HIROSHIMA VÀ NAGASAKI: MỸ CÓ THỰC SỰ SAI?

BỐI CẢNH

Vào năm 1945 – năm cuối cùng của Thế chiến 2, khi chiến thắng của Hoa Kỳ ở Mặt trận Thái Bình Dương là điều không cần phải bàn cải nữa, mặc dù Hải quân Nhật vẫn chống trả quyết liệt.

TUY NHIÊN

Mặc dù biết rằng mình không thể thắng trong cuộc chiến được nữa (sau khi thua thảm hại trong Trận Biển Philippines), giới lãnh đạo Nhật Bản vẫn còn hy vọng rằng họ sẽ có thể tránh được thất bại. Biết rằng lãnh đạo và nhân dân Mỹ thường rất nhạy cảm với thương vong quá cao, họ cho rằng chỉ cần gây thương vong lớn cho quân đội Mỹ thì có thể khiến cho lãnh đạo Hoa Kỳ sợ hãi và dừng chiến dịch tấn công vào chính quốc Nhật, cho phép họ kết thúc chiến tranh mà vẫn bảo tồn được danh dự quốc gia và một số lợi ích từ việc xâm lược nước khác. Việc này đã được Bộ trưởng Bộ Lục quân Nhật Korechika Anami, thành viên của Hội đồng Chiến tranh Tối cao giải thích như sau:

“Sẽ không phải có lợi cho ta nếu hoà bình được thiết lập sau khi chúng ta đã gây thiệt hại khủng khiếp cho kẻ thù trong trận chiến quyết định trên chính quốc sao?”

Vì vậy, vào tháng 4 năm 1945, Bộ Tư lệnh tối cao Nhật Bản đã thực hiện Chiến dịch Ketsu-Go (trận chiến quyết định). Đối phó với cuộc tấn công của Mỹ vào chính quốc, quân Nhật xây dựng hàng phòng thủ dày đặc ở Kyushu và Đồng bằng Kanto. Tình báo Hoa Kỳ phát hiện từ giải mã Ultra rằng gần 1 triệu quân lính Nhật đã đóng ở Kyushu. Và gần 10.000 máy bay Nhật được giao cho các nhiệm vụ kamikaze. Họ đang chờ đợi để đối đầu với cuộc tấn công của Mỹ.

Ngoài ra, thông qua Magic – tình báo ngoại giao – các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhận ra rằng giới lãnh đạo Nhật không chỉ từ chối đầu hàng vô điều kiện, mà họ còn sẵn sàng chiến đấu cho đến chết, kể cả hy sinh hàng triệu người của họ để gây thương vong lớn cho Mỹ.

Chính trong bối cảnh này, giới chức Mỹ đã phải tự đặt ra câu hỏi:

“Làm cách nào để giành được chiến thắng với Nhật nhanh nhất mà ít tổn thất nhất.”

Có 5 chiến lược đề đạt được mục tiêu đó và thả bom nguyên tử cũng nằm trong số đó. Và dưới đây là 4 chiến lược còn lại. Hãy xem nó hợp ký không rồi chúng ta đến với vấn đề bom nguyên tử.

1/ ĐẦU HÀNG CÓ ĐIỀU KIỆN:

Tại Hội nghị Casablanca năm 1943, lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh đã tuyên bố sẽ cam kết chiến đấu cho đến khi Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Đánh bại quân đội Đức và Nhật trên chiến trường là chưa đủ, Đức và Nhật phải bị chiếm đóng, và tội phạm chiến tranh của Đức, Nhật phải bị xét xử bởi toà án của phe Đồng minh để triệt tiêu hoàn toàn tinh thần của nhân dân 2 nước này để họ không thể mở một cuộc chiến khác trong tương lai.

Vào tháng 5 năm 1945, Đức Quốc xã đã đầu hàng vô điều kiện, quân Đồng minh chuyển sự chú ý sang Đế quốc Nhật Bản, tìm cách khiến Nhật chịu chung số phận với Đức.

Vào ngày 26 tháng 7 năm 1945, Tuyên bố Potsdam được Truman, Churchill và Tưởng Giới Thạch cùng ban hành gửi chính phủ Nhật Bản. Tuyên bố này yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện và nói rõ ràng rằng:

“Đã đến lúc Nhật Bản tự quyết định liệu họ sẽ tiếp tục bị kiểm soát bởi những cố vấn quân sự hiếu chiến mà những tính toán sai lầm của họ đã đưa Đế quốc Nhật Bản tới bờ vực huỷ diệt hoặc sẽ chọn con đường khác lý trí hơn.”

