Học thuyết đối ngoại Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh và sự nổi lên của các lực lượng cánh tả trên thế giới.
#họcthuyết #liênxô #mỹ #châuphi
”Sau khi Liên Xô sụp đổ, các lực lượng cánh tả, chủ nghĩa Xã hội nổi lên ở nhiều nơi”. Câu nói tưởng chừng hết sức vô lý này lại đúng là những gì đã xảy ra. Thực tế là sau sự sụp đổ của khối XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, ở nhiều khu vực khác lại chứng kiến sự trỗi dậy của các lực lượng cánh tả, chủ nghĩa Xã hội mới, dĩ nhiên là có khác biệt với các mô hình Xô Viết cũ, cũ thể ở đây là khu vực Châu Phi và Mỹ Latin. Sự xuất hiện của các thế lực mới này, không những không bị chính quyền Mỹ ngăn cản, mà thậm chí còn ủng hộ.
Bài viết này muốn giải thích điều tưởng chừng phi lý trên, thông qua giới thiệu học thuyết Ngoại giao Hoa Kỳ sau chiến tranh Lạnh, thường được biết là ”Học thuyết Clinton”. Đồng thời, giới thiệu 2 xu thế điển hình trong sự nổi lên của các lực lượng cánh tả, đó là ”Thế hệ Lãnh đạo mới” ở Châu Phi và “Thủy triều hồng” ở Mỹ Latin.
Phần I: Học thuyết Clinton và chính sách đối ngoại mới của Mỹ.
1/ Sự kết thúc của Học thuyết Reagan.
Nếu đã đọc một bài viết trước đây, bạn sẽ có được cái nhìn tương đối đầy đủ về học thuyết Reagan của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 1980 đến hết chiến tranh Lạnh. Về cơ bản, học thuyết Reagan do tổng thống Reagan đề xuất đẩy mạnh việc chống lại các nước XHCN bằng việc tài trợ cho các nước, các nhóm vũ trang chống Liên Xô và các đồng minh ở nhiều khu vực như Afghanistan, Châu Phi, Trung Mỹ,…Cùng với đó, dưới thời Reagan, chi tiêu quốc phòng cũa Mỹ tăng nhanh, ý định kéo Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém mới.
Học thuyết Reagan vẫn được duy trì dưới thời Tổng thống George H.W. Bush hay gọi vui Bush ”cha”. Đến cuối cùng, học thuyết này đã thu được quả ngọt, khi đã khiến Liên Xô kiệt quệ đến mức sụp đổ, kéo theo khối XHCN tan rã ở Đông Âu, một phần châu Phi (như Ethiopia, Somali,…), châu Á (như Mông Cổ, Nam Yemen,…). Câc nước XHCN còn lại buộc phải thay đổi, cải cách như ở Angola, Nicaragua, Mozambique,…Từ lúc này, Mỹ được coi là siêu cường duy nhất còn lại, duy trì tham vọng thống trị thế giới.
Đây được coi là một trong những Chiến thắng lớn trong các học thuyết ngoại giao của các đời Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, di sản mà nó để lại cũng không phải là dễ chịu. Liên Xô sụp đổ nhưng từ các nhóm vũ trang được hỗ trợ trước đó, chủ nghĩa khủng bố lại nổi lên đe dọa nước Mỹ. Các nước Trung Mỹ hứng chịu bạo lực dai dẳng. Còn trong chính nước Mỹ, ngân sách quốc phòng cao trong nhiều năm làm tăng lo ngại với nền kinh tế. Người ta bắt đầu lo ngại, nếu phải can thiệp vào nhiều nơi hơn nữa, nền kinh tế Mỹ sẽ không chịu nổi.
Mối quan tâm đó của người Mỹ đã được thể hiện trong cuộc bầu cử Tổng thống 1992. Tại đây, ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton đã đánh bại đương kim Tổng thống Bush ”cha” của đảng Cộng Hòa. Người dân Mỹ đã bầu cho Bill Clinton do chính sách đối ngoại giảm bớt can thiệp mà ông hứa hẹn.
