Ngày 2/8/1870, ông lệnh cho Thống chế François Achille Bazaine (1811-1888) tiến quân đến thị trấn Saarbrücken và bắt đầu tấn công. Bazaine cho quân đánh vào Saarbrücken nhưng không hiệu quả, hàng ngũ quân Pháp vẫn đang rất lộn xộn, đến nỗi, hàng nghìn binh lính chưa xác định được vị trí đơn vị của mình. Lực lượng tiếp viện từ Bắc Phi và Rome, nơi đang bảo vệ Giáo hoàng, vẫn chưa đến.
Trong khi bệnh tật làm Hoàng đế mất đi sự minh mẫn, Thống chế Bazaine thay đổi chiến thuật, ông lệnh cho ba sư đoàn của tướng Charles Auguste Frossard (1807-1875) vượt sông Saar. Frossard cho quân đánh vào một tiền đồn nhỏ của liên quân Đức ở phía tây Saarbrücken, được bảo vệ bởi một trung đoàn Fusilier và một lực lượng nhỏ Kỵ binh Uhlans từ Tập đoàn quân số 1.
Sau ba giờ giao tranh, liên quân Đức thua, tổn thất 8 người chết và 68 người bị thương. Saarbrücken cũng mau chóng thất thủ, Frossard cho 23 khẩu pháo nã đạn thị trấn như một cách ăn mừng hơi thái quá. Thông tin về việc mất Saarbrücken bay đi khắp nơi, báo chí Đức chấn động trong khi báo chí Pháp đưa chiến thắng này và Thống chế Bazaine lên mây.
Sau trận pháo kích, 1000 lính Pháp vào đóng ở Saarbrücken nhưng lại rút đi vào ngày 5/8/1870. Về sau, trong hồi ký, Thống chế Bazaine viết: “Một chiến dịch sẽ coi như bỏ đi nếu ta không xác định được điểm nào cần phải chiếm, như tại Saarbrücken chẳng hạn.”
Cùng ngày, khi quân Pháp đánh Saarbrücken, Tổng chỉ huy liên quân Đức, Vua Wilhelm I (1797-1888) viết: “Gửi toàn thể quân đội! Toàn bộ đất Đức đã đứng lên và cùng đoàn kết để chống lại nước láng giếng, vốn đã tuyên chiến với ta một cách bất ngờ mà chẳng có lý do nào cả. Vấn đề cấp thiết bây giờ là phải bảo vệ Tổ Quốc đang bị đe dọa, phải bảo vệ cho cả danh dự, tổ ấm và gia đình của chúng ta. (…) Đức Chúa vĩ đại sẽ luôn ở bên chính nghĩa của chúng ta.”
Ngay khi quân Pháp chuẩn bị bỏ Saarbrücken, liên quân Đức cũng bắt đầu tung đòn đáp trả, họ quyết định tấn công vào thị trấn Wissembourg của Pháp, trung tâm đường sắt huyết mạch, nằm giữa cánh quân của Thống chế Bazaine và Thống chế Patrice de MacMahon (1808-1893). Nếu liên quân Đức chiếm được thị trấn, hệ thống đường sắt ở đây sẽ bị tê liệt và quân Pháp sẽ bị xẻ làm đôi.
40.000 quân Phổ và Bavaria đã sẵn sàng vượt biên giới, trong khi thị trấn Wissembourg chỉ có 5000 lính bộ binh Pháp và một lực lượng nhỏ lính Tirailleur đến từ thuộc địa Algeria bảo vệ.
Ngày 4/8/1870, dưới cơn mưa tầm tã, pháo binh Bavaria bắt đầu pháo kích dữ dội. Bộ binh Bavaria tràn vào thị trấn và đáng giáp lá cà với lính Algeria. Chênh lệch quân số khiến kháng cự yếu dần, liên quân Đức chiếm đồi Gaisberg và sau đó là cả thị trấn. Tướng Pháp là Abel Douay (1809-1870) tử trận. Đến chiều, trận đánh kết thúc, liên quân Đức tổn thất 1500 người, trong khi Pháp chịu thương vong 2300 người và thêm 700 người bị bắt làm tù binh.
Đây là chiến thắng đầu tiên của liên quân Đức trong cuộc chiến nhưng tổn thất của nó khá cao, nhất là ở đồi Gaisberg, quân Pháp phòng thủ trên cao, dùng súng trường Chassepot nã đạn xuống dưới, điều này sẽ còn lặp lại khá nhiều trong cuộc chiến. Súng trường Dreyse càng tỏ ra yếu thế khi tầm bắn ngắn hơn khiến lính Đức phải leo lên cao mới bắt đầu khai hỏa được. Các chỉ huy đã ước tính, nhiều đơn vị của họ đã mất khoảng 50% quân số trước khi bắn đạn về phía kẻ thù. Đặc biệt, các sỹ quan Phổ luôn làm gương cho lính, luôn đi đầu để thúc dục tình thần binh sĩ khiến họ thường ngã xuống đầu tiên.
Chỉ huy Tập đoàn quân số 3, Thái tử Phổ Friedrich Wilhelm Nikolaus Karl (1831-1888) viết trong nhật ký: “Chúng tôi đã mất đi một lượng lớn các sỹ quan và lính nghĩa vụ, những người luôn khao khát được tấn công kẻ thù. Đơn giản bởi họ đã không có sự phòng bị cần thiết.”