Tất cả những điều khoản trong đó đều được kiểm duyệt cẩn thận không chỉ để tránh Nhật hiểu sai rằng phe Đồng minh đang cho họ cơ hội để đàm phán mà còn nhấn mạnh rằng Nhật bắt buộc phải đầu hàng vô điều kiện.

Chính phủ Nhật Bản lúc đó bị kiểm soát bởi Hội đồng Chiến tranh Tối cao có tất cả 6 thành viên, trong đó chỉ có Thủ tướng Suzuki và Ngoại trưởng Togo là muốn kết thúc cuộc chiến. Nhưng các thành viên còn lại – gồm Tướng Anami, Tướng Umezu, Đô đốc Toyoda – lại hoàn toàn bác bỏ Tuyên bố Potsdam, ủng hộ tiếp tục cuộc chiến và Ketsu-Go. Bởi vì phe chủ chiến đang kiểm soát quân đội và nắm giữ quyền lực chính trị hơn nhiều so với phe chủ hoà, nên phe chủ hoà không thể làm gì được cả. Cuối cùng, phía Nhật cũng có phản hồi lại nhưng lại dùng động từ “mokusatsu” có thể hiểu theo nhiều nghĩa:

1/ Không quan tâm.

2/ Im lặng.

3/ Không muốn bình luận vào lúc này.

Các nhà lãnh đạo Mỹ – không quen thuộc với sự đa dạng của ngôn ngữ Nhật Bản – coi phản hồi đó như là Nhật từ chối đầu hàng. Họ còn chắc chắn hơn nữa khi Suzuki tuyên bố với báo chí rằng:

“Chính phủ [Nhật Bản] không coi đó là một thứ có giá trị lớn. Và chúng tôi hy vọng cuộc chiến sẽ có kết quả thành công.”

Đối với lãnh đạo Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là Nhật muốn kéo dài của cuộc chiến và làm tăng thương vong: cả hai đều không thể chấp nhận được.

Chính tại thời điểm quan trọng này, một số quan chức Hoa Kỳ đã đòi xem xét giảm nhẹ các điều khoản đầu hàng để cho Nhật dễ chấp thuận hơn. Người đầu tiên đề xuất cho Nhật đầu hàng có điều kiện là Joseph Grew – Bộ trưởng Bộ ngoại giao, được coi là chuyên gia về Nhật Bản trong chính phủ Mỹ. Cụ thể, Joseph Grew đề xuất nên cam kết rằng Nhật hoàng Hirohito sẽ không bị truy tố là tội phạm chiến tranh và vẫn giữ lại chế độ quân chủ. Đề xuất của ông dựa trên cơ sở rằng người dân Nhật rất tôn thờ Hirohito, họ coi Nhật hoàng là thánh sống, người không thể mắc sai lầm và bất khả xâm phạm và những người lính Nhật sẽ sẵn sàng chiến đấu và chết vì Hoàng đế của họ. Theo logic này, việc xử tử Nhật hoàng hoặc làm hại ông bằng cách nào đi nữa sẽ gây ra sự phẫn nộ sâu sắc đối với nhân dân Nhật Bản, khiến cho việc chiếm đóng và tái thiết Nhật Bản sau chiến tranh sẽ trở nên khó khăn, chưa kể rằng các cuộc nổi dậy vũ trang sau này sẽ khiến nhiều người Mỹ và Nhật bỏ mạng hơn nữa.

Ban đầu, đề xuất của Grew đã được một số nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Hoa Kỳ đồng ý. Nhưng nó đã nhanh chóng bị loại bỏ vì một số lý do phức tạp:

1/ Trong khi Suzuki và một số quan chức Nhật Bản coi việc tha cho Nhật hoàng và bảo vệ chế độ quân chủ là đủ để chấp nhận đầu hàng, thì phe chủ chiến và quân phiệt của Nhật trong Hội đồng Chiến tranh Tối cao lại đòi nhiều hơn nữa. Họ muốn:

1. Không chiếm đóng Nhật Bản.

2. Tự giải giáp quân đội.

3. Chính phủ Nhật sẽ tự xử tội phạm chiến tranh của họ.

Tất cả những yêu cầu bổ sung đó là không thể chấp nhận được đối với Mỹ, họ yêu cầu Nhật Bản phải bị chiếm đóng và tội phạm chiến tranh của Nhật bị xét xử bởi toà án phe Đồng minh.

2/ Chính phủ Mỹ sợ rằng nếu giảm nhẹ các điều khoản đầu hàng sẽ khiến việc kết thúc chiến tranh trở nên khó khăn hơn.

Thứ nhất, phe chủ chiến của Nhật sẽ coi đó là dấu hiệu yếu kém của Mỹ. Họ biết rằng sau hơn 3 năm chiến tranh, hiện tại công chúng Mỹ đang rất mệt mỏi với chiến tranh. Nhu cầu xuất ngũ ngày càng tăng. Nếu sự yếu kém đó bị phe chủ chiến của Nhật phát hiện, họ sẽ thực hiện kế hoạch Ketsu-Go hoặc đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được để chấm dứt chiến tranh. Thật tế, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sợ rằng nếu giảm nhẹ các điề khoản đầu hàng sẽ khiến:

“quân Nhật ấn tượng rằng chúng ta đang suy yếu trong quyết tâm của mình và cản trở tất cả những phong trào đòi chính phủ đầu hàng vô điều kiện ở Nhật Bản.”

Ngay cả Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ Henry L. Smithson phản đối đề nghị đầu hàng có điều kiện ngay lập tức vì sợ rằng nó sẽ khiến phe chủ chiến Nhật – với quyền lực chính trị và quân sự tuyệt đối của họ – lợi dụng cơ hội để tiếp tục kéo dài cuộc chiến cho đến khi Mỹ không còn quyết tâm chiến đấu, vào thời điểm đó Nhật có thể ra điều khoản có lợi cho họ để kết thúc chiến tranh.

Thứ hai, nếu đi ngược lại với chiến lược đầu hàng vô kiện, thì sẽ khiến tinh thần chiến đấu của công chúng Mỹ suy giảm. Điều này là vì chiến lược đầu hàng vô điều kiện hiện đang rất được ủng hộ tại Mỹ. Trong suốt cuộc chiến, Văn phòng Thông tin Chiến tranh đã duy trì sự ủng hộ của công chúng Mỹ cho cuộc chiến bằng cách tuyên truyền rằng việc đầu hàng vô điều kiện đối với Mỹ là vô cùng cần thiết:

“Chỉ có sự đầu hàng vô điều kiện [của Nhật] mới có thể đập tan được hết hy vọng của bọn quân phiệt và tham vọng đế quốc của nó.”

Sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với chính sách này là rất cao bởi họ sợ rằng nếu không đầu hàng vô điều kiện, có khả năng chủ nghĩa quân phiệt của Nhật sẽ hồi sinh và dẫn đến một cuộc chiến tranh xâm lược khác:

“Nhật Bản hy vọng lợi dụng sự mệt mỏi với chiến tranh ở Hoa Kỳ để đạt được một thỏa thuận thuận lợi. Quân Nhật sẽ muốn lập một nền hòa bình thỏa hiệp để giữ nguyên vẹn đội quân hiện tại và đủ lãnh thổ và sức mạnh công nghiệp để bắt đầu một cuộc bành trướng xâm lược khác.”

Ngay cả khi người dân Mỹ ngày càng mệt mỏi với chiến tranh, họ vẫn muốn chính phủ Nhật đầu hàng vô điều kiện và gây áp lực lên Truman khi ông lên làm Tổng thống. Hơn nữa, trong một cuộc thăm dò của Gallup được tiến hành vào tháng 6 năm 1945 cho thấy 90% người tham gia ủng hộ chiến đấy cho tới khi Nhật đầu hàng vô điều kiện. Ngoài ra, đa số người Mỹ còn rất ghét Hirohito và đòi Nhật hoàng phải bị tử hình.

Với sự ủng hộ đầu hàng vô điều kiện cao như vậy, giới lãnh đạo Mỹ lo lắng rằng việc đi ngược lại chiến lược đó sẽ có nguy cơ làm giảm tinh thần của người dân và hỗ trợ nỗ lực duy trì chiến tranh của Nhật. Tổng thống Truman đã tuyên bố rằng:

“Tôi tin rằng không gì có thể thay đổi được sự ủng hộ của người dân đối với vấn đề đầu hàng vô điều kiện.”

Với tất cả những lý do trên, cho phép Nhật đầu hàng có điều kiện rất khó để thành công.

