Hình ảnh hoang vu trong căn biệt thự giữa rừng của “lãnh chúa miền Trung”
Thứ hai, ngày 26/08/2024 18:53 PM (GMT+7)
Căn biệt thự 2 tầng của Ngô Đình Cẩn (em trai Ngô Đình Diệm) đã vắng bóng người hơn nửa thế kỷ, khiến di tích này trở nên hoang vu, lạnh lẽo đến “rợn người”. Ngô Đình Cẩn được xem là “lãnh chúa miền Trung” những năm 1955-1964.
Video: Hình ảnh hoang vu trong căn biệt thự giữa rừng của “lãnh chúa miền Trung”.
Nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn nằm ở đường Thiên Thai, phường An Tây, TP.Huế, cách trung tâm TP.Huế khoảng 5 km. Khu đất này trước đây là của ông Bát Tấn; Vị này sau đó bán lại cho một vị quan triều Nguyễn và tiếp tục bán lại cho một thương nhân người Hoa để sử dùng làm vườn.
Năm 1956, dưới áp lực của Ngô Đình Cẩn, thương nhân người Hoa này phải nhượng lại toàn bộ khu vườn. Ngô Đình Cẩn đã sử dụng khai thác, xây dựng trong khuôn viên này một số công trình chính như: khu biệt thự, nhà thủy tạ, hồ bán nguyệt, vườn cây ăn quả,… làm thành một địa điểm để nghỉ ngơi, vui chơi giải trí; đồng thời theo dõi, giám sát chỉ đạo các hoạt động tra tấn, đánh đập tù nhân của bọn tay sai đối với các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm trong khu vực Chín Hầm (cách đó khoảng 1km).
Ngô Đình Cẩn cho dựng ngôi nhà hai tầng bằng bê tông cốt sắt với ý định làm nhà thờ cho các vị tiền bối. Nhưng ý định này không thực hiện được vì nhà xây chưa hoàn chỉnh thì bị đảo chính vào ngày 3/11/1963.
Theo ghi nhận, sau thời gian dài hoang vắng, không có khách tham quan, lui tới. Nhiều hạng mục trong di tích đang bị xuống cấp, hư hỏng, cây cỏ mọc um tùm.
Phần mái ngói và các họa tiết rồng hư hỏng nặng.
Phía bên trong biệt thự hai tầng các hạng mục còn tương đối nguyên vẹn nhưng không gian khá nhếch nhác do lâu ngày không có người lui tới.
Nhà thủy tạ nhiều hạng mục không còn nguyên vẹn.
Nhà Ngô Đình Cẩn đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp Quốc gia tại Quyết định số 2015/QĐ-BT ngày 16/12/1993.
Mặc dù cùng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với khu chứng tích Chín Hầm thường khá đông du khách tham quan thì khu dinh thự Ngô Đình Cẩn lại vắng vẻ.
Hiện khu vực dinh thự Ngô Đình Cẩn được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế khoanh vùng, cắm mốc theo đúng Luật Di sản để không bị lấn chiếm.
Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế cho hay, với nguồn lực cũng như điều kiện thực tế nên việc đầu tư, bảo vệ sẽ ưu tiên cho di tích lịch sử Chín Hầm. Riêng khu dinh thự Ngô Đình Cẩn, do thiếu nguồn lực nên mong muốn có thể xã hội hóa, tìm nhà đầu tư để bảo tồn, khai thác di tích.
Viết Niệm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem
Post Views: 16