Và ý nghĩa của nó với việc điều trị.
Tác giả: Dana G Smith
Những người bị nhiễm virus Corona chủng mới (ND: Corona là tên của một nhóm các virus, trong đó có SARS-CoV, MERS-CoV, chủng virus chúng ta đang phải đối phó có tên là SARS-Cov-2, và tất nhiên là một chủng mới) có thể có những trải nghiệm rất khác nhau. Một vài người nói rằng họ chỉ gặp những triệu chứng của một cơn cảm nhẹ; một số khác thì phải vào viện và thậm chí tử vong khi phổi của họ bị viêm và tràn dịch. Làm sao mà cùng một loại virus có thể gây ra các triệu chứng khác nhau như vậy nhỉ?
Các nhà khoa học vẫn đang bị chủng virus mới này làm bối rối. Nhưng có một điều ngày càng rõ ràng, đó là hệ miễn dịch đóng 1 vai trò tiên quyết trong việc bạn sẽ hồi phục hay tử vong. Thực tế là, phần lớn những ca tử vong liên quan đến virus này đều xuất phát từ việc hệ miễn dịch không thể kiểm soát được phản ứng của chính nó, chứ không phải những tổn thương gây ra bởi bản thân virus. Vậy chính xác là điều gì đã diễn ra trong cơ thể bạn khi bạn nhiễm virus, và ai thì dễ gặp phải những tổn thương nghiêm trọng hơn?
Trong giai đoạn đầu khi bạn mới bị lây nhiễm, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ tự nhiên tiêu chuẩn, giống như với bất kì loại virus nào khác. Điều này bao gồm việc tiết ra các protein gọi là interferon nhằm gây ức chế (interfere) sự sinh sản của virus bên trong các tế bào của cơ thể. Các interferon lại tập hợp các tế bào miễn dịch khác để cùng tấn công virus nhằm ngăn chúng lây lan. Trong kịch bản lý tưởng nhất, phản ứng ban đầu này sẽ giúp cơ thể kiểm soát sự lây nhiễm một cách nhanh chóng, mặc dù virus cũng có cơ chế tự vệ riêng của nó để khống chế hoặc thoát khỏi ảnh hưởng của các interferon.
Phản ứng miễn dịch tự nhiên này đứng đằng sau rất nhiều triệu chứng mà bạn có thể gặp phải khi bạn bị ốm. Những triệu chứng này thường phục vụ 2 mục đích: một là cảnh báo cơ thể rằng có một cuộc tấn công vừa mới diễn ra, đây được cho là một trong các “nhiệm vụ” của sốt (fever), chẳng hạn. Mục đích thứ 2 là cố gắng tống khứ virus ra khỏi cơ thể, điển hình là trục xuất những hạt li ti chứa virus qua những cơn ho hoặc tiêu chảy.
“Thông thường, sẽ có một giai đoạn mà virus tự hình thành, và cơ thể bắt đầu phản ứng với chúng, chúng ta hay gọi đó là “những triệu chứng nhẹ”, Mandeep Mehra, bác sĩ đa khoa, giáo sư y học ở trường y Harvard, trưởng khoa Y học về Tim mạch tiến triển (ND: nguyên văn là “advanced cardiovascular medicine”) tại bệnh viện Brigham and Women chia sẻ. “Một cơn sốt ập đến. Nếu virus tự hình thành trong đường hô hấp, bạn sẽ bị ho. Nếu virus tự hình thành trong đường tiêu hoá, bạn sẽ bị tiêu chảy.
Những triệu chứng rất khác nhau này xuất hiện phụ thuộc vào việc virus hình thành ở đâu trong cơ thể. Virus Corona chủng mới xâm nhập vào một tế bào bằng cách bám trên một protein gọi là thụ thể ACE2 nằm trên bề mặt tế bào. Những thụ thể này có nhiều nhất ở trong phổi, đó là lí do vì sao dịch Covid-19 được xem là dịch viêm phổi. Tuy nhiên, nơi xuất hiện các thụ thể ACE2 nhiều thứ hai trong cơ thể là đường ruột, điều này có thể giải thích tại sao nhiều người nhiễm virus corona lại bị tiêu chảy.
