Học sử để làm gì – Học để làm gì?

Cá nhân tôi nghĩ, bản thân câu hỏi này là hậu quả của một cách giáo dục sai lầm mà chúng ta tới giờ chưa biết cách nào xử lý. Việc học vốn bắt nguồn từ nhu cầu. Con người tự tìm, tự trang bị thêm kiến thức để có thể xử lý vấn đề mà họ đang quan tâm. Nghĩa là câu trả lời đã có từ trước khi họ học, chứ không phải sau khi. Học trước rồi mới hỏi học cái này để làm gì vốn đã là một hành động trái logic rồi.

Bản chất lịch sử là ghi chép, nghiên cứu các kinh nghiệm, thông tin mà đời trước truyền lại. Dựa vào nó, chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề và cách xử lý vấn đề. Nói cách khác, “ lịch sử” thực ra là tên gọi chung/ cha đẻ của rất nhiều môn học “ thực dụng” khác như y học, kinh tế học, quản trị học, tâm lí học,… Vì thử hỏi, có môn học nào chẳng phải là đúc kết của những kinh nghiệm bao đời truyền lại?

Học sử là để tham khảo, rút tỉa kinh nghiệm của người xưa. Bản thân lịch sử cung cấp thêm cho chúng ta những thông tin để ta có thể tìm câu trả lời. Chứ đáp án nhiều khi không nằm trong những trang sử. Chúng ta kế thừa cha ông, chứ không phải sao chép hay sùng bái họ. Đó là thứ khiến chúng ta khác biệt với đám nhà Nho xưa, những kẻ chỉ biết sao chép và sùng bái quá khứ. 

———————–

“ Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí.”.

Con người càng có hiểu biết, thế giới quan của họ càng rộng. Họ càng có xu hướng nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, điềm tĩnh. Điều này không chỉ áp dụng với các môn xã hội, mà còn cả các môn tự nhiên. Mà thực ra, ranh giới vốn là không có, vì các mảnh kiến thức luôn kết nối chặt chẽ với nhau.

Không tin ư? Hãy thử tự so sánh xem. 

– Một kẻ đọc dăm ba bài báo về Nguyễn Trường Tộ sẽ nghĩ gì? Là “ nếu Việt Nam cải cách gì giờ ta đã giàu như Nhật”, hoặc “ phương Tây có súng, nhà Nguyễn thua là tất yếu”.

– Một người từng biết không chỉ Minh Trị duy tân, mà còn cải cách Mindon, cải cách Ethiopi, số thuế thực thu hàng năm thời Nguyễn, phong trào nổi loạn thời đó,…sẽ nghĩ gì? Họ sẽ thấy việc cải cách tuy không phải tuyệt vọng, nhưng là rất khó khăn. Họ sẽ thấy Tự Đức vô năng bạc nhược, nhưng không phải hoàn toàn vì điên khùng hay ngu ngốc mà không chịu cải cách. 

Nếu bạn chỉ đọc sự kiện lịch sử “ ta tốt – địch xấu” mà không nghiên cứu về kinh tế, về kỹ thuật quân sự ( liên quan đến vật lý) đương thời. Thì bạn làm sao nhìn ra được rõ ràng tương quan Nguyễn – Pháp lúc đó? Để nhìn thấy trách nhiệm của vua quan Tự Đức nằm ở đâu trong thất bại chung? Bạn sẽ chỉ chôn cả cuộc đời trong những suy nghĩ ấu trĩ và quy kết hoặc xu nịnh một cách hàm hồ mà thôi. Hiểu sai quá khứ, bạn sẽ tiếp tục ảo tưởng trong hiện tại, với những giấc mơ kiểu “ chỉ cần ABC thì Việt Nam sẽ đứng top thế giới.”.

———————

Như vậy, lần tới, thay vì hỏi “ học sử để làm gì?”. Chúng ta lẽ ra nên hỏi “ bạn đang có công việc gì? Cần phải tra cứu mảng nào trong lịch sử?”

• Copper Sheathing: Bọc đồng tàu. Một biện pháp để bảo vệ con tàu khỏi các sinh vật biển phá hoại. Một vấn đề liên quan đến…sinh học và hàng hải. Nếu bạn không có kiến thức về hai mảng đó, bạn sẽ ảo tưởng “ tàu bọc đồng” là “ tàu thiết giáp”.

Ờ, mà tôi thật sự nghi ngờ những người soạn SGK và nhà báo Việt Nam biết Copper Sheathing là cái gì để mà giải thích cho bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *