Chủ nhật, ngày 13/07/2025 08:17 GMT+7
Tào Nga Chủ nhật, ngày 13/07/2025 08:17 GMT+7
Kỳ thi lớp 10 công lập đã kết thúc và kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học đang dần đến ngày công bố kết quả… Mỗi kỳ thi, với nhiều học sinh đó là nỗi ám ảnh khi thi trượt.
Thi trượt gây áp lực cho nhiều học sinh
Một học sinh thi trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 ở Hà Nội thổ lộ: “Kỳ thi tuyển sinh vào 10 khép lại nhưng may mắn không mỉm cười với em. Em thiếu 1 điểm để đỗ vào trường con mong muốn. Tuy nhiên, khi thấy em trượt, các bạn tách em ra khỏi nhóm. Em nghĩ là bạn bè phải động viên nhau nhưng họ lại thay đổi thái độ rất đột ngột.
Không chỉ dừng lại ở đó, bác em cũng có con trai đi thi và đỗ vào trường chuyên. Bác ấy rất tự hào và đã đi kể khắp nơi. Một người bố tự hào khi con đỗ đạt thì đó là chuyện quá bình thường, nhưng bác ấy luôn lôi em vào và nói “Nó phải học trường ABC, không biết học hành thế nào”. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, rồi đến tai bố em. Bố đã mắng em 1 trận vì đã làm mất mặt bố. Em cũng hiểu rằng giờ bản thân mình không tốt nên không có quyền được phản bác, em. chỉ đơn giản là nhịn nó xuống và chịu đựng. Nhưng một đứa trẻ như thì làm sao mà chịu đựng được đủ thứ chuyện như thế?

Nhiều lúc em thấy tủi thân lắm. Em không hiểu tại sao chỉ vì không đỗ nguyện vọng 1 mà mọi thứ đều quay lưng, hắt hủi? Kể từ hôm biết điểm, đã hơn 2 lần em nghĩ đến chuyện “kết thúc bản thân” nhưng lý trí đã kéo em lại”. Rất may ngay sau khi nhận được nhiều lời động viên, em học sinh này đã vững tinh thần.
Câu chuyện của em học sinh trên cũng là câu chuyện chung của nhiều học sinh khác ở nhiều thế hệ khác nhau. Cuộc thi áp lực, sức cạnh tranh lớn, kỳ vọng cao… đã dồn lên vai những đứa trẻ khao khát được đi học và không bị xem là thất bại chỉ vì trượt cấp 3 công lập, trượt đại học. Nhiều em vượt qua được cú vấp ngã nhưng một số em nghĩ đến tiêu cực, dằn vặt bản thân suốt thời gian dài.
Lực chọn tự đứng dậy hoặc nằm dài ra đó chờ có ai đến?
Trước áp lực thi cử và nỗi buồn sau khi thi trượt của nhiều học sinh, bà Hoàng Thị Thu Nhiên, Giám đốc trung tâm hỗ trợ tâm lý và huấn luyện phát triển cá nhân Better Minds, tư vấn: “Ba mẹ có con không đỗ nguyện vọng 1 trong kỳ thi khắc nghiệt nhất cuộc đời học sinh vừa qua chắc giờ này đều ít hay nhiều đang không vui ở trong lòng hoặc nghiêm trọng hơn là trách móc con, so sánh con, dằn vặt con…
Nhưng có một sự thật không thể chối cãi là: Kỳ thi này không phản ánh con là ai, không quyết định cuộc đời con! Thứ làm nên cuộc đời con là cách con vượt qua những ngày tháng trong thời gian tới như thế nào? Con sẽ học tập với thái độ ra sao? Và rèn luyện bản thân như thế nào?… Đó mới là điều làm nên cuộc đời con.
Vì thế mà con cần vòng tay và tình yêu thương của ba mẹ hơn bao giờ hết! Sóng lớn đến đâu ở ngoài kia, bạn bè có chê bai con thế nào thì ba mẹ là nơi con tìm về. Ôm con vào lòng, nói lời tin tưởng vào thái độ và hành động của con… mới là điều ba mẹ cần làm trong giai đoạn này.
Với học sinh, khi vấp ngã, người ta có thể lựa chọn tự đứng dậy hoặc nằm dài ra đó chờ có ai đến kéo mình đứng lên. Kỳ thi này không may các em đã vấp ngã, vậy các em sẽ đứng lên bằng tất cả lòng tự tôn của mình chứ? Các em có quyền lựa chọn đứng lên hay để ai quyết định các em có được đứng lên hay không? Điều này tuỳ thuộc vào chính các em.
Thi trượt không có gì đáng xấu hổ, thái độ sống, thái độ học tập kể từ sau cú trượt đó mới đáng để lưu tâm.
Cô gửi các các em một số trích dẫn của những người từng vấp ngã và đã lựa chọn đứng lên: “Vinh quang lớn nhất trong cuộc sống không nằm ở việc không bao giờ vấp ngã mà nằm ở việc đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã” – Nelson Mandela và “Tôi đã thi trượt một số môn nhưng bạn tôi thì đã qua tất cả. Bây giờ anh ta là một kỹ sư trong Microsoft còn tôi là chủ sở hữu của Microsoft” – Bill Gates”.
Thực tế nhiều học sinh đã tự đứng dậy và gặt hái nhiều thành công sau khi thi trượt. Mới đây, nữ sinh từng trượt lớp 10 sau thành á khoa toàn quốc. Đó là em Đoàn Tú Anh, hiện là sinh viên năm Nhất, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngày công bố điểm thi vào lớp 10, Tú Anh “sốc” khi biết mình thiếu 0,9 điểm. Em từng buồn bã, thất vọng, tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng nghĩ “nếu không đứng dậy, mình sẽ tiếp tục trượt dài”, nữ sinh vượt qua mặc cảm để vươn lên. 3 năm sau, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Tú Anh đạt 29,5 điểm, trở thành á khoa khối C00 toàn quốc năm 2024.
Từ những trải nghiệm của mình, nữ sinh cho rằng không vào được trường công lập không phải là dấu chấm hết. “Môi trường cũng quan trọng, nhưng mình mới là người quyết định cuộc đời. Quãng thời gian cấp 3 chỉ là một chặng rất ngắn trên một hành trình rất dài. Tại sao chỉ vì một quãng ngắn không như ý lại cảm thấy không còn lối thoát?”, Tú Anh nói.
Nữ sinh cũng biết ơn “cú vấp ngã” của 4 năm trước đã giúp bản thân học được cách đứng dậy sau biến cố, sự kiên trì và biết giá trị của mình.
“Thành công không chỉ đến từ những con đường bằng phẳng mà đôi khi lại bắt đầu từ những lối rẽ không ngờ tới”, nữ sinh nói.