Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 19 – 26/4), trên địa bàn thành phố có thêm 15 trường hợp mắc ho gà tại 11 quận, huyện, tăng 14 ca so với tuần trước đó.
Như vậy, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.
Theo CDC Hà Nội, ca bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).
Không ít trẻ họ gà đã nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ đã tiếp nhận 1 bệnh nhi bị ho gà biến chứng nặng.
Bệnh nhi là bé H.T.H (2 tháng tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng tự thở kém, tím nhiều, SpO2 giảm còn 85-86% (chỉ số này ở trẻ khoẻ mạnh phải đạt trên 90%) kèm theo rút lõm lồng ngực nhiều, huyết áp xu hướng tụt, mạch nhanh, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp cấp độ 3.
Đồng thời, xét nghiệm ho gà bằng phương pháp PCR cho kết quả dương tính, trẻ được chỉ định đặt ống nội khí quản, an thần thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, điều trị tăng áp phổi.
Sau 2 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn trong tình trạng nặng nên được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.
Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là ho cơn kèm theo đỏ mặt hoặc tím (cơn ho đặc biệt).
Thạc sĩ Hậu cho biết, bệnh ho gà lây trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp. Bệnh lây mạnh nhất trong giai đoạn viêm long, thông qua giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi.
Trẻ sơ sinh và trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Ho gà nguy hiểm với trẻ em nhưng là bệnh có thể phòng ngừa được. Bác sĩ Trần Thị Thùy Linh – Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất.
Trẻ được tiêm 3 mũi chính khi trẻ 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi; mũi 4 nhắc lại khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ ần đảm bảo tiêm chủng đúng lịch để hạn chế mắc bệnh ho gà và các bệnh khác làm giảm hiệu quả của vaccine.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Võ Lộc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ), để phòng bệnh hiệu quả ngoài tiêm phòng đầy đủ cho trẻ thì bố mẹ cần giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường xung quanh nhà ở sạch sẽ.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện thăm khám định kỳ cho trẻ tại các cơ sở y tế để có thể sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng.
Liên quan đến bệnh ho gà, thời gian gần đây, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine. Theo đó, đối với bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu…) cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.