2/ Học thuyết Clinton
Không có phát biểu thống nhất nào cho Học thuyết của Clinton. Nhưng dựa vào các phát biểu quan trọng của ông, người ta có thể tóm tắt học thuyết Clinton là ”chỉ can thiệp những gì ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia”. ”Lợi ích quốc gia” ở đây được Clinton đưa ra để phân biệt với ”lợi ích nhân đạo”. Theo đó, ”lợi ích quốc gia” của Clinton là những lợi ích:
”… không ảnh hưởng đến sự sống còn của quốc gia chúng ta [nước Mỹ], nhưng có ảnh hưởng đến hạnh phúc quốc gia của chúng ta và của thế giới chúng ta đang sống. Các lợi ích quốc gia quan trọng bao gồm, ví dụ như, các khu vực nơi chúng ta có cổ phần hoặc hợp đồng kinh tế lớn với các đối tác, bảo vệ môi trường toàn cầu khỏi tác hại nghiêm trọng và những khu vực khủng hoảng với nguy cơ tạo ra dòng người tị nạn đáng kể và gây bất ổn…”
Lời tuyên bố này không vạch ra được chính xác nơi nào là nơi cần thiết phải can thiệp. Tuy nhiên, trong một phát biểu khác, có thể coi một số nơi ”không đáng can thiệp” đã được đưa ra. Cụ thể, Clinton có nói:
” Chúng tôi thực sự không có hứng thú với những người sống ở thung lũng này hay thung lũng khác ở Bosnia, hoặc người sở hữu một dải đất ở vùng Sừng châu Phi , hoặc một mảnh đất khô cằn bên sông Jordan…”
Theo đó, người ta cho rằng những khu vực như Bosnia, Somali hay Palestine là những nơi mà người Mỹ không có lợi ích, nên sẽ không cần phải can thiệp. Vì vậy, ban đầu nhiều người đã chỉ trích Học thuyết của Clinton là mang tính phân biệt nặng nề.
Ngoài ra, chính sách dưới thời Clinton còn đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, giúp tăng trưởng nền kinh tế trong nước Mỹ và thúc đẩy toàn cầu hóa. Dưới thời Clinton, hơn 300 thỏa thuận thương mại đã được ký kết. Trong nhiều cách mô tả, người ta coi đơn giản chính sách của Học thuyết Reagan là thiên về đối ngoại, còn của Clinton là thiên về đối nội.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn, học thuyết Clinton đã vấp phải nhiều trở ngại hết sức to lớn, khiến nhiều chính sách phải thay đổi trong đó dẫn đến nhiều cuộc can thiệp mới của Mỹ. Đến năm 2001, học thuyết Clinton coi như sụp đổ và được thay thế bởi Học thuyết của Tổng thống George W. Bush hay Bush ”con”, trong đó đảo ngược chính sách hạn chế can thiệp dưới thời Clinton.
3/Tác động và ảnh hưởng của Học thuyết Clinton.
Học thuyết Clinton có thiên hướng đối nội rõ ràng, tập trung vào các vấn đề trong nước của Mỹ đặc biệt là nền kinh tế. Vì vậy dưới thời Clinton, ngân sách quân sự giảm bớt, nền kinh tế Mỹ được giữ ổn định và xu hướng toàn cầu hóa được thúc đẩy. Thậm chí nhiều chính sách đối ngoại bị đảo ngược để ưu tiên đối nội. Ví dụ như việc chính quyền Mỹ từ chối trừng phạt Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn, để đối lấy xuất khẩu của Mỹ vào nước này, hay việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam.
Thành công trong các vấn đề đối nội đã giúp tổng thống Clinton đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 năm 1996.
