Hàu cổ ngỗng

Hàu cổ ngỗng (thuộc bộ Pedunculata) có nhiều tên gọi khác nhau như hàu ngỗng, hà ngỗng, hàu thân cây, móng rồng, rìa chân chó biển, ngón tay quỷ… là động vật biển ăn lọc thường sống bám vào bề mặt cứng như đá chìm, đống đổ nát, bến tàu, thuyền bè…trong khu vực vùng triều hoặc các vật nổi trôi dạt lênh đênh trên mặt biển. Mặc dù trong tên gọi có chữ “hàu” nhưng chúng không thuộc loài nhuyễn thể mà lại là động vật giáp xác đã bị biến đổi khác biệt với hình thù kỳ lạ: thân dài, phần móng vuốt có hình dạng như móng rồng. Vì hình dáng khác biệt nên nhiều người phải hết hồn khi món này được bày lên đĩa. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta dùng tên “móng rồng” cho dễ gọi và ngắn gọn. 

Móng rồng có thân hình rất cứng. Trên thế giới, loài động vật này xuất hiện nhiều ở bờ biển một số nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…Còn ở Việt Nam, chúng phân bố rải rác từ miền trung tới miền bắc, đặc biệt ở những khu vực có nhiều đá ngầm nằm trong vùng triều ven bờ. 

Mặc dù có ngoại hình đáng sợ nhưng hiện nay móng rồng đã trở thành thú vui ẩm thực, một món ăn cao cấp và đắt đỏ ở nhiều quốc gia Châu Âu. 

Một số loài móng rồng như Lepas anatifera là loài giáp xác có xương sống và thường được tìm thấy nhiều nhất trên những vùng triều có tảo mọc ven bờ biển. Không giống như hầu hết các các loài móng rồng khác, các loài móng rồng chuyên sống ở vùng triều như Pollicipes pollicipes và Pollicipes polymerus phụ thuộc vào chuyển động của nước thay vì chuyển động của chân tua của chúng để kiếm ăn, và do đó chỉ được tìm thấy ở địa hình bờ biển mở rộng tiếp xúc đại dương (không phải kiểu vịnh) hoặc phải tương đối thoáng. 

Vào thời gian trước khi biết loài chim có khả năng di cư, người ta đã nghĩ rằng loài ngỗng đen má trắng hay con gọi là ngỗng trời branta (tên khoa học Branta leucopsis) được tiến hoá từ loài giáp xác móng rồng, vì loài chim này chưa bao giờ được nhìn thấy làm tổ ở xứ sở châu Âu ôn đới, do đó móng rồng có tên tiếng Anh là “goose barnacle” (dịch sát nghĩa là hàu ngỗng) và tên khoa học là Lepas anserifera (trong tiếng Latin “anser” nghĩa là “ngỗng”). Sự nhầm lẫn xảy ra bắt nguồn từ sự tương đồng về màu sắc và hình dạng giữa móng rồng và ngỗng trời branta. Bởi vì móng rồng thường được tìm thấy bám trên gỗ lũa (gỗ lũa là những thân cây mục trôi dạt vào bờ biển, hồ hoặc sông do tác động của gió, thủy triều hoặc sóng), nên người ta cho rằng đó là ngỗng trời branta đậu vào các cành gỗ lũa trước khi chúng rơi xuống nước. Gerald of Wales – vị giáo sĩ cao cấp thuộc phân nhánh giáo hội Anh giáo ở Ireland (Vương quốc Anh) – đồng thời cũng là nhà sử học ở thế kỷ 12 đã cho rằng móng rồng khi lớn lên sẽ phát triển thành ngỗng trời branta và ông đã ghi lại trong bộ sách Topographia Hibernica rất nổi tiếng của mình. 

Xin nói thêm tác phẩm Topographia Hibernica (viết bằng tiếng Latinh) là bộ sưu tập bằng hình ảnh minh hoạ và ngôn ngữ diễn giải về địa hình, phong cảnh, sinh vật và và con người Ireland được viết bởi Gerald of Wales vào khoảng năm 1188, ngay sau cuộc xâm lăng của người Norman ở Ireland. Đó là công trình dài nhất và có ảnh hưởng nhất đối với Ireland – đã được lưu hành trong thời trung cổ và ảnh hưởng trực tiếp của nó tồn tại mãi đến thời kỳ đầu hiện đại.

Vì móng rồng được cho là “không phải thịt, cũng không được sinh ra từ thịt”, nên chúng được phép ăn vào những ngày mà việc ăn thịt động vật có vú bị cấm bởi đạo Anh giáo, mặc dù việc này không được chấp nhận phổ biến. Hoàng đế La Mã Frederick II đã kiểm tra loài giáp xác này và xác nhận rằng không có bất kỳ bằng chứng nào về phôi giống như loài chim trong cấu tạo cơ thể chúng, và thư ký của “Leo of Rozmital” (một nhà quý tộc nổi tiếng thời kỳ đó) đã viết một câu chuyện rất hoài nghi về phản ứng của ông khi được phục vụ món ăn móng rồng trong một bữa tối vào năm 1456.

Như đã đề cập ngay từ đầu, móng rồng bao gồm rất nhiều loài, thuộc nhiều chi và họ nằm trong bộ Pedunculata. Bộ này được chia thành các phân bộ và các họ sau đây:

– Heteralepadomorpha Newman, 1987

– Anelasmatidae Gruvel, 1905

– Heteralepadidae Nilsson-Cantell, 1921

– Koleolepadidae Hiro, 1933

– Malacolepadidae Hiro, 1937

– Microlepadidae Zevina, 1980

– Rhizolepadidae Zevina, 1980

– Iblomorpha Newman, 1987

– Iblidae Leach, 1825

– Lepadomorpha Pilsbry, 1916

– Lepadidae Darwin, 1852

– Oxynaspididae Gruvel, 1905

– Eolepadidae

– Poecilasmatidae Annandale, 1909

– Scalpellomorpha Newman, 1987

– Calanticidae Zevina, 1978

– Lithotryidae Gruvel, 1905

– Pollicipedidae Leach, 1817

– Scalpellidae Pilsbry, 1907

Ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, loài móng rồng Pollicipes pollicipes là một món ngon đắt tiền được tiêu thụ rộng rãi với tên gọi là percebes. Percebes được thu hoạch thương mại ở bờ biển phía bắc của Bỉ, chủ yếu ở Galicia và Asturias, nhưng cũng có ở bờ biển Tây Nam Bồ Đào Nha (Alentejo) và cũng được nhập khẩu từ các quốc gia khác trong phạm vi phân bố, đặc biệt là từ Morocco. Một loài móng rồng lớn hơn nhưng không ngon miệng bằng (loài Pollicipes polymerus) cũng được nhập khẩu vào Tây Ban Nha từ Canada cho đến năm 1999, khi chính phủ Canada ra lệnh ngừng xuất khẩu do cạn kiệt nguồn dự trữ.

Ở Tây Ban Nha, trước khi chế biến món ăn, percebes được đun sôi nhẹ trong nước muối và được phục vụ ăn nóng dưới một chiếc khăn ăn. Để ăn percebes, phần chân có hình dạng kim cương của chúng sẽ được kẹp giữa ngón tay cái và ngón trỏ để kéo lộ phần thân thịt hình ống phía trong ra khỏi lớp vảy. Chúng ta chỉ ăn phần thịt và loại bỏ phần móng vuốt. Lịch sử có ghi nhận rằng người dân bản địa California thường ăn thân của móng rồng sau khi đốt cháy lớp vỏ của chúng trong đống tro tàn nóng.

Bên Châu Âu, người dân hay có thói quen chấm thịt móng rồng với bơ chảy hoặc sốt tỏi aioli, sẽ rất ngon ngọt tuyệt vời !!!

Ngoài luộc thì móng rồng có thể nướng hoặc ăn sống nhưng chế biến chín sẽ mang lại hương vị thơm ngon hơn. Nhiều người sau khi ăn loài giáp xác có hình dáng xấu xí như ngón tay quỷ này nhận xét rằng chúng có mùi vị thơm ngon hơn tôm hùm hay cua hoàng đế. Loài giáp xác này hợp nhất để ăn với rau mầm, bơ, tỏi, nước chanh, ớt, rau mùi tây, cỏ xạ hương và rượu vang trắng.

Hiện nay, nhu cầu về món ăn này ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tăng đột biến đã dẫn đến việc khai thác quá mức ở các nước này và tràn vào khai thác bên vùng lãnh hải của Pháp. Những con móng rồng có giá lên tới cả 150 euro/kg. Giá cả và sự khan hiếm khiến người hâm mộ tiếp tục tiêu thụ chúng trong các bữa tiệc xa xỉ. 

(Tổng hợp theo Ốc Saigon)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *