Hết Chá – Lễ hội cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, mùa màng tươi tốt bội thu
Lễ hội Hết Chá – Nét đẹp văn hóa dân tộc Thái trắng nơi rẻo cao Tây Bắc
Khi những cánh hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, cũng là lúc đồng bào dân tộc Thái trắng tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tổ chức Lễ hội Hết Chá. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo, là nét rất riêng trong văn hóa của người Thái, gắn kết cộng đồng làng bản, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, ấm no hạnh phúc.
Theo ông Vì Văn Phịnh, người có những đóng góp lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa của Lễ hội Hết Chá cho biết: Xưa kia, người dân tộc Thái nghèo khó, ốm đau không có thuốc chữa trị, cơ cực cam chịu sự khó khăn đôi khi chỉ hy vọng vào số phận. Nhưng với ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết đồng tâm cộng khổ trong khó khăn, ốm đau bệnh tật, ai biết lấy thuốc nam thì dùng cây thuốc nam để chữa trị, ai biết cúng thì cúng để giải tỏa về tinh thần, những người được khỏi bệnh thì được nhận làm con nuôi.
“Theo phong tục, trước Tết âm lịch, các con nuôi mang lễ đến tạ ơn thầy cúng. Nhưng vì công việc gần Tết bận rộn, thầy cúng chưa tổ chức ăn tết sum họp các con nuôi được, phải qua Tết mới tổ chức ăn Tết, Lễ hội thường được tổ chức vào, thời điểm nông nhàn. Thông qua việc tổ chức Lễ hội Hết Chá, là dịp thầy cúng, các con nuôi và dân bản gặp gỡ nhau, cùng vui chơi” ông Phịnh nói.
Cũng theo ông Phịnh, lễ hội Hết Chá gồm có 2 phần: Phần hội và phần lễ. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để mọi người sống với nhau tốt hơn.
Phần lễ diễn ra xung quanh một cây nêu được treo hoa ban, hình con chim, con thú, ve sầu, ong bướm, trống chiêng… đủ màu sắc tượng trưng cho sự sống, mùa xuân của đất trời. Dưới gốc cây là những chum rượu cần để mời khách cùng chơi hội. Trong phần lễ, các thầy mo sẽ cùng thực hiện nghi lễ để cúng các vị thần, cầu mong cho dân làng cuộc sống bình yên.
Theo chị Vì Thị Oanh, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, để chuẩn bị cho lễ hội Hết Chá, ngay từ đêm hôm trước, gia đinh chị đã phải chuẩn bị những độ vật tỉ mỉ, cầu kỳ, đầy đủ các đồ vật, mâm lễ cần thiết. Chị Oanh chia sẻ: Mâm lễ được chuẩn bị chu đáo để thần linh, thổ địa chấp nhận thì việc tiến hành Lễ hội Hết Chá được thuận buồm xuôi gió. Lễ vật cúng gồm có 1 con ngan luộc, 1 con gà trống luộc, 1 con lợn luộc, xôi trắng, rượu, trứng, vải khít, vải bông địa phương, chén uống rượu, tiền mặt.
Tất cả được bày trên mâm, mỗi mâm đặt 1 miếng vải vuông trên đó đặt khoảng 3 kg gạo nếp và giữa mâm để 2 bát con mới đầy gạo, 2 vòng tay bằng bạc trắng, 2 quả trứng gà mới đẻ, 2 cây nến bằng sáp ong; 10 cây nến con, 10 bông hoa bằng bông vải, được đặt vào bát xếp lên mâm, cạnh mâm đặt 1 chai rượu và 6 cái chén, dưới mâm để một chai rượu trắng, 1 cái đĩa và 4 cái chén để thầy cúng sử dụng khi làm lễ.
Tại phần lễ, giữa không gian lễ hội, bà con dân bản đặt một cây “xặng chá”, được làm hết sức cầu kỳ, đẹp mắt. Trên thân cây trang trí nhiều mô hình tượng trưng như con chim, con cá, quả còn, hoa ban, hoa mạ… nhằm biểu đạt cuộc sống bình dị, gắn bó của nhân dân với thiên nhiên, đất trời. Trong tiếng trống chiêng rộn rã, thầy mo sẽ đọc các bài cúng thể hiện mong muốn của bản mường về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hoà.
Hết Chá – Lễ hội gắn kết cộng đồng làng bản
Phần hội có sự biến đổi theo thời gian, nhưng tựu trung là gồm các hoạt động nhằm mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc Thái trong quá trình dựng bản, dựng mường, xây dựng đời sống mới. Bên cạnh đó còn có những trò diễn dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày… Ngoài ra bà con biểu diễn những điệu xòe hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã. Điệu xòe trong Lễ hội Hết Chá được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm. Các cụ ngày xưa soạn thành thơ, như ca ngợi tình yêu trai gái, vợ chồng.
Lễ hội Hết Chá không chỉ bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, mà còn góp phần thu hút du khách đến với Mộc Châu (Sơn La) trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc sắc nơi đây. Chị Nguyễn Thị Hỉ, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Đến Mộc Châu tôi cảm thấy con người ở đây rất thân thiện hiếu khách. Đặc biệt hôm nay chúng tôi được tham dự lễ hội Hết Chá của đồng bào Thái trắng Mộc Châu, tại lễ hội này có rất nhiều các hoạt động văn hóa, hay và lạ, giúp con người gắn kết với nhau. Thu hút chúng tôi sẽ quay trở lại đây nữa và tuyên truyền cho du khách ở nơi khác cũng cùng đến Mộc Châu để tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đây.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Lễ hội Hết Chá của người Thái trắng ở Mộc Châu đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Lễ hội Hết Chá được huyện Mộc Châu phục dựng và duy trì tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái trắng. Lễ hội còn là ngày hội đoàn kết, gắn bó cộng đồng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện cuộc sống bình dị mà thanh bình của mọi người dân với thiên nhiên.
Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái trắng tỉnh Sơn La là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn sâu sắc. Trong những năm gần đây, Lễ hội còn tương hỗ mạnh mẽ cho phát triển du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
“Để phát triển du lịch huyện Mộc Châu cũng quan tâm phục dựng các Lễ hội truyền thống. Thông qua đó để người dân thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình và cũng để thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển trên địa bàn huyện”, bà Hoa nói
Người dân, du khách tham gia lễ hội được hòa mình cùng những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh trầm bổng. Tham gia vào các trò chơi dân gian sôi động như: đi cà kheo, cầu kiều, thi lấy lửa bằng vật dụng tự nhiên và trưng bày ẩm thực dân tộc. Tất cả đã mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên khi đến với cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).