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với đó là các vấn đề đối ngoại hết sức phức tạp để không được giải quyết thỏa đáng, thậm chí bị bỏ mặc. Sau này, chính quyền Clinton đã bị các nước chỉ trích rất nhiều về chính sách đối ngoại sai lầm, dẫn đến nhiều hậu quả đôi khi vô cùng thảm khốc. Dưới đây, xin giới thiệu một số sự kiện chịu ảnh hưởng của Học thuyết Clinton.
*Cuộc can thiệp vào Somali năm 1993
Vào tháng 12 năm 1992, quân đội Mỹ đã có mặt ở Somali trong sứ mệnh của Liên Hợp Quốc. Vào lúc đó, đất nước Somali đang chia rẽ và hỗn loạn sau sự sụp đổ của chế độ XHCN. Các lãnh chúa chia nhau kiểm soát các khu vực và đánh lẫn nhau, khiến người dân Somali rơi vào khủng hoảng nhân đạo.
Tuy nhiên, như phát biểu ở trên, chính quyền Clinton đã khoanh vùng Sừng châu Phi (tức Somali) vào vùng ”không có lợi ích quốc gia”, hay ”chỉ có lợi ích nhân đạo”. Chính vì vậy, chính quyền Mỹ lúc đó rất bối rối trong việc có mạnh tay can thiệp tấn công các lãnh chúa Somali hay không. Sự thiếu nhất quán này làm cho quân đội Mỹ ở Somali rất khó khăn trong hành động. Lực lượng quân sự liên tục bị điều chỉnh, rất ít khi được tăng cường. Điều đó được coi là một trong những nguyên nhân mà ngày 3/10/1993, quân đội Mỹ đã có một trận chiến không thành công với các phiến quân ở thủ đô Mogadishu của Somali. Trận chiến làm 19 quân nhân Mỹ thiệt mạng, và xác của họ bị phiến quân công bố trên khắp thế giới.
Trận Mogadishu là thất bại đau đớn nhất của quân đội Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam. Sau trận chiến, người ta dồn hết chỉ trích vào Tổng thống Clinton và Đảng dân chủ, do đã không thể đưa ra một chính sách nhất quán về việc can thiệp quân sự vào Somali. Sau hàng loạt những tranh cãi nảy lửa trong chính quyền giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa, tổng thống Clinton đã quyết định: rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Somali.
Rõ ràng, quyết định rút quân đảm bảo sẽ không có thêm mất mát cho lính Mỹ, nhưng chắc chắn để lại hậu quả lâu dài cho Somali. Do không còn sự can thiệp của Mỹ và các nước khác, Somali tiếp tục chìm sâu trong chiến tranh và bạo lực, rồi trở thành vùng đất cho các nhóm cực đoan.
*Cuộc diệt chủng Rwanda
Đây chính là sự kiện bi thảm nhất lịch sử thế giới thời bấy giờ, và là một trong những sự kiện khiến chính phủ Mỹ bị chỉ trích kịch liệt đến tận ngày nay. Nó cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự kiện Somali năm 1993.
Vào đầu năm 1994, nước Rwanda đang trong cuộc nội chiến giữa một chính phủ của người Hutu và quân nổi dậy RPF của người Tutsi. Tình hình kinh tế khó khăn trong năm 1994 làm chính phủ Hutu đứng trước nguy cơ thất bại.
Trong khi chính phủ Hutu được người Pháp chống lưng, quân nổi dậy RPF, mà cụ thể là thủ lĩnh Paul Kagame lại là đồng minh thân cận của chính quyền Clinton. Paul Kagame vốn là một nhân vật người Tutsi cấp tiến, được đánh giá cao, được người Mỹ tin tưởng nếu làm lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước Rwanda thành công như nước láng giềng Uganda do Tổng thống Museveni, một đồng minh khác của chính quyền Clinton đứng đầu.
Tuy nhiên, cũng như Somali, Rwanda là một đất nước châu Phi không có nhiều tài nguyên, đói nghèo, lạc hậu. Chính quyền Mỹ dĩ nhiên liệt Rwanda vào danh sách ”không có lợi ích quốc gia”, nên không sẵn sàng can thiệp để giúp đỡ RPF, kể cả khi có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Rwanda chuẩn bị cho một cuộc thảm sát người Tutsi và lãnh đạo RPF Paul Kagame đã khẩn cầu người Mỹ can thiệp.
