Thứ hai, ngày 05/05/2025 09:35 GMT+7
Hệ lụy không hề “ngọt” từ đồ uống có đường với sức khỏe
Dương Hải Thứ hai, ngày 05/05/2025 09:35 GMT+7
Trung bình, mỗi người Việt Nam uống gần 70 lít đồ uống có đường mỗi năm, tương đương 1,3 lít mỗi tuần.
Theo các chuyên gia, ẩn sau vị ngọt từ đồ uống có đường là những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Hậu quả đến nhanh hơn tưởng tượng
Nam thanh niên T.T.Đ (28 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng khó thở dữ dội, suy tim và phù nề hai chân nghiêm trọng đến mức không thể tự đi lại. Các bác sĩ tại Khoa Điều trị tích cực đã nhanh chóng hỗ trợ thở máy và theo dõi sát sao trong khu chăm sóc đặc biệt.
Theo lời kể của gia đình, anh Đ. có tiền sử béo phì và gout mạn tính suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, trong vòng hai tuần gần đây, bệnh nhân tăng cân mất kiểm soát hơn 10 kg do tiêu thụ thường xuyên các loại đồ uống có đường như trà sữa, nước ngọt có ga, nước trái cây đóng chai.
ThS.BS Nguyễn Đăng Quân – Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân Đ. mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Đây là tình trạng thường gặp ở những người có tiền sử bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa như béo phì, gout, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não…”.
Các chuyên gia cho rằng, tiêu thụ quá mức đồ uống có đường gây hại cho sức khỏe, góp phần làm gia tăng béo phì, đái tháo đường, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
TS. Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra thông tin bất ngờ: “Nhiều người không biết chỉ một lon nước ngọt có ga 330 ml có thể chứa tới 10 thìa cà phê đường, tương đương khoảng 40 gam đường”. Điều này có nghĩa là uống một lon nước ngọt đã gần mức tiêu thụ đường trong cả ngày (không quá 50 gam đường theo khuyến cáo).

Loạt bệnh tật bủa vây từ loại thức uống nhiều người mê
Bất chấp cảnh báo của WHO “một ngày không nên tiêu thụ quá 50 gam đường tự do từ tất cả các loại thực phẩm, đồ uống và lượng tiêu thụ này càng giảm thì sẽ càng tốt cho sức khỏe“, tại Việt Nam, lượng tiêu thụ các loại đồ uống có đường đang ở mức cao, thậm chí ngày càng tăng. Tiêu thụ đồ uống có đường bởi người dân Việt Nam đã tăng gấp 4 lần từ 18,5 lít/người (năm 2009) lên 66,5 lít/người (năm 2023).
Trung bình, mỗi người Việt uống gần 70 lít đồ uống có đường mỗi năm – tương đương 1,3 lít mỗi tuần, tiềm ẩn đầy rẫy nguy cơ cho sức khỏe.
PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia dẫn nghiên cứu uống một lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân, béo phì. Còn uống nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) thì nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống.
TS. Angela Pratt cho hay, hiện đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy người uống đồ uống có đường thường xuyên đối mặt nguy cơ gia tăng các bệnh như đái tháo đường type 2, tim mạch, đột quỵ, ung thư. Các nhóm bệnh này là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Thói quen này cũng dẫn đến đến tình trạng thừa cân béo phì ở cả trẻ em và người lớn, đây là những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt gây hại cho sức khỏe của trẻ em.
“Trẻ em uống nhiều đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ béo phì cao hơn 2,5 lần so với những trẻ không uống. Đồ uống có đường không phải loại đồ uống lành mạnh, đặc biệt với trẻ em” – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo.

Lý giải vì sao đồ uống có đường gây thừa cân béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, đồ uống có đường là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách cơ thể phản ứng theo cơ chế điều khiển ngược của cơ thể với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống đồ uống có đường với hàm lượng calo cao.
Vì vậy, nếu không giảm năng lượng ăn vào từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ đồ uống có đường này sẽ góp phần gây ra thừa cân béo phì, bởi chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể và được lưu trữ trong các mô khác nhau.
Các nghiên cứu của WHO cho thấy, người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1 năm có thể tăng tới 6,75 kg cân nặng nếu giữ nguyên mức dung nạp năng lượng từ các nguồn thực phẩm khác.
Bên cạnh đó, đồ uống có đường bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no.
Chính vì vậy, khi một người tiêu thụ đồ uống có đường lâu ngày, “ngưỡng ngọt” của người đó tăng dần lên, khiến cho họ có xu hướng ăn các thực phẩm khác ngọt hơn bình thường. Việc tăng tiêu thụ đường và đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.
Thuế – Chính sách hiệu quả để giảm tiêu thụ đồ uống có đường
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đồ uống có đường hiện chiếm tới 25% lượng đường tự do tiêu thụ ở người trưởng thành, và đến 40% ở thanh thiếu niên. Điều này phản ánh rõ ràng rằng, nếu không can thiệp kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế hệ lớn lên cùng bệnh tật.

Để giảm gánh nặng do loại thức uống này gây ra, WHO khuyến cáo Việt Nam cần khẩn trương ban hành các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường gồm: Đánh thuế với đồ uống có đường; Bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường; Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm đồ uống có đường, đặc biệt là đối với trẻ em; Can thiệp dinh dưỡng trong trường học; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng về tác hại của đồ uống có đường trong đó có cả các nhà hoạch định chính sách, nhà sản xuất, chế biến thực phẩm.
Giải pháp hiệu quả được nhiều nước đang áp dụng để giảm tiêu thụ đồ uống này là áp thuế. Việc áp dụng thuế khiến giá đồ uống có đường đắt đỏ hơn, từ đó giúp giảm tiêu dùng các sản phẩm này, giảm tác hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này đưa nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào danh mục chịu thuế, dự kiến khoảng 10%. Bộ Tài chính cũng đã trình lộ trình giãn thời gian áp dụng 8% năm 2027 và 10% từ năm 2028. Trong khi đó WHO, Bộ Y tế đề xuất mức thuế cần đạt 40% mới đảm bảo hạn chế tiêu dùng bảo vệ sức khỏe.
“Vì nhiều lý do, chúng ta cần có lộ trình tăng thuế phù hợp tránh gây sốc với doanh nghiệp. Hiện nay Bộ Y tế thống nhất phương án mức thuế áp dụng 8% năm 2027 và 10% năm 2028. Dù vậy chúng ta cần xem xét lộ trình mở rộng phạm vi, đối tượng áp thuế và tăng thuế suất theo khuyến cáo của WHO. Hiện mức thuế đề xuất còn xa so với khuyến cáo, diện đánh thuế cũng khá hẹp”, bà Thủy cho biết thêm.