HỌC GÌ ĐỂ KIẾM VIỆC KHI KHÔNG CHẮC CHẮN MUỐN LÀM GÌ???

Và những câu hỏi khác như: học ra làm trái nghề thì sao? học gì để không lãng phí 4 năm đại học?
( Bài viết khá dài nhưng chất lượng nên mình chia sẻ để những bạn đã và sẽ bước chân vào giảng đường đại học có thể tìm ra định hướng cho bản thân. Bạn nào lười đọc có thể nhẹ nhàng lướt qua 😁)
—————————————-

Ngày đầu tiên đi làm, mình giới thiệu tới từ Việt Nam. Không ai nói gì. Mặc dù đối với mình, là sinh viên quốc tế duy nhất trong chương trình đào tạo quản lý là điều khá đặc biệt. Nhưng tới khi nói mình học ngành não bộ học thì tất cả mọi người đều ồ lên. “Hả, tại sao bạn lại ở đây?!?” Với nhiều người, học về não rồi đi bán giày có vẻ không liên quan lắm. Rốt cuộc thì học ngành gì có quan trọng không? Và nên học gì để dễ kiếm việc sau này?

​Nếu bạn không phải một trong số rất ít những người may mắn biết được khi còn ngồi trên ghế đại học là muốn học và làm gì cho tương lai, đây sẽ là câu hỏi nhức nhối quay đi quẩn lại không ít lần. Những bạn “may mắn” này thường muốn làm những công việc rất chuyên môn, vì thế ngành học phải liên quan, ví dụ như học sinh học để làm bác sĩ, kế toán để làm kế toán, lịch sử để làm nhà sử học, kinh tế để làm nhà kinh tế học. Để theo đuổi những nghề này thì thường sẽ phải học lên cao và đi theo nghiên cứu, được gọi là đi theo con đường học thuật.

Số đông còn lại, những người không muốn đi theo học thuật hoặc làm việc chuyên môn như máy tính, kế toán, thường sẽ chỉ có một ý tưởng rất mờ nhạt và không chắc chắn về công việc mình muốn làm và ngành mình học có thích hợp hay không. Mình nằm trong nhóm này và với mình, học ngành gì không thực sự quan trọng. Hãy thử làm một phép tính đơn giản. Ở trường mình – Duke, để tốt nghiệp phải học đủ 34 tín chỉ (khoảng 34 lớp). Một ngành học thường là 11 tín chỉ (khoảng 1/3 tổng số tín chỉ). 4 năm đại học trừ thời gian nghỉ hè thì thời gian đi học sẽ khoảng 36 tháng (3 năm). Nếu giả sử mình dành thời gian cho mỗi tín chỉ là như nhau, thì thời gian học ngành của mình là khoảng 1 năm (tưởng tượng bạn dành 1 năm chỉ để học về một thứ). Câu hỏi đặt ra là: có nhất thiết phải để một thứ mình học trong 1 năm quyết định hết phần đời còn lại sẽ làm gì không?

Thực tế, hệ thống giáo dục đại học Mỹ là hệ thống liberal arts (giáo dục khai phóng) với mục tiêu là dạy học sinh cách nghĩ và giải quyết vấn đề thay vì ghi nhớ thông tin (có thể google hoặc đọc sách bất cứ khi nào). Họ hướng tới điều này bằng cách dạy cho học sinh suy nghĩ một cách đa chiều. Vì thế 2/3 số thời gian còn lại của đại học là học về những kiến thức tổng quát như ngôn ngữ, các môn tự nhiên, xã hội, nghệ thuật mà không liên quan trực tiếp tới một ngành học.