Tháng 4 năm 1994, nỗi sợ biến thành sự thật. Những kẻ cực đoan Hutu trang bị vũ khí tràn ra được giết hại gần hết dân số người Tutsi của đất nước Rwanda. Bất chấp sự tàn bạo của những kẻ diệt chủng, thậm chí giết hại hàng chục binh sĩ Liên Hợp Quốc, lời kêu gọi can thiệp của quốc tế, chính quyền Mỹ đã chọn đứng ngoài cuộc diệt chủng này. Thậm chí quân đội Mỹ đóng ở Zaire ngay cạnh Rwanda đã được lệnh án binh bất động. Một phần lý do có thể là lo sợ một cuộc can thiệp thất bại như ở Somali tái diễn.
Hậu quả của sự không can thiệp là gần 1 triệu người, chiếm 1/8 dân số Rwanda đã bị sát hại. Sau đó, quân RPF đã tấn công chính phủ Hutu để trả thù. Dưới sự lãnh đạo của Paul Kagame, quân RPF đã lật đổ được chính phủ Hutu. Nỗi lo sợ bị trả thù đã đẩy tiếp 2 triệu dân thường Hutu bỏ chạy sang các nước láng giềng. Đến lúc này, quân đội Mỹ mới bắt đầu viện trợ cho người tị nạn. Vai trò lớn trong việc cứu sống 2 triệu người tị nạn Hutu tránh khỏi trả thù, thuộc về quân đội Pháp.
Sau sự kiện kinh khủng này, nước Mỹ đã hứng trọn những chỉ trích dữ dội nhất, bao gồm cả từ những nước đồng minh. Chính quyền Clinton bị chỉ trích là ”nhu nhược”, ”đớn hèn”, hay ”chỉ quan tâm đến dầu mỏ”,…Bản thân tổng thống Clinton cũng bị phê phán nặng nề, và ông cũng đã tự nhận lỗi về mình.
Sau này, trong chuyến thăm đến Rwanda năm 1998, tổng thống Clinton đã nhận trách nhiệm về mình, và tuyên bố quyết định không can thiệp vào Rwanda năm 1994 là sai lầm lớn nhất sự nghiệp của ông, và cam đoan rằng thảm kịch ở Rwanda sẽ không bao giờ lặp lại.
*Vấn đề Bosnia và Kosovo
Trong một tuyên bố không chính thức, Bill Clinton từng cho rằng sau chiến tranh Lạnh, ”Nam Tư và vùng Balkan không còn là ưu tiên của Mỹ” và ”nên để châu Âu tự giải quyết các vấn đề châu lục họ”.
Vì điều này, mà từ khi cuộc chiến tranh ở Nam Tư bùng nổ năm 1991, qua một số cuộc chiến ở Slovenia, Croatia, Bosnia, người Mỹ vẫn không có hành động gì đáng kể. Dù Slovenia và Croatia đã chiến thắng và giành độc lập, nhưng đến cuộc chiến Bosnia thì người Serb lại có vẻ thắng thế trước người Bosnia. Trong khi Tây Âu coi người Serb và tổng thống Milosevic của Nam Tư là kẻ thù, Bill Clinton lại tuyên bố ”không hứng thú với Bosnia”.
Do không được hỗ trợ, người Bosnia đứng trước nguy cơ thất thủ trước người Serb, và thậm chí nhiều nơi dân thường Bosnia đã bị thảm sát dã man. Nhưng phải đến khi hứng hàng đống ”gạch đá” sau sự kiện ở Rwanda, chính quyền Mỹ mới bắt đầu để tâm đến sự khốn cùng của người Bosnia.