2/ CHỜ LIÊN XÔ THAM GIA CHỐNG NHẬT:

Ít nhất là trước khi thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 7 năm 1945, nhiều nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và thậm chí cả Tổng thống Roosevelt và Truman thực sự mong muốn Liên Xô tham chiến. Thực tế, một trong những mục tiêu chính của Roosevelt, tại Hội nghị Yalta là kêu Stalin giữ lời hứa tham gia cuộc chiến chống Nhật ngay sau khi Đức bị đánh bại. Roosevelt rất mừng khi nghe Stalin cam kết sẽ tham chiến chống Nhật 3 tháng sau khi Đức đầu hàng. Lãnh đạo Mỹ tin rằng nếu Liên Xô tấn công Mãn Châu thì sẽ buộc 1 triệu quân Quan Đông ở lại, không thể chuyển đi bảo vệ chính quốc Nhật nếu Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, khi Mặt trận Thái Bình Dương dần đến hồi kết, sức mạnh của Hải quân Mỹ đã đủ đảm bảo rằng quân Nhật không thể di chuyển quân đội từ lục địa đến chính quốc được nữa, do đó Mỹ không cần sự tham gia của Liên Xô nữa – ít nhất là về mặt quân sự – Liên Xô tham chiến chỉ có thể gây áp lực tâm lý lên cho Nhật rằng kháng cự là điều không thể.

Hơn nữa, các lãnh đạo quân đội Mỹ tin rằng đúng là Liên Xô tham gia sẽ giúp ít một tí thật, nhưng không có nghĩa là sẽ khiến Nhật phải đầu hàng. Đô đốc King còn nói:

“Bất kể dù ta có muốn quân Nga tham chiến, sự có mặt của họ cũng không thể gọi là quá cần thiết, và tôi phản đối chúng ta đi đến mức phải cầu xin họ tham gia.”

Bởi vì Liên Xô vốn dĩ không có khả năng đổ bộ đường biển vào chính quốc Nhật. Thêm nữa Mỹ không muốn Mãn Châu, Mông Cổ, Triều Tiên rơi vào ảnh hưởng của phe Cộng sản như Đông Âu nên việc Liên Xô tham chiến lại càng không nên.

Và thực tế thì nhờ Mỹ thả bom nguyên tử – không phải vì Liên Xô tiến đánh Mãn Châu – đã khiến Nhật sợ phải đầu hàng.

3/ TIẾP TỤC PHONG TOẢ VÀ NÉM BOM NHẬT:

Chiến thuật này được một số chỉ huy Không quân Quân đội Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ chấp nhận. Họ tin chắc rằng:

“Các cuộc tấn công bằng không quân liên tục kết hợp với việc phong tỏa bằng hải quân là cách tốt nhất để khiến Nhật phải đầu hàng. Họ nhấn mạnh rằng chiến dịch tấn công vào chính quốc Nhật là không cần thiết và thương vong cao như vậy là không thể chấp nhận được.”

Một trong những người ủng hộ chiến lược này là Tướng Curtis LeMay, người nổi tiếng vì đã thực hiện chiến dịch ném bom cháy cực kỳ thành công vào Nhật Bản, san phẳng một vùng đô thị rộng lớn và tiêu diệt 100,000 người. Tháng 4 năm 1945, LeMay khẳng định rằng:

“Sức mạnh của không quân có thể buộc quân Nhật phải đầu hàng trong vòng 6 tháng, điều này sẽ chấm dứt chiến tranh trước khi chiến dịch tấn công Kyushu bắt đầu.”

Mấy ông xét lại lịch sử thường dựa vào lời của LeMay để nói Mỹ thả bom nguyên tử là sai. Tuy nhiên:

1/ Khẳng định của LeMay là hoàn toàn không có cơ sở.

2/ Ném bom thông thường thì cũng man rợ khác nào bom nguyên tử?

3/ Tham vọng chính trị của LeMay. Cần phải lưu ý rằng đến tận năm 1947, lực lượng Không quân Hoa Kỳ độc lập mới được thành lập. Trong Thế chiến 2, nó là một phần thuộc Lục quân Hoa Kỳ có nghĩa là nếu muốn Không quân Hoa Kỳ phát triển thì còn phải phụ thuộc vào việc Lục quân Hoa Kỳ có chấp thuận hay không. Đây là lý do tại sao các chỉ huy không quân như Hap Arnold và LeMay luôn tìm cách thành lập một lực lượng không quân độc lập bằng cách chứng minh chỉ cần nhờ sức mạnh của không quân là có thể đạt được chiến thắng. Đây cũng là lý do họ đánh bom dữ dội để khiến Nhật đầu hàng bằng B-29 và Đức đầu hàng bằng B-17 và B-24.

Do đó tuyên bố của LeMay là rất khó tin. Hơn nữa, Đức đã bị ném bom liên tục với cường độ lớn hơn nhiều kể từ năm 1942 đến khi kết thúc chiến tranh nhưng họ vẫn không đầu hàng đến khi bị Hồng quân tiêu diệt ở Berlin đó thôi. Không có lý do gì để tin rằng Nhật sẽ đầu hàng vì đánh bom chiến lược cả.

