Hãy ngưng xin lỗi cho việc bạn thẳng thắn nêu ra ý kiến của mình

Khi mọi kế hoạch không thành công, điều bạn hối tiếc nhất chính là đã không nêu ra ý kiến chân thật của bản thân. Chỉ nên xin lỗi vì điều đó, chứ không phải là ngược lại. Sự thẳng thắn luôn đáng được trân trọng, miễn là bạn sử dụng ngôn từ thích hợp, không mang tính xúc phạm.

Tự tin vào chính kiến của bản thân không nhất thiết phải mâu thuẫn với sự tôn trọng dành cho người khác. “Xin lỗi, nhưng tôi nghĩ bạn đã sai rồi”. Bản thân suy nghĩ “bạn đã sai rồi” không phải là một tội lỗi, vậy tại sao phải kèm hai chữ “xin lỗi” vào đây? Hai chữ này nếu bị lạm dụng thì không hề khiến bạn lịch sự hơn, nếu bạn không thực sự muốn tham gia vào một cuộc tranh luận nghiêm túc và lắng nghe đối phương khi họ đưa ra luận điểm chứng minh họ không sai. Nếu cho đối phương cơ hội để phản biện, thì kể cả khi nhận ra mình mới là người sai, bạn cũng có thể vui vẻ chấp nhận điều đó, chứ chẳng thấy mình là một tội đồ.

“Tôi sẽ chú ý hơn”, “Tôi sẽ kiểm tra lại thông tin của mình”, “Đấy là cảm nhận của riêng tôi”. Đây là những điều bạn nên nói ra, nếu ý kiến của mình bị tập thể phản bác, hoặc đem lại kết quả không tích cực. Chứ đừng chỉ nói hai chữ “xin lỗi”, rồi sau đó chẳng làm gì để cải thiện bản thân mình, ngoài việc im lặng.

Điều thực sự đáng xin lỗi, là khi bạn không suy nghĩ kỹ càng mà đã phát ngôn. Phát ngôn không thể hiện chính xác suy nghĩ của mình, thì đúng là bạn không chỉ có lỗi với người khác, mà còn có lỗi với chính mình. Thế nên, thay vì rụt rè nói ra suy nghĩ chưa hoàn chỉnh của mình, vừa nói vừa xin lỗi, thì hãy dành thời gian để trau chuốt chính những ý kiến trong đầu mình, rồi tự tin cất lời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *