“Người ta nói nhiều về Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có
Nàng ở làng Quỳnh
Nàng lại ở phường Khán Xuân
Mờ mờ tỏ tỏ…”
(Hồ Xuân Hương – người đó là ai? – Hoàng Trung Thông)
Mấy câu thơ ngắn của Hoàng Trung Thông ít nhiều gợi cho người đọc thấy được cái mơ hồ huyền thoại của một nhà thơ nữ hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam mà xưa nay từ dân dã đến trí thức chẳng mấy ai không biết. Người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, thuộc nằm lòng những bài thơ ngâm vịnh về đủ mọi thứ trên đời; giọng thơ tinh nghịch, đùa cợt pha chút mỉa mai thế tục – ấy vậy mà Hồ Xuân Hương sinh trưởng ở đâu, vào thời nào, cuộc đời của Hồ Xuân Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để nên thơ… thì đến nay vẫn chỉ là biện thuyết.
Cuối cùng, chẳng tìm ra Hồ Xuân Hương ra đời vào năm nào và mai táng nơi đâu. Đời chỉ dựa vào văn thơ, tình yêu hoặc những giai thoại truyền khẩu trong dân gian mà giả định tiểu sử của bà, ngoài ra không để lại một chứng tích tài liệu nào khác hơn. Chúng ta biết bà sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, một số nguồn tư liệu viết bà sinh năm 1772, mất năm 1822. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tiến, bà là con của ông Hồ Phi Diễn (1703–1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mẹ của bà là một phụ nữ họ Hà, là một người vợ lẽ.
Năm mười ba tuổi, sau khi thân phụ mất thì Hồ Xuân Hương theo mẹ về làng Thọ Xương đi học rồi ở nhà giúp việc. Bà có một tuổi thơ êm đềm ở dinh thự Cổ Nguyệt đường ven hồ Tây, khi ấy là nơi xa hoa bậc nhất Đàng Ngoài.
Mẹ bà tái hôn với người khác sau khi mãn tang chồng, mặc dù sống trong ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến nhưng Hồ Xuân Hương vẫn có được tư chất thông minh và hiếu học, điều này được bộc lộ ở khả năng sáng tác tuyệt vời của bản thân.
Thơ Hồ Xuân Hương được đánh giá cao với nét thanh thanh tục tục đặc sắc, những tác phẩm của bà đã đóng góp rất nhiều trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật cũng như thể hiện tư tưởng tiến bộ vượt khỏi khuôn khổ thời đại bấy giờ. Hồ Xuân Hương lấy thơ để giễu đời, để miệt thị những kẻ lộng quyền, nói lên những thói hư tật xấu mà xã hội phong kiến đã dung tục, đã bao che. Tư tưởng bung xung của nữ sĩ phản ảnh đích thực cuộc đời mà bà đã sống và thấy.
Bi kịch của Hồ Xuân Hương bắt đầu khi bà làm lẽ Tổng Cóc – cái tên gợi nên cảm nhận về người – nghe tên, người ta tưởng tượng ra dung mạo một người xấu xí về hình vóc, thô bỉ về nhân cách. “Cóc” lại thêm chữ “Tổng” ở trước, khiến ta nghĩ đây hẳn là một tên cường hào ác bá! Thật vậy, Nguyễn Hữu Tiến trong “Giai nhân di mặc”, đã cho là “lúc trẻ Xuân Hương bị mẹ ép phải lấy cường hào Tổng Cóc. Tổng Cóc đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt đã tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng “Khóc Tổng Cóc” lời lẽ trào phúng; bởi đối với ông chồng không xứng ý này nàng chẳng có chút cảm tình nào…” Do tính ăn chơi và tiêu xài hoang phí nên chẳng bao lâu thì nhà cửa sa sút và cộng thêm việc vợ cả ghen tuông vì Tổng Cóc yêu quý tài nghệ Xuân Hương nên bà bỏ đi biệt, chỉ để lại một lá thư từ giã, hai người xem như đoạn tuyệt tình nghĩa phu thê.
“Hỡi chàng ôi hỡi chàng ôi,
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.”
– Khóc Tổng Cóc
Chưa kể, sau khi bỏ nhà Tổng Cóc, bà hạ sinh một người con gái nhưng được ba tháng thì chết yểu, Tổng Cóc có tìm đến đòi con nhưng vô vọng.
Sau này bà tiến đến với ông Phủ Vĩnh Tường, tức Tú tài Phạm Viết Ngạn (nhiều tài liệu ghi Trần Phúc Hiển) và sinh cho ông một đứa con tên Phạm Viết Thiệu, thế nhưng hơn hai năm sau thì người chồng này của Hồ Xuân Hương cũng tạ thế.
Hai lần mất chồng, một lần mất con đã khiến Hồ Xuân Hương thấm thía nỗi đau của những người phụ nữ phải chịu cảnh cô đơn nên khi nghe tiếng khóc từ bà lang, nhà thơ viết ra nhiều câu thơ thể hiện nỗi xót xa và đồng cảm sâu sắc. Xã hội phong kiến hà khắc khiến cho người phụ nữ phải luôn chịu đủ mọi thiệt thòi, họ quan niệm rằng đàn bà chưa chồng mà có con như phạm đại tội, bị cạo đầu bôi vôi suốt đời không xuất giá, thậm chí là phải chết. Vậy mà đối với Hồ Xuân Hương, bà không những không lên án mà còn cất tiếng nói bênh vực họ. Bởi lẽ nhà thơ nhìn thấy được vẻ đẹp thật sự của những người phụ nữ ấy, đó là thiên chức của người mẹ không thể bỏ con mình.
“Không chồng mà chửa ấy mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế gian sự thường.”
– Không chồng mà chửa
Người chồng thứ hai mất, quãng đời của Hồ Xuân Hương bị gắn thêm nhiều giai thoại phong tình. Người có nhiều thơ xướng họa với bà là Chiêu Hổ, nhiều người cho đó chính là Phạm Đình Hổ. Bên cạnh đó, các giai thoại cho rằng Hồ Xuân Hương quen biết nhiều văn nhân tài tử, có nhiều bạn tình khác như Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Thạch Đình, Cự Đình… và cả Nguyễn Du.
Sau cái chết của Phủ Vĩnh Tường, rồi tình yêu lỡ vận với Phạm Đình Hổ, như vậy đời Hồ Xuân Hương đã ăn nằm với ba nhân vật tai tiếng mà rút lại hóa không.
Nhìn vào hình ảnh cuộc đời Hồ Xuân Hương, chúng ta không đòi hỏi một yêu cầu nào khác hơn. Nhưng may thay những bài thơ của bà nói lên hình ảnh trung thực của chân lý, hình ảnh trung thành với cuộc đời. Trước cuộc đời và vũ trụ, tiếng thơ Hồ Xuân Hương được hòa vào thời gian, được gieo vào cung bậc của thơ, được ngâm lên bằng âm thanh chắt lọc cô đọng và thấm sâu vào lòng đất trong một tâm giới của tình yêu, của quả cảm, của xao xuyến, của bứt rứt, của “kinh kỳ”, của chuyển động cơ thể tạo nên những bộc phá nội tại. Nữ sĩ họ Hồ là một nữ nhi “thông minh vốn sẵn tại trời” (Nguyễn Du). Từ cuộc đời, từ vũ trụ ngoại giới đã ý thức một vũ trụ tâm hồn; cha chết ở tuổi lên mười, rồi tới mẫu thân, rồi lại nhiễu nhương. Những dằn vặt nội tại chính là những bi thương…