Đô đốc Ernst King là một chỉ huy khác ủng hộ phong tỏa bằng hải quân để buộc quân Nhật phải đầu hàng. Tuy nhiên, ông cũng đầy tham vọng chính trị, và muốn chứng minh rằng chỉ cần hải quân là có thể khiến Nhật đầu hàng.

Cuối cùng chiến lược ném bom và phong toả này bị loại bỏ vì mất quá nhiều thời gian để buộc Nhật phải đầu hàng. Tháng 4 năm 1945, tình báo Mỹ kết luận rằng nếu áp dụng chiến lược này thì ít nhất phải đến giữa năm 1946 thì Nhật mới đầu hàng. Việc này là không thể chấp nhận được với người dân Mỹ, khi họ đã quá mệt mỏi với chiến tranh, khiến việc làm Nhật đầu hàng vô điều kiện còn khó hơn.

4/ TẤN CÔNG VÀO CHÍNH QUỐC NHẬT:

Chiến dịch Downfall nếu diễn ra thì thương vong sẽ rất lớn với cả nước Nhật và Mỹ, đây cũng là một khả năng mặc dù thương vong ước tính là hơn 500,000 (gấp 50 lần D-Day)

VỀ VIỆC XÉT LẠI LỊCH SỬ:

Phần này dành cho những người chỉ trích bom nguyên tử và thích xét lại lịch sử nói rằng Nhật sẽ vẫn đầu hàng chứ không cần bom nguyên tử. Những người xét lại này dựa vào lời khẳng định của các tướng lĩnh Mỹ sau cuộc chiến như LeMay, Eisenhower hoặc King về Nhật rằng:

1/ Cuộc khủng hoảng lương thực đang xảy ra ngày càng trầm trọng. Nếu cuộc chiến kéo dài, người dân Nhật sẽ phải đối diện với nạn đói diện rộng, dẫn tới nổi loạn hoặc đảo chính buộc quân Nhật phải đầu hàng.

2/ Sự ủng hộ của người dân đối với cuộc chiến đã không còn do nạn đói, lãnh đạo bất tài và các thành phố lớn của Nhật đã bị B-29 phá hủy.

Từ đây, những người xét lại cho rằng không nhất thiết phải thả bom nguyên tử thì Nhật mới đầu hàng.

Tuy nhiên, những người này phải hiểu là các việc trên đều là chuyện biết được sau cuộc chiến. Nói cách khác thì các lãnh đạo Mỹ không hề biết gì về những điều này cho tới khi Chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc. Nếu như Truman và các lãnh đạo Hoa Kỳ biết được về các sự kiện nội bộ của Nhật vào thời điểm đó, họ đã chờ tới khi nạn đói lan rộng ép Nhật phải đầu hàng, tránh thả bom nguyên tử hoặc tấn công chính quốc Nhật rồi.

Mọi người phải đặt mình vào vai Truman, người mới thay thế Roosevelt và phải đối mặt với áp lực nhanh chóng kết thúc chiến tranh từ mọi phía. Sự mệt mỏi đối với chiến tranh là một vấn đề vô cùng to lớn đặt trên vai Tổng thống Hoa Kỳ. Người dân và quân lính Mỹ đòi xuất ngũ càng sớm càng tốt để về nhà đoàn tụ với cha mẹ, vợ con, anh em,… và tìm kiếm việc làm trong một nền kinh tế thời hậu chiến. Chiến tranh càng kéo dài thì sự ủng hộ của người dân Mỹ càng giảm và thiệt hại cho quân lính Mỹ càng tăng. Tức cả những quyết định của lãnh đạo Hoa Kỳ vào thời điểm đó là dựa trên những thông tin có sẵn trước khi chiến tranh kết thúc vào tháng 8 năm 1945.

Tất cả những họ biết là Nhật đã từ chối đầu hàng vô điều kiện, và họ muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh, tránh Liên Xô tham chiến. Tất cả những lựa chọn khác đều không khả thi và Mỹ chỉ có 2 lựa chọn: tấn công chính quốc Nhật hoặc thả bom nguyên tử.

Và tất nhiên thả bom nguyên tử chính là quyết định tốt nhất.

Nguồn: Werner Hermann.

Tham khảo thêm:

1/ “Prompt and Utter Destruction: Truman and the use of Atomic Bombs against Japan 16th ed. Edition” của J. Samuel Walke.

2/ “Downfall: the End of the Japanese Empire” của Richard B. Frank.

3/ “Implacable Foes: War in the Pacific, 1944-1945” của Waldo Heinrichs, Marc Gallicchio.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *