháp này rất lãng phí, nó lại giúp các đơn vị thiết giáp của Liên Xô tiếp tục tiến công mà không phải dừng lại đợi tiếp tế. Liên Xô chú trọng việc thay thế các đơn vị chiến đấu chứ không đợi đơn vị đó phục hồi ngay tại đó. Vì vậy các đơn vị Liên Xô thường “bất tuân” mệnh lệnh, bởi vì họ chỉ được đưa vào chiến dịch, chiến đấu dữ dội trong vài ngày và được đưa trở về lại tuyến sau để phục hồi đơn vị. Ví dụ, John Erickson viết rằng Liên Xô thường coi một sư đoàn cơ giới súng trường (MRD) có thể chiến đấu trong vòng 5 ngày, sau đó sẽ không còn chiến đấu hiệu quả nữa và được cho lùi về tuyến sau. Việc này cho cũng cho phép Liên Xô tối đa hoá các cuộc tiến công bởi vì các đơn vị không phải dừng lại để phục hồi: luôn luôn có lực lượng còn nguyên phía sau sẵn sàng thay thế những đơn vị đã chiến đấu kiệt sức.
Sự kết hợp của tốc độ chiến dịch tấn công nhanh và việc đổi các đơn vị thay vì đợi lực lượng đó phục hồi, đòi hỏi khả năng bảo trì của Liên Xô phải cao để đảm bảo vũ khí được vận hành tốt, sửa chữa không phải vấn đề lớn vì Liên Xô đa phần muốn thay thế thiết bị hư hỏng thay vì sửa chữa chúng. Thêm nữa, nhằm hạn chế sự cần thiết của bảo trì, các đơn vị Liên Xô thường tiết kiệm các loại trang bị và luyện tập bằng những phần nhỏ của trang bị đó hoặc bằng các mô hình cũ của cùng loại vũ khí. Việc này giúp các vũ khí mới còn nguyên sơ, sẵn sàng dùng được khi có chiến tranh. Kết quả là các đơn vị thiện chiến nhất của Liên Xô thường có khả năng bảo trì cao vẫn ít khi sửa chữa vũ khí. Sửa chữa đa phần tập trung ở cấp tập đoàn quân và phương diện quân, khi mà phải thay thế cả một đơn vị sau khi mất khả năng chiến đấu.
Tham khảo thêm:
“Armies of Sand: The Past, Present, and Future of Arab Military Effectiveness,” của Kenneth Pollack.
“Soviet Ground Forces: An Operational Assessment” của John Erickson.