Nếu không phải là ngành học thì điều gì là quan trọng hơn để chuẩn bị bản thân khi tìm việc? Khi mình chọn học Neuroscience, mình không nghĩ tới việc sau này sẽ làm gì với nó. Hầu hết các bạn học ngành này của mình đều đi theo hướng nghiên cứu hoặc trường y. Còn mình muốn làm kinh doanh. Mình chỉ nghĩ đơn giản, nếu phần đời còn lại sẽ làm kinh doanh, tại sao không dành 4 năm đại học quý báu để học một cái gì đó khác, mới lạ và thử thách. Nhiều người nghĩ não bộ học và kinh doanh chẳng có gì liên quan tới nhau, làm trái nghề. Có thể, nhưng mình không quan tâm.

​Mình học thứ mình tò mò, và dành thời gian còn lại tập trung nuôi dưỡng những kỹ năng cần thiết và linh động mà có thể sử dụng được trong mọi công việc: kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin (excel, ppt, word, etc.), xây dựng mối quan kệ, luyện tập giải quyết vấn đề, lãnh đạo và làm việc nhóm. Bất ngờ là hầu hết những kỹ năng này mình có được từ những hoạt động ngoại khoá, chương trình tình nguyện của trường, và cơ hội thực tập mùa hè. Ví dụ khi mình lãnh đạo tổ chức sinh viên quốc tế ở trường, mình phải quản lý tài chính, xây dựng mối quan hệ với những bộ phận khác trong trường để có cái nhìn toàn cảnh, lãnh đạo và làm việc với các thành viên khác trong tổ chức, luyện tập việc xử lý vấn đề khi xảy ra bất ngờ. Khi chúng ta chưa chắc chắn về tương lai, việc tốt nhất có thể làm là chuẩn bị bản thân tốt nhất và toàn diện nhất với những kỹ năng linh động (transferrable skills) để khi cơ hội tới, dù nó là gì, ta cũng có thể nắm bắt được. Mình làm thế khi còn đi học, và vẫn đang làm thế với công việc hiện tại.

Khi đi phỏng vấn xin việc, mình rất lo, đơn giản là vì cái mình học không liên quan tới công ty. Đây giống như một bài chứng thực: ngành học không liên quan rồi, liệu những kỹ năng mình đã tích luỹ có giúp đem lại công việc này không? Liệu niềm tin và hướng đi của mình có đúng không? Cuối cùng, các câu hỏi phỏng vấn đều là về giải quyết tình huống và phân tích dữ liệu. Phỏng vấn xong mình tự tay viết thư cảm ơn tới từng người phỏng vấn mình. Khi biết tin được nhận, mình đinh ninh thể nào cũng là nhờ những lá thư tay ấy. Rồi đi làm được mâý tuần thì HR nhắn tin bảo giờ mới nhận được mấy lá thư mình đã gửi mấy tháng trước.

Việc phải học cái A thì mới làm được công việc B đơn giản chỉ là điều mọi người xung quanh cho rằng bạn phải làm. Nó không phải là con đường duy nhất. Có những bạn học lịch sử rồi vẫn vào trường y, học sinh học rồi vào trường kinh doanh, hay học luật rồi đi làm cho công ty bán giày. Đừng để bản thân bị trói buộc trong suy nghĩ của người khác. Nếu bạn không biết mình sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai và có quá nhiều sở thích, hãy cứ học cái bạn THÍCH, tò mò và học tốt nó. Rồi một ngày nào đó biết đâu bạn có thể vô tình liên kết được những cái mình đã học vào một công việc mà có vẻ hoàn toàn không hề liên quan. Khả năng kết nối nhiều lĩnh vực và những góc nhìn khác nhau là một kỹ năng quan trọng trong công việc hiện nay. Còn để tìm việc, thay vì hỏi học ngành gì, hãy hỏi, học kỹ năng gì? Thực sự, 4 năm đại học nên cho chúng ta nhiều giá trị khác hơn chỉ là điểm số và một công việc. Một ngày nào đó, mình muốn có thể nói, học không phải để kiếm việc. Học để tạo ra công việc.

#Quang_đỗ
#ybox
#trainghiemsong_share
Ảnh minh họa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *