Hệ lụy từ thói nuông chiều con cái

Chiều chuộng khiến trẻ lớn lên trở thành những người chỉ quen đòi hỏi với lối sống ích kỉ. Làm sao có được sự cần cù, chịu khó, kỷ luật ở những con người này.
—————————

Nhiều người hay phàn nàn về việc thế hệ trẻ bây giờ không biết làm gì, thậm chí không thể kiểm soát nổi những cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng chấp nhận thất bại trước sức ép của cuộc sống.
Ngày xưa đất nước còn nghèo, cha mẹ không thể thỏa mãn mọi nhu cầu của con. Đa phần con trẻ hiểu cảnh nghèo, sự vất vả của cha mẹ, của người lớn nên chúng biết kìm nén bản thân, biết cảm thông chia sẻ, biết phấn đấu vươn lên để thoát nghèo khổ. Một số nhà giàu, nhà ít con nuông chiều nên con cái sinh hư. Thế nên mới có những câu, đại loại như “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.
Ngày nay, đất nước khá giả hơn, nhiều người tự cho phép mình sống cuộc sống sung sướng, đôi khi vượt quá hoàn cảnh. Vì vậy nên mới có hệ lụy. Một trong số đó là cách dạy dỗ, cưng chiều con cái.

Một số gia đình có sự nuông chiều con thái quá; một số khác vì đam mê quyền lực, tiền bạc và sở thích cá nhân nên nhiều bậc phụ huynh đã “tiết kiệm” thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái không coi trọng việc quản lý giáo dục con cái, không quan tâm gì đến con cái, để chúng sống theo bản năng, buông thả từ nhỏ chiếm tỷ lệ 20%. Họ giao phó việc chăm sóc, dạy dỗ con cho người giúp việc rồi sau đó quản lý con bằng tiền và điện thoại nên nhiều cháu bị cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình… Nhiều người trẻ, được bố mẹ cho tiêu tiền ngay khi còn nhỏ nên sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền. Biết “thuê” bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho chép bài trong giờ kiểm tra… Mỗi khi xảy ra sự cố, chính họ lại đứng ra dùng tiền chạy chữa cho lỗi lầm của con mà không nghĩ đến tình trạng đạo đức ngày càng xuống dốc của chúng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên số con sinh ít đi, có khi là con một. Là con một nên được bố mẹ rất cưng chiều, vừa lên lớp 9 lớp 10, cháu muốn có iphone, xe SH đi học là có ngay, còn tiền thì tiêu “không phải suy nghĩ!”. Như một hệ lụy tất yếu của việc ăn chơi đua đòi, có cháu sớm lao vào yêu khi chỉ mới tuổi teen.

Chính vì không chịu sự quản lý hay bất cứ ràng buộc nào bởi thiết chế gia đình nên phần lớn số trẻ được nuông chiều thái quá. Khi đã ngoài 18 tuổi mà thường có lối sống buông thả, thích tụ tập ngồi quán cà phê hoặc chơi game thâu đêm suốt sáng. Mặt khác, vì “nhiễm” lối sống dùng tiền để quản lý người khác nên nhiều trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã coi người giúp việc là đối tượng để sai khiến, từ đó dần nảy sinh thói trịnh thượng, thích người khác phải phục vụ mình. Vậy nên, khi ra ngoài đời nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng thì dễ sinh ra mâu thuẫn. Đặc biệt, sau khi bị kẻ khác đánh lại thì những thanh, thiếu niên này tất yếu sẽ cay cú, tìm “hàng nóng” để trả thù theo như kịch bản đã xem trong phim bạo lực hoặc game online. Đó là hệ quả trực tiếp của cách nuôi dạy con mà các bậc cha mẹ thực hiện qua các thế hệ.

Một số quá lo cho con. Những định hướng sai khiến con chỉ tập trung vào một vài hoạt động (ví dụ chỉ có học chữ, hoặc là học thể thao…) mà bỏ qua các lĩnh vực khác khiến khi vào đời trẻ trở thành những người thiên lệch, thiếu những kĩ năng sống thông thường (ngay cả kĩ năng tự phục vụ). Có nhiều bậc phụ huynh luôn cố tạo cho con một môi trường sống “vô trùng”. Sáng đưa con đến trường, chiều đón về, đi đâu phải có bố mẹ theo. Việc nhà đã có người giúp việc, học hành có gia sư kèm cặp. Nhưng kết quả của việc nuông chiều ấy nhiều khi không được như ý muốn. Một câu chuyện có thật khi một cô bé quyết định rời bỏ giảng đường đại học vì không chịu nổi sức ép của việc bị bố mẹ nuôi em như “gà công nghiệp”. Nhiều ông bố bà mẹ phải thốt lên rằng: “Lúc mình ốm mà con vẫn ngồi chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón. Buồn như muốn khóc, lúc ấy mới ân hận vì đã biến con thành một cây tầm gửi”. Một số quá chiều chuộng khiến trẻ lớn lên trở thành những người chỉ quen đòi hỏi với lối sống ích kỉ. Làm sao có được sự cần cù, chịu khó, kỷ luật ở những con người này.

Ở Trung Quốc do chính sách sinh một con khiến người ta quá nuông chiều con trẻ. Từ đó nảy sinh vấn đề “Hội chứng con một”. Tương tự, vấn đề nảy sinh những thói xấu trong người Việt hiện nay có lẽ nên hiểu là biểu hiện của “Hội chứng nuông chiều” .
Tôi cho rằng những cái xấu lan tràn, phổ biến của người Việt hiện nay là không thể chối cãi. Ai không thấy được những cái xấu đó thì chắc hẳn cũng là người xấu do thờ ơ, hoặc do thói quen tự huyễn hoặc mà không nhận ra sự thật hiển nhiên và phổ biến.

Thế nhưng dù những cái xấu đó là phổ biến, là tràn lan thì tôi vẫn không nghĩ đó là bản chất cố hữu của người Việt. Vì nếu nghĩ đó là bản chất cố hữu không chỉ là sự tự hạ thấp dân tộc mình một cách vô lý mà còn tạo cơ hội cho sự bao biện, chối bỏ trách nhiệm của các bậc cha mẹ, nhà trường, xã hội trong việc hình thành những cái xấu của lớp trẻ, hình thành cái xấu trong cộng đồng Việt Nam sau này.

Dân tộc ta cũng chỉ là một dân tộc như hàng trăm dân tộc khác trên thế giới. Chúng ta có những cái mà các dân tộc khác không có thì ngược lại các dân tộc khác cũng có những cái mà chúng ta không có.
Còn những phẩm chất như cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, nhân văn… là phẩm chất tốt, phẩm chất chủ đạo, cơ bản, cốt lõi của mọi dân tộc chứ không phải của riêng người Việt.

Cái đó mới tạo nên sự đa dạng của thế giới. Mỗi dân tộc đều có những cái để tự hào, để kiêu hãnh. Và những cái đó đều là sản phẩm của lao động, của hy sinh, sáng tạo, của niềm kiêu hãnh dân tộc.

Những cái xấu là những tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do những tác động trong giáo dục nhân cách của cộng đồng mà ra. Trong đó, vai trò của gia đình là không thể chối cãi.

Cho nên, thay vì trách cứ hay chờ đợi phép màu, mỗi ngươi chúng ta hãy quan tâm đến con trẻ, để dạy cho chúng thành những con người không có những thói xấu mà chúng ta đang trăn trở hôm nay.

(Sưu tầm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *