Hoàng đế Gia Long và công cuộc khai lập triều Nguyễn 200 năm nhìn lại

Phần 1: Công cuộc kiến thiết triều Nguyễn

Sau một phần tư thế kỷ bôn ba, bắt đầu cầm quân đánh dẹp khi mới tròn 15 tuổi, 40 tuổi mới giành được ngôi vị, hơn ai hết vua Gia Long ý thức rất rõ về quyền lực và những mất mát tổn thất khi tranh giành quyền lực. Vì vậy ngay lập tức ông bắt tay vào công cuộc thiết chế bộ máy, xây dựng chính quyền, luật pháp, quy định nghi thức trong triều… Mục đích vừa để thiết lập một tổ chức nhà nước hoàn thiện nhưng trên hết là củng cố quyền lực của triều Nguyễn, một triều đại vừa mới được khai sinh.

Hành chính:

Tại trung ương, vua Gia Long thiết đặt theo chế độ cũ của nhà Lê tức vẫn gồm Lục Bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Đứng đầu các Bộ là Thượng thư, giúp việc cho Thượng thư có Tả Hữu Tham tri, dưới có Tả Hữu Thị lang và các thuộc viên Lang trung, Viên ngoại lang, Chủ sự, Thư lại… Ngoài Lục Bộ còn có hệ thống cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho nhà vua như: Tam Nội viện (tức Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện), Thượng Bảo ty, Đô Sát viện, Thái Y viện, Hàn Lâm viện, Khâm Thiên giám. Ngoài ra vua cho đặt ra Tào chính là cơ quan coi giúp việc thuế khóa, vận tải; đứng đầu có các viên Tào chính sứ và Tào chính phó sứ. Đứng đầu triều không đặt chức danh Tể tướng, nhà vua cũng không đặt ngôi Hoàng hậu, chỉ đặt ngôi Hoàng phi và cung tần.

Tại địa phương, vua Gia Long vẫn giữ nguyên cách phân chia hành chính từ thời các Chúa Nguyễn. Ở đàng Ngoài các cấp hành chính từ cao xuống thấp lần lượt là trấn, phủ, huyện, xã và ở đàng Trong là trấn, dinh, huyện, xã; dưới xã có thể có thôn, trại, ấp, ngoài ra đặt thêm cấp “tổng” ở trung gian giữa huyện và xã. Hai khu vực Bắc bộ và Nam bộ được phân thành các trấn và hợp thành Tổng trấn do 1 viên quan Tổng trấn đứng đầu như Bắc thành Tổng trấn, Gia Định Tổng trấn.

+ Trong đó Bắc thành có 11 trấn gồm 5 nội trấn là Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây và 6 ngoại trấn là Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Quảng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

+ Trấn Gia Định (năm 1808 vua Gia Long đổi là Gia Định thành) gồm có 5 trấn là Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau đổi là Định Tường) và Hà Tiên.

+ Khu vực Trung bộ từ Thanh Hoá đến Bình Thuận phân cấp hành chính theo kiểu quân khu, trong đó lấy Quảng Đức là nơi có Kinh đô làm trung tâm. Đặt Quảng Bình, Quảng Trị làm Hữu dực; Quảng Nam, Quảng Ngãi làm Tả dực gọi là các dinh và gộp 2 cánh Tả dực, Hữu dực với dinh Quảng Đức thành Trực lệ, tạo thành một khu vực quân sự mang tính chiến lược bao bọc và bảo vệ Kinh đô. Ngoài 5 dinh trực lệ, các trấn phía Bắc kinh thành gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là Hữu kỳ; các trấn phía Nam từ Bình Định đến Bình Thuận gọi là Tả kỳ.

Việc thiết triều, vua Gia Long quy định mỗi tháng thiết đại triều 2 lần tại điện Thái Hòa vào các ngày mồng 1 và rằm. Các quan từ Lục phẩm trở lên mặc áo mũ đại triều sắp hàng vào lạy chầu. Thiết thường triều 4 lần tại điện Cần Chánh vào các ngày mồng 5, 10, 20, 25; quan từ Tứ phẩm trở lên mặc áo mũ thường triều sắp hàng vào lạy chầu. Những ngày thiết đại triều tại Hoàng cung, quan các thành và dinh trấn bên ngoài đều phải đến Hành cung ở địa phương bái vọng. Ngoài ra vua Gia Long còn chuẩn định nghi thức trong các đại lễ khánh chúc của triều đình; nghi thức trang phục, nghi thức vào chầu; quy định dùng bảo tỷ, tiền tệ…

Việc quản lý ruộng đất, nhân khẩu, năm Gia Long thứ 3 (1804) nhà vua xuống chiếu cho các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến các trấn ở Bắc thành kê khai làm địa bạ (sổ ruộng đất) đệ nộp. Năm Gia Long thứ 9 (1810) bắt đầu cho lập Địa bạ từ Quảng Bình trở vào Nam. Mục đích lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất. Theo quy định, mỗi địa bạ được làm thành 3 bản Giáp, Ất, Bính; làm xong gửi nộp lên Bộ Hộ đóng dấu. Bản Giáp để lưu chiểu ở Bộ Hộ, bản Ất lưu chiểu ở thành trấn, bản Bính cấp cho các xã giữ làm bằng. Địa bạ được lập một cách có hệ thống và theo mẫu thống nhất trong phạm vi cả nước.

Ngoài ra còn có Đinh bạ là loại sổ để quản lý dân đinh, tuyển lính và một số loại thuế đánh trên đầu người. Theo quy định “phàm suất đinh từ 18 tuổi trở lên, 59 tuổi trở xuống, chiểu thực khai rõ đầy đủ họ, tên, năm sinh chép vào sổ. Các quan văn võ khai rõ chức tước, phẩm hàm; những người đỗ đạt từ Hương cống trở lên; những người là dòng dõi con cháu các công thần triều trước để chiểu theo hạng cho miễn sai dịch” . Đinh bạ cũng được làm thành 3 bản giáp, ất, bính đệ trình.

Luật pháp:

Ngay năm 1802 khi mới định ngôi xong, vua Gia Long đã sai Đình thần tham khảo Luật nhà Lê để biên soạn luật lệnh cho triều đình gồm 15 điều. Mùa thu tháng 7 năm Ất Sửu (1805) vua lại đề xuất biên soạn bộ luật hoàn chỉnh làm căn cứ cho hoạt động hình pháp. Sau đó Hình bộ Thượng thư Nguyễn Tử Châu dâng bản Hình luật, vua triệu các văn võ đại thần tuyên đọc và tự thân xét định. Tuy nhiên bộ hình luật này chưa được ban hành.

Năm Gia Long thứ 10 (1811) vua lại sai Đình thần soạn định luật lệ, lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài, Vũ Trinh làm Toản tu, Trần Hựu làm Hiệp biện Toản tu để biên soạn. Tháng 7 năm thứ 11 (1812) Luật soạn xong gồm 22 quyển, 398 điều. Trong đó Hình danh và Phàm lệ 45 điều, luật Lại 27 điều, luật Hộ 66 điều, luật Lễ 26 điều, luật Binh 58 điều, luật Hình 166 điều, luật Công 10 điều. Vua tự tay xét định và làm bài tựa đặt ở đầu. Bài tựa ngự đề viết: “Trẫm xét thấy bậc thánh nhân xưa cai trị đất nước bằng hình phạt và đức hóa. Hai việc này xưa nay đều không thể thiếu… [Trẫm] xem lại hình luật của các đời thì thấy đời Lý, Trần, Lê của nước Việt ta được hưng vượng, đời nào cũng có điển chế luật pháp của đời ấy. Nhưng đầy đủ nhất phải kể đến đời Hồng Đức [nhà Lê]. Các đời Hán, Đường, Tống, Minh của Bắc triều dựng nên luật lệnh, đời nào cũng có sửa đổi, nhưng hoàn bị nhất là đời Thanh. Vì vậy Trẫm sai các quan trong triều chuẩn theo pháp điển luật lệnh, tham khảo luật thời Hồng Đức và của nhà Thanh, cân nhắc tuyển chọn xem điều nào đáng dùng, điều nào đáng bỏ, biên tập thành sách. Trẫm tự mình xem xét, sửa chữa cho đúng đắn, để ban hành khắp thiên hạ”. Luật bắt đầu được ban hành và áp dụng năm Gia Long 12 (1813), năm thứ 14 (1815) in thành sách luật ban bố rộng rãi gọi là Hoàng Việt luật lệ.

Quân đội:

Sau khi đánh bại Tây Sơn giành được chính quyền, vua Gia Long đã ban thưởng cho các tướng sĩ, cho hưởng chế độ tập ấm đối với con cháu người có công, lập đền thờ những người tử trận, lính già nua được cho giải ngũ về quê quán… Lại đặt ra phép giản binh để đỡ khó nhọc cho dân, các trấn từ Quảng Bình đến Bình Thuận, cứ 3 tráng đinh lấy 1 lính; từ Biên Hòa trở vào, cứ 5 tráng đinh lấy 1 lính; từ Hà Tĩnh trở ra đến Bắc thành, cứ 7 tráng đinh lấy 1 lính. Sáu ngoại trấn gồm Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên, cứ 10 tráng đinh lấy 1 lính.

Theo nhận định của một số người phương Tây thì vua Gia Long là một nhà quân sự có tài. Ông rất quan tâm đến kỹ thuật vũ khí và đóng tàu của phương Tây, thường nghiên cứu và tìm cách học hỏi để chế tác. Vua cũng chủ động nhờ các kỹ sư nước ngoài giúp cho việc xây dựng thành trì kiểu châu Âu để kiên cố và dễ phòng thủ hơn. Dưới thời ông Kinh thành Huế, thành Gia Định, thành Thăng Long hay một số thành lũy tại các tỉnh chủ yếu được thiết kế xây dựng theo phong cách mới, kiểu Vauban. Ông cũng cho tìm hiểu đúc thử các loại súng thần công, thuyền đi biển bọc đồng, vì vậy quân đội nói chung và thủy quân nói riêng thời vua Gia Long là một trong những giai đoạn hùng mạnh dưới triều Nguyễn.

Ảnh: Hoàng Việt luật lệ ban hành năm Gia Long thứ 12 (1813)

Còn tiếp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *