Hôm trước, anh có chia sẻ về cách đối mặt với peer pressure – một vấn đề phổ biến mà nhiều bạn trẻ gặp phải. Hôm nay, anh muốn chia sẻ thêm cho các em câu chuyện của bản thân để các em có một góc nhìn khác nữa về vấn đề này, mong là sẽ có ích cho các em
Một bí mật đằng sau ánh hào quang của ngôi trường Harvard là khá nhiều người học ở đây thường xuyên phải đối mặt với áp lực cảm thấy “tầm thường.” Vì sao lại thế nhỉ?
Đối với bản thân anh, trong thời gian anh đi học tại Harvard, cảm giác “tầm thường” đó đến từ việc nhận ra rất sớm rằng các bạn học của mình xuất chúng đến như nào. Trong chuyên ngành chính sách công của anh, định nghĩa của từ xuất chúng không chỉ là giỏi, là thông minh, mà còn là những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.
Khi bản thân anh lúc đó còn đang khám phá xem mình có thể làm gì, thì những bạn học của anh có những người đã dành hàng chục năm đại diện cho cả một cộng đồng thiểu số ở một nơi xa xôi nào đó, hay từng đấu tranh dưới bom đạn ở những vùng còn chiến sự trên thế giới này. Điều đặc biệt là kể cả họ cũng cảm thấy còn “tầm thường” nên mới quyết định đi học, để sau khi học xong có thể làm những điều ý nghĩa hơn nữa.
Cảm giác “tầm thường” cũng đến khi anh nhìn vào những anh chị người Việt khóa trên đã từng học tại Harvard. Mỗi người có một con đường riêng, nhưng có những tấm gương đã và đang tạo ra giá trị trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh tới giáo dục. Sự ngưỡng mộ của anh dành cho họ thường xuyên trở thành một câu hỏi cho bản thân: liệu đến lượt mình, mình có thể tạo ra được giá trị cho xã hội giống như họ không?
Các em à, sự so sánh bản thân với người khác là điều tự nhiên. Chẳng ai là hoàn hảo cả, và khi so sánh với người khác, bao giờ chúng ta cũng sẽ tìm ra được một điều gì đó khiến cho bản thân cảm thấy “tầm thường.” Từ góc nhìn đó, tầm thường là một điều bình thường. Điều quan trọng là chúng ta làm gì với cảm xúc đó.
Nhận ra được mình “tầm thường” là bước đầu tiên để có động lực phấn đấu. Anh nghĩ rằng mỗi ngày, chỉ cần chúng ta nỗ lực bớt “tầm thường” hơn ở một khía cạnh nào đó, không phải so với người khác, mà so với chính bản thân chúng ta của ngày hôm qua.
Hơn thế nữa, càng lớn lên, chúng ta sẽ cần nhận ra rằng cuộc sống mở ra rất nhiều cơ hội công bằng cho tất cả mọi người để đi con đường riêng, và vì vậy điều duy nhất mà chúng ta có thể hướng đến là cái đích của con đường đó, thay vì so sánh với con đường mà người khác đang đi.
Nếu mình cứ kiên nhẫn đi trên con đường của bản thân, “tầm thường” có khi sẽ trở thành phi thường lúc nào không hay, các em nhỉ