Trong khi đó, người lính bộ binh Bavaria Florian Kühnhauser (1844-1919) mô tả: “Hàng đống xác chết chất lên và bốc mùi hôi thối, hàng ngàn con ruồi, nhặng, bu kín vào, các vết máu loang lổ đã chuyển một màu đen xì.”
Chiến thắng Wissembourg đã bẻ quân Pháp làm đôi, chỉ hai ngày sau, liên quân Đức mở thêm một cuộc tấn công nữa. Mục tiêu tiếp theo của họ là thị trấn Wörth do quân của Thống chế MacMahon bảo vệ. MacMahon có 50.000 quân, bao gồm cả tàn binh chạy từ Wissembourg đến.
Ngày 6/8/1870, 88.000 quân từ Tập đoàn quân số 3 ào ạt tấn công. Người lính Pháp tên Saint-Genest mô tả lại trải nghiệm của mình trong đợt pháo kích của Tập đoàn quân số 3: “Đó là một cơn bão lửa, cả cánh đồng chất đống xác chết (…) Cuối cùng, tôi cũng có thể nhìn rõ hơn, tôi định thần lại… Không có tên địch nào cả, mọi thứ vẫn thế, hàng cây linh sam vẫn còn đó.”
Lính Phổ, Bavaria và Württemberg tấn công từ ba hướng. Tuy thương vong nặng nề, nhưng họ vẫn chiếm được các ngôi làng trên đồi Elsasshausen và Frœschwiller. Lữ đoàn Dã chiến Württemberg được lệnh cắt đường rút của quân Pháp nhưng Gustav Freiherr von Starkloff (1852-1918) phớt lờ mệnh lệnh nhưng nhờ thế mà ông lại chiếm được làng Frœschwiller. Tuy lập công, nhưng Bộ Tổng Tham mưu Đức cảm thấy hoài nghi về sự đáng tin cậy của người Nam Đức.
Starkloff không cắt đường rút và lính Đức đang dần kiệt sức đã tạo cơ hội cho kỵ binh Pháp đánh mở đường, yểm trợ bộ binh rút lui. Sau trận đánh, liên quân Đức tổn thất 10.500 người, quân Pháp thương vong 10.000 người và 6000 người bị bắt làm tù binh. Đau đớn hơn cho quân Pháp, Quân đoàn 5 của tướng Pierre Louis Charles de Failly (1810-1892) dù cách chiến trường chỉ 40km nhưng không đến chi viện. Còn với liên quân Đức, chiến thắng Frœschwiller-Wœrth là lần đầu lính Phổ, lính Bavaria và lính Württemberg phối hợp chiến đấu cùng nhau.
Trong khi đó, cách đó không xa về phía bắc, tại Spicheren, 25.000 quân Pháp của tướng Frossard sau khi bỏ Saarbrücken đang cố thủ trên đồi Roterberg. Đồi được quân Pháp gia cố và tăng cường sức mạnh một cách đáng gờm. Đối đầu với họ là 20.000 quân Phổ của tướng Georg von Kameke (1817-1893).
Kameke mù mờ thông tin quân Pháp, đã thúc quân từ dưới đồi chạy lên tấn công, biến trận đánh thành một cuộc thảm sát. Đồi quá dốc và trơn đến nỗi binh lính phải bỏ ủng và dần bò lên sườn đồi. Dù sai lầm về chiến thuật và quân số ít hơn nhưng Kameke vẫn dành chiến thắng do tinh thần và sự dũng cảm của lính Phổ là rất tốt còn sĩ khí quân Pháp đang sụt giảm rõ rệt. Thêm một yếu tố nữa là Quân đoàn 5 Pháp, một lần nữa, dù cách đó không xa nhưng không đến chi viện.
Chiến thắng Roterberg của quân Phổ kết thúc trong tổn thất nặng nề, 4866 người chết, bị thương và mất tích, phía Pháp mất 4000 người. Tướng Phổ Konstantin Bernhard von Voigts-Rhetz (1809-1877) đã chỉ trích người đồng nghiệp Kameke rằng trận đánh của ông là “không thể tin nổi” và “kinh hoàng”, Kameke đã phân tán quá rộng lực lượng của mình trên đồi và mở một cuộc tấn công đẫm máu và không quá cần thiết. Trong khi, nhà sử học Pháp Arthur Chuquet (1853-1925) nhận xét: “Bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi, và mặc dù hành động một cách ngẫu nhiên và không được lên kế hoạch tỉ mỉ (…) người Đức vẫn luôn có lợi thế về sự táo bạo, sự tự tin, tình đồng đội nồng thắm của họ.”
Lính Phổ chết ở đồi Roterberg được chôn cất tập thể ở dưới chân đồi, ngày nay, ngôi mộ ấy đã trở thành di tích lịch sử.
Nhìn chung, ở khúc dạo đầu của cuộc chiến, quân Pháp đang lâm vào thế hết sức khó khăn, tướng Pháp Louis-Jules Trochu (1815-1896) báo cáo về tình hình quân Pháp: “Chỉ bốn ngày đã đủ để hạ thấp nhuệ khí quân đội ta, trong khi tinh thần quân Đức đang lên cao, (và) điều này khiến Hoàng đế của chúng ta chao đảo (…)”
Khi tin thất bại trên chiến trường bay về Paris ngày 7/8/1870, nhà văn Edmond de Goncourt (1822-1896) viết: “(Có) một sự im lặng đáng sợ (…) ở phía chân trời, một Paris ồn ào náo nhiệt dường như đã chết.”
(Còn tiếp)
Viết bài: #LeNguyenVietAnh.