Bắt đầu bằng việc công khai thù địch người Serb, chính quyền Mỹ đã cung cấp vũ khí cho người Bosnia. Để giúp đỡ hơn nữa, Mỹ và NATO đã tiến hành một số vụ không kích người Serb. Đến tháng 3 năm 1994, Mỹ đứng ra giàn xếp thỏa thuận, ngừng chiến giữa người Bosnia và người Croat, buộc 2 phe bắt tay nhau chống người Serb. Đến năm 1995, sau khi các cuộc không kích của Mỹ gây thiệt hại nặng, người Serb đã chấp nhận đàm phán, công nhận độc lập của Bosnia. Chiến tranh Bosnia kết thúc.
Dù được coi là bước tiến trong chính sách đối ngoại, cuộc chiến Bosnia vẫn còn một vết nhơ với người Mỹ. Đó là cuộc thảm sát Srebrenica. Vào tháng 7 năm 1995, thị trấn Srebrenica bị quân Serb bao vây. Trong thị trấn có lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tin tưởng rằng quân Mỹ và NATO sẽ gây áp lực không để quân Serb tấn công. Nhưng khi quân Serb do viên tướng tàn ác Ratko Mladić chỉ huy tấn công thị trấn, đã không có hành động nào của Mỹ và NATO ngăn hắn lại. Hậu quả là Ratko Mladić đã tàn sát 8.000 người dân Srebrenica , thậm chí sát hại lính LHQ và còn buộc chỉ huy của LHQ phải ”ăn mừng thắng lợi” cùng hắn.
Một lần nữa, chính sách ”không can thiệp” của Mỹ lại để lại hậu quả nhân mạng to lớn.
Đến năm 1999, một kịch bản khá giống được lặp lại. Chính quyền Mỹ đã ném bom Nam Tư để ủng hộ Kosovo giành độc lập. Lần này, sự can thiệp của Mỹ rất dứt khoát và nhanh gọn, sau quá nhiều sai lầm trước kia.
*Một số sự kiện khác
-Chính quyền Clinton đã có vai trò quan trọng trong việc sắp xếp thỏa thuận kết thúc xung đột ở Bắc Ailen. Thỏa thuận tên là ”Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh” đã cơ bản kết thúc một trong những cuộc xung đột nhức nhối nhất ngay trong lòng khối NATO.
-Đích thân tổng thống Clinton đứng ra đàm phán Hiệp ước hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine, được coi là một chiến thắng ngoại giao ”ít ỏi nhưng vĩ đại nhất” của Mỹ ở Trung Đông. Thỏa thuận từng mở ra cơ hội giải quyết cuộc xung đột nan giải nhất thế giới ở Palestine. Nhưng đến nay, có thể nói hiệp định Oslo đã phá sản ít nhiều.
-Năm 1995, khủng hoảng Eo biển Đài Loan bùng nổ khi Hải quân của CHND Trung Hoa uy hiếp đảo Đài Loan trước kì bầu cử Tổng thống. Lúc đó, người ta lo sợ chính sách ”không can thiệp” của Clinton cộng với mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc có thể khiến Đài Loan bị ”bỏ rơi”. Nhưng không, lần này người Mỹ rất kiên quyết, đã gửi tàu sân bay đi qua cắt mặt hải quân CHND Trung Hoa. Hành động cứng rắn bất ngờ này khiến CHND Trung Hoa từ bỏ ý đồ tấn công Đài Loan và thừa nhận ”không thể chống lại Hàng không mẫu hạm Mỹ”.
Về cơ bản, học thuyết Clinton của chính quyền Mỹ gây ra một số ảnh hưởng có cả lợi ích lẫn hậu quả với thế giới. Nhưng một mặt, học thuyết này cũng có tác động trong việc đẩy lùi chủ nghĩa bảo thủ, dẫn đến sự nổi lên của một số lực lượng cánh tả trên thế giới. Điều này sẽ được giới thiệu ở phần sau.
(Còn nữa)
Ảnh: tổng thống Bill Clinton