“Mình cần nói chuyện về Kevin” là một tác phẩm thú vị. Tác giả không đứng ở ngoài theo dõi câu chuyện của gia đình Kevin mà để cho chính Eva – mẹ của Kevin kể lại cuộc đời của con trai mình qua những bức thư mà Eva viết cho chồng. Đây cũng chính là một điểm khác lạ của truyện này khiến người đọc bị cuốn vào nó.
Câu chuyện gia đình này chủ yếu khắc hoạ mối quan hệ của của hai mẹ con Kevin. Mình nghĩ đây không chỉ là cuốn sách trinh thám hay kinh dị, nó thiên về giáo dục, tâm lý nhiều hơn. Nên nếu bạn nào thích đọc tâm lí tội phạm sẽ vô cùng thích cuốn này, sure!
Kevin trong mắt Eva là một đứa trẻ kỳ lạ từ nhỏ, cậu không thích sự gần gũi với mẹ của mình như bao đứa trẻ khác. Những trò đùa của Kevin độc hại, những màn tra tấn tinh thần mẹ mình mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng là muốn Eva nếm đau khổ vì đã không muốn sinh cậu ra. Sự thiếu tình thương, không được chào đón ở thế giới này khiến Kevin biến thành đứa trẻ cộc cằn, lì lợm, đôi khi thật đáng sợ.
Kevin là một đứa trẻ thông minh, tinh quái tên sát nhân ấy đã giấu “một Kevin khác” quá sâu kỹ trong một Kevin bé nhỏ tưởng chừng như vô hại. Kevin tồn tại như một tên biến thái nhân cách mong muốn trả thù mẹ mình.
Còn Eva là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và tài giỏi. Mặc dù không muốn có con nhưng vì yêu chồng mà cô đã quyết định sinh một đứa nhỏ dù chẳng mấy mặn nồng, “gác lại những khát vọng cho sự xuất hiện của một đứa trẻ”. Khi Kevin hỏi cô:” Bà chưa từng muốn sinh tôi ra phải không?” Eva đã lặng người, mãi sau mới thốt lên”Mẹ nghĩ mẹ từng không muốn[…]. Bố con. Ông ấy muốn có con, cực kỳ mong mỏi”.
Nhưng điều mà Kevin cần lại là tình yêu thương thực sự của mẹ, giống như tình yêu mà mẹ dành cho cô em gái Celia, đó không phải là một tình yêu gượng ép, cố gắng hòa nhập vào tâm hồn của Eva.
Đọc cuốn sách này, một là bạn thấy thương cảm cho Kevin, giận sự lạnh nhạt không nên có của một người mẹ là Eva; một bên lại thấy thương cho Eva bởi cô cũng đã rất nỗ lực để nuôi dạy Kevin nhưng đứa trẻ ấy lại quá ương bướng. Với lối kể chuyện giản dị, bình bình nhưng cũng có lúc lại được đẩy lên cao trào bởi những phút giây tưởng chừng như muốn nghẹt thở bởi những vụ án và cảm xúc của tên sát nhân khiến người ta lạnh người. Chúng ta phải cùng nhau ngồi lại mà theo dõi câu chuyện về Kevin, về những gì đã khiến Kevin đánh thức con quỷ dữ trong mình mà trở thành tên sát nhân khiến người ta e sợ. Và cũng phải ngẫm xem Kevin như thế có đáng trách hay không?
Lionel viết lên một câu chuyện tưởng chừng như đen tối, chìm đắm trong bi thương của một gia đình có con là kẻ sát nhân. Nhưng đến phần cuối truyện, cái ôm của một “đứa trẻ” Kevin khi chính thức 18 tuổi và câu “Con xin lỗi” dù muộn màng nhưng vẫn khiến người đọc rơi nước mắt. Một cái kết ấy cũng khiến cho người đọc thấy bớt bi phẫn dường nào trước một đứa trẻ có nhân cách lệch lạc.
Một đứa trẻ phạm sai lầm, lỗi do chúng hay do chính sự giáo dục và định hướng nhân cách của cha mẹ? Đó là một câu hỏi lớn mà mọi người đặt ra sau khi gấp lại cuốn sách. Hãy cùng nhau đọc và đi tìm câu trả lời của riêng bạn nhé!