“Bởi vì virus được lan truyền qua các giọt bắn (droplets), nếu chúng đi vào miệng hoặc chui vào họng, có 2 nơi chúng có thể di chuyển tiếp. Một là vào phổi khi bạn hít vào, hai là khi bạn nuốt vào theo phản xạ, chúng sẽ vào dạ dày.”, Mehra nói tiếp. “Đó là cách chúng tác động lên cả 2 vị trí trên cơ thể.”.
Mục tiêu của cơ chế phòng vệ miễn dịch tự nhiên là khống chế virus và ngăn chúng lây lan quá rộng, để “đợt phòng vệ” thứ 2 của hệ miễn dịch – phản ứng thích nghi (ND: nguyên văn là “adaptive response”), hay phản ứng đặc biệt với virus (ND: nguyên văn là “virus-specific response”), có đủ thời gian để tham gia vào cuộc chiến trước khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát. Phản ứng miễn dịch thích nghi bao gồm những kháng thể virus chuyên biệt và tế bào T mà cơ thể phát triển để nhận biết và tiêu diệt virus nhanh chóng hơn (ND: tế bào T là một trong hai loại tế bào chính đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể). Những kháng thể này cũng bổ sung miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi việc bị tái nhiễm với virus sau khi đã nhiễm.
Tuy nhiên, ở một vài người, virus lại sinh sản và lây lan chóng mặt, trước khi hệ miễn dịch có thể khống chế chúng. Một lí do có thể là một số lượng lớn các hạt chứa virus đã xâm nhập vào cơ thể, điều này giải thích tại sao các bác sĩ hay y tá, những người thường bị phơi nhiễm với một lượng khổng lồ virus nhiều lần trong ngày khi chăm sóc bệnh nhân, có thể bị lây nhiễm nghiêm trọng hơn, mặc dù họ còn trẻ và khoẻ mạnh. Càng nhiều virus xâm nhập, càng khó khăn cho hệ miễn dịch để đối phó với chúng.
Một lí do khác cơ thể có thể mất kiểm soát đối với virus nằm ở chính bản thân hệ miễn dịch. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch là người cao tuổi, những người mà hệ miễn dịch của họ bắt đầu yếu đi theo thời gian, và những người bị suy giảm miễn dịch bởi các bệnh nền. Một hệ miễn dịch bị suy giảm có thể dẫn đến những phản ứng interferon ban đầu yếu ớt hơn, điều này cho phép virus lây lan qua nhiều tế bào mà không bị phát hiện.
“Nếu cơ thể bạn tạo ra những phản ứng kháng thể trung hoà (*) mạnh mẽ, bạn sẽ hồi phục; đó chỉ là vấn đề thời gian. Một vài người bị nhiễm, nhưng sau đó họ tạo ra phản ứng kháng thể quét sạch virus, và mọi thứ bình thường trở lại.”, tiến sĩ Warner Greene, bác sĩ đa khoa, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Điều trị HIV Gladstone, giáo sư Vi trùng học và Miễn dịch học tại đại học California, San Francisco cho biết. “Những trường hợp già hơn hoặc có vấn đề sức khoẻ trước đó, có thể có một mức độ suy giảm miễn dịch nhất định, điều này gây trì hoãn phản ứng kháng thể và khiến bệnh tình trầm trọng hơn.”
(*ND: nguyên văn là “neutralizing antibody response”, là phản ứng mà cơ thể tiết ra các kháng thể để bảo vệ một tế bào khỏi các tác nhân lây nhiễm bằng cách trung hoà hoặc ngăn chặn ảnh hưởng về mặt sinh học của các tác nhân đó, ví dụ bằng cách phong toả các thụ thể của tế bào, hoặc của virus, theo Biologyonline.com)
Một khi virus xâm chiếm hết 2 lá phổi, bệnh sẽ phát triển thành viêm phổi khi nhiều tế bào bị viêm nhiễm hơn. Một phần tổn thương gây ra bởi virus, nhưng một phần lớn hơn là bởi bản thân hệ miễn dịch đã cố gắng tiêu diệt và tống khứ những tế bào đã nhiễm virus ra khỏi cơ thể.
Ở giai đoạn này, bệnh có thể chuyển biến theo 2 hướng: Phản ứng miễn dịch có thể duy trì ổn định và kiểm soát lại được virus, cuối cùng quét sạch chúng nhờ “công sức” của tế bào T và các kháng thể. Hoặc là, hệ miễn dịch sẽ bị “hoảng sợ” và bắt đầu phản ứng thái quá, tiết ra càng nhiều protein đã bị viêm nhiễm hơn, được gọi là cytokine, trong một nỗ lực mù quáng để ngăn chặn virus. Kịch bản thứ 2 này chính là nguyên nhân dẫn đến một lượng lớn các tế bào chết trong phổi, hậu quả là sự viêm nhiễm nghiêm trọng nhất, hoặc bệnh rối loạn hô hấp cấp tính, hoặc thậm chí tử vong.
“Những người có tình trạng bệnh xấu nhất – những người tử vong, cơ thể hầu như đều phản ứng thái quá như vậy, người ta gọi đó là cơn bão cytokine”, Greene giải thích. “Phổi bị lấp đầy bởi dịch, nên chúng không thể tiếp nhận oxi được. Hoặc chúng sẽ bị nhiễm trùng trên diện rộng, do đó không thể hỗ trợ lượng máu được bơm vào, và chết. Tất cả đều được gây ra chủ yếu là, hoặc bị làm trầm trọng thêm một phần không nhỏ bởi phản ứng miễn dịch của vật chủ (ND: ý nói cơ thể người nhiễm).”
Người già và người bị suy giảm miễn dịch là 2 đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi loại phản ứng này, bởi hệ miễn dịch yếu kém của họ dễ bị lâm vào trạng thái bất thường và phản ứng một cách cực đoan. “Có một phát hiện rất thú vị về dịch Covid-19, mà chúng tôi cũng nhận thấy điều này ở các virus corona khác như SARS và MERS, đó là những người có phản ứng miễn dịch bị suy giảm trầm trọng nhất, dường như lại hình thành những phản ứng bất thường nhất ở giai đoạn sau của bệnh.”, Mehra chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành đều liên quan đến việc chữa trị những ca bệnh nghiêm trọng, điều này cũng hợp lý thôi, vì bạn sẽ muốn dành những phương thuốc hiệu quả cho người bị nặng nhất để cứu sống họ.
Nhưng Mehra, người có một nghiên cứu được xuất bản trong tuần trước về các giai đoạn khác nhau của bệnh dịch, lại cho rằng có thể đã quá muộn, bởi khi đó bạn không chỉ phải khống chế sự lây nhiễm mà còn cần phải điều tiết hệ miễn dịch nữa. Anh cho rằng thuốc trị virus nên được sử dụng ở giai đoạn đầu, cho những người mới nhiễm, để giúp họ chiến đấu với virus và tránh chuyển biến sang các giai đoạn sau của bệnh. Với những người đã và đang phải chịu đựng cơn bão cytokine, thuốc chống suy giảm miễn dịch kết hợp với thuốc chống virus có thể là giải pháp tốt nhất.
Bài học bỏ túi quan trọng nhất, anh nói tiếp, đó là “bệnh này có những giai đoạn khác nhau, và cách bạn điều trị ở mỗi giai đoạn của bệnh sẽ đóng vai trò lớn trong kết quả của bệnh nhân.”
Hiện tại, cách tốt nhất để bạn phòng vệ virus là hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn bằng cách ngủ, tập thể dục và một chế độ dinh dưỡng hợp lý, và quan trọng nhất, rửa tay và thực hiện giãn cách xã hội để không bị lây nhiễm trước đã.
Nguồn ảnh: Pexels.com
