Khi thời kì Yayoi gần chấm dứt, Nụy Quốc (tên gọi Nhật Bản khi đó) gồm hơn 100 nước nhỏ bước vào thời kì nội loạn với các cuộc chiến tranh liên miên. Cuối cùng, vua các nước họp bàn và chọn Himiko lên làm nữ hoàng lập ra nước Yamatai. Một vài thư tịch của Trung Quốc đương thời có nhắc đến nữ hoàng Himiko như sách “Ngụy chí” phần “Hòa nhân truyện” có ghi: “Vua nước Nụy vốn là đàn ông nhưng do chiến tranh tiếp diễn cho nên đã lập nữ hoàng Himiko. Kết quả là chiến tranh chấm dứt và nước Yamtai trở lại hòa bình”.
Theo những ghi chép trong cuốn sách nói trên thì Himiko có năng lực đặc biệt gọi là “quỷ đạo” (thuật bùa phép) nhờ thế bà có thể nghe được lời thần để tiến hành việc cai trị. Sau khi trở thành nữ hoàng, Himiko sống độc thân và người ta ít khi thấy mặt nữ hoàng. Người trực tiếp nhận lệnh và truyền lệnh là em trai. Bên cạnh nữ hoàng Himiko lúc nào cũng có khoảng 1000 người hầu nữ và đông đảo binh sĩ canh giữ cung điện.
Năm 239 Himiko gửi sứ sang nước Ngụy (Trung Quốc). Hoàng đế nước Ngụy phong cho Himiko là “Thân Ngụy Nụy vương” cùng kim ấn và 100 chiếc gương đồng. Hoàng đế nước Ngụy cũng gửi sứ tới Yamatai vào năm 247.
Nước Yamatai của nữ hoàng Himiko nằm ở đâu hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặc dù vậy, căn cứ và các ghi chép trong sách của Trung Quốc người đời sau cũng có thể hình dung ra cuộc sống của người dân nước Yamatai. Theo đó ở nước Yamatai, đàn ông xăm ở mặt và thân thể, búi tóc, mặc vải bông. Nữ để tóc dài thả về phía sau, mặc áo chui đầu (tấm vải khoét lỗ để đầu chui qua). Khi có người chết cả gia đình khóc to rồi đem chôn cất, những người khác thì đến gia đình đó ăn uống, ca hát nhảy múa. Khí hậu nước Yamatai ấm áp. Người Yamatai trồng lúa và cây gai dầu. Ở đây không có các động vật như cừu, bò, ngựa, hổ…
Sau khi nữ hoàng Himiko qua đời, đàn ông lên làm vua và chiến tranh lại xảy ra khắp nơi. Vì vậy, Iyo – một thiếu nữ 13 tuổi, được đưa lên ngôi nữ hoàng và hòa bình trở lại. Tuy nhiên sau đó các sách của Trung Quốc đương thời không ghi chép gì về nước Yamatai nữa.
Những bí ẩn về nữ hoàng Himiko và vương quốc Yamatai dần lộ sáng khi năm 1784, một người nông dân tên là Jinbe ở đảo Shiganoshima thuộc tỉnh Fukuoka tìm thấy một chiếc ấn bằng vàng có khắc mấy chữ “Hán Nụy Nô quốc vương”. Các nhà sử học khẳng định đây là ấn mà vua Hán Vũ Đế gửi tặng với ý nghĩa công nhận vua có tên là Na ở nước Nhật (chữ Nô trong tiếng Nhật đọc là Na). Tuy nhiên kim ấn mà sách “Ngụy chí” ghi Himiko nhận từ hoàng đế nước Ngụy vẫn chưa tìm thấy.
Trong sách “Ngụy chí” cũng có ghi rằng sau khi nữ hoàng Himiko chết người nước Nụy đã “xây dựng mộ lớn. Đường kính khoảng trăm bước” vì thế người ta cho rằng ngôi mộ cổ nhất được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ thứ III ở thành phố Sakurai tỉnh Nara ngày nay là mộ Himiko. Ngôi mộ có tên Hashihaka này có kích thước rất lớn, chiều dài tới 276m. Những người tin rằng đây là ngôi mộ của nữ hoàng Himiko nhận định Yamatai chính là nước Yamato (Nara). Tuy nhiên một số nhà khoa học khác lại khẳng định nước Yamatai nằm ở vùng Kyushu. Cuộc tranh luận về nữ hoàng Himiko và nước Yamatai hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn.
Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “25 nhân vật lịch sử Nhật Bản”