“Hãy làm điều bạn thích”

Cho 1 đứa trẻ cấp 1 “con tự do làm những gì con thích đi”, thì phần lớn chúng sẽ ôm điện thoại, ipad hoặc truyện tranh hoặc tivi ngay lập tức. 

Cho 1 học sinh trung học “con thoải mái làm những điều con thích đi” thì chúng sẽ đi chơi game, cà phê, chạy xe máy trên phố la hét, thậm chí hút thuốc và thử những cái chúng tò mò. 

Cho một sinh viên “hãy làm điều bạn thích” thì đại đa số sẽ chọn yêu đương bồ bịch, nhậu, ngủ, đi chơi, cà phê, mua sắm,….chứ ít ai chọn ngồi giải những phương trình dài ngoằng, những cuốn giáo trình khô khan, những sách chuyên môn dày cộm. Bạn cứ nhớ lại đi, thời đi học, hôm nào được nghỉ vì thầy cô ốm bệnh là cả lớp mừng rỡ, vì được đi chơi! 

Với người non nớt, chưa có sự chín chắn và óc già dặn của sự trưởng thành “hãy làm điều bạn ưa thích” là cái bẫy của sự bất hạnh. Và với người hay nói những câu như “tôi ghét nhất là, tôi chúa ghét…” thì họ chắc chắn là nhóm người hành xử rất cảm tính, để cảm xúc chi phối nhiều. Nay yêu mai ghét, nay thích mai chán, nay ưa mai hết ưa…thì không có sự sâu sắc và đức tin vững vàng (nay tin mai hết tin). Nếu họ chỉ làm “những thứ tôi đam mê” thì đời họ sẽ xoay tròn như 1 cái đèn cù quân vậy. Bạn có thể nhìn thấy quanh bạn, rất nhiều người, tuổi đã lớn nhưng chẳng có thành tựu gì như họ muốn, dù họ có năng lực. 

Đam mê, với người non nớt, sẽ thay đổi xoành xoạch. Cấp 1 có khi ước mơ làm phi công nhưng lên cấp 2 lại muốn thành diễn viên ca sĩ, lên cấp 3 có khi muốn thành giáo viên giám đốc kỹ sư bác sĩ nhưng cuối cùng lại trở thành anh hùng bàn phím, sống ảo trên mạng bình luận dạo khắp nơi. Thấy người ta nói cái gì hay là mình vội vàng “đam mê”, vài bữa lại hết. 

Đam mê là khái niệm chỉ dành cho người có đầu óc rất trưởng thành và nhận thức rất sâu, bản lĩnh rất vững, đức tin rất chân thành (người có tư chất). Vì nó gắn với 2 chữ TRÁCH NHIỆM. 

——

Nguồn: Tony Buổi Sáng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *