Hạnh phúc giản dị quan trọng như thế nào?

Từ ngày còn nhỏ, mình thường được dạy rằng: Phải biết trân trọng những gì con đang có.

Đến khi lớn rồi, mình mới biết rằng đây là một trong những bài học ý nghĩa nhất trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc.

Bạn hỏi mình “Hạnh phúc là gì” ư?

Mình tin rằng mỗi người đều có những mục tiêu riêng trong cuộc sống, vậy nên có lẽ nếu bạn hỏi một trăm người thì bạn cũng sẽ có được một trăm cái hạnh phúc khác nhau.

Nhưng theo quan điểm của cá nhân mình, khi đi hỏi, có lẽ bạn sẽ nhận được những câu trả lời kiểu như:

  • “Hạnh phúc là khi tôi được thấy con tôi hạnh phúc, lớn lên khỏe mạnh.”
  • “Hạnh phúc là khi tôi được ông xã đấm lưng cho.”
  • “Hạnh phúc là khi tôi được ăn cơm mẹ tôi nấu.”
  • “Hạnh phúc là khi tôi được ở bên cạnh người tôi yêu.”
  • “Hạnh phúc là khi chú cún đón tôi ở ngưỡng cửa mỗi ngày.”
  • “Hạnh phúc là khi tôi hoàn thành tốt công việc.”
  • “Hạnh phúc là khi tôi được điểm cao.”
  • “Hạnh phúc là những chuyến du lịch cả gia đình tôi đi cùng nhau.”

Theo mình, hạnh phúc thường là “nhỏ” (minor), chứ không cần phải “to”.

Mỗi ngày tích cóp và trân trọng cái “nhỏ”, rồi kết quả ta sẽ có cái “to”.

Tuy nhiên, mình nhận ra rằng hằng ngày chúng ta đều được nghe những điều ngược lại.

Lướt mạng một chút là ta sẽ bắt đầu cảm thấy như để có được sự thỏa mãn trong cuộc sống, ta sẽ cần đạt được những giá trị “to hơn”, “đắt hơn”, “mới hơn”, “độc hơn”, “có tiếng hơn” và “hào nhoáng hơn”.

Trong khi những giá trị giản dị, đời thường sẽ dễ bị dán mác là “tầm thường”, “nhàm chán” (dull) và “kém hấp dẫn”.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng hoàn toàn không có gì là sai trái.

Mình tin rằng đó là một trong những điều tất cả chúng ta đều nên hướng tới.

Tuy nhiên, trong quá trình “muốn nhiều hơn” ấy, ta cũng nên cẩn thận để trong ta không hình thành những thiên kiến (bias) làm ta xem nhẹ những giá trị giản dị và đời thường ở bản thân, và cả ở người khác.

Để nhận biết được thiên kiến này cũng dễ thôi.

Bí quyết của mình là hãy thử chú ý nhiều hơn tới cái cách chúng ta đang hằng ngày vô thức tự so sánh bản thân với người khác.

Khi ai đó nói rằng cuối tuần vừa rồi họ đi nghỉ dưỡng tại một khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng, liệu bạn – một người dành ngày cuối tuần để đi dạo trong công viên gần nhà – có mặc nhiên nghĩ rằng họ hạnh phúc hơn bạn hay không?

Tương tự như vậy, chúng ta thường cho rằng một chuyến tham quan Bảo tàng Louvre sẽ khiến ta hạnh phúc hơn việc ngồi đọc sách dưới hiên nhà.

Một bữa tối trong nhà hàng kiểu Ý nghe có vẻ hạnh phúc hơn bữa tối tự nấu tại gia.

Một buổi sáng dạo quanh trung tâm mua sắm nghe có vẻ hạnh phúc hơn một buổi sáng làm vườn và ngồi ngắm hoa cỏ.

Những điều mình chia sẻ ở trên nghe có hợp lý hay không, tất cả đều phụ thuộc vào khái niệm hạnh phúc của cá nhân bạn.

Tuy nhiên, cũng như cái cách một bức vẽ nguệch ngoạc của cô cháu gái 6 tuổi khiến mình cảm nhận được nhiều cảm xúc mãnh liệt hơn bất cứ kiệt tác hội họa nào của Claude Monet, “hạnh phúc” dường như cũng là một khái niệm khá là khó để nắm bắt và luôn ẩn chứa những điều bất ngờ.

Hạnh phúc, dường như không thể được theo đuổi một cách trực tiếp, như cái cách ta tỉ mỉ xếp từng bông hoa thành một bó hoa.

Nó có thể từ chối hiện diện trong những chuyến du lịch cao cấp nhất hay trong món ăn đắt đỏ nhất.

Hạnh phúc, cũng giống như bao trạng thái cảm xúc tích cực khác, rất mong manh dễ vỡ.

Nó nhạy cảm với tâm trạng, yếu đuối trước nghịch cảnh và bị phụ thuộc vào cách ta nhìn nhận thế giới xung quanh ta.

Những niềm hạnh phúc giản dị dẫu cho thường là “nhỏ” (minor).

Nhưng chúng không bao giờ là “bé” (small).

Tự nấu một bữa cơm.

Tắm nước nóng.

Ngủ ngon dưới chăn ấm.

Lau sạch sàn nhà.

Trò chuyện với bà nội.

Tưới nước một chậu cây.

Xem lại album ảnh hồi còn bé.

Nếu như được ta trân trọng và nâng niu mỗi ngày, những hoạt động như trên có khả năng trở thành những nguồn hạnh phúc dồi dào nhất và đem lại nhiều tính thỏa mãn nhất cho đời sống đang ngày một phức tạp của con người hiện đại chúng ta.

Quan trọng hơn cả, khi mình dùng từ “nhỏ” (minor) để mô tả về những niềm hạnh phúc giản dị, thì mình đang muốn nhấn mạnh một quan điểm rằng:

Chứ “nhỏ” ấy là để mô tả mức độ dễ tiếp cận của những nguồn hạnh phúc này, chứ không phải là để mô tả hàm lượng hạnh phúc nó có thể mang lại.

Chữ “nhỏ” cũng là để nhắc cho mình nhớ rằng có rất nhiều điều tốt đẹp đáng để thưởng thức trong cuộc sống, dù cho chúng ta thường ít khi trân trọng chúng.

Theo mình, mỗi niềm hạnh phúc “nhỏ” đều là một niềm hạnh phúc “lớn” đang chờ đợi (in-waiting).

Hiện giờ nó vẫn còn “nhỏ”, bởi lẽ nó vẫn còn đang chưa nhận được những sự trân trọng “lớn” mà nó xứng đáng được nhận, vậy nên nó vẫn đang chờ.

Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ chê cười mình vì những quan điểm sống hạnh phúc nghe có vẻ quá ngây thơ mà mình vừa chia sẻ.

Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ muốn nói với mình rằng “Cuộc đời phức tạp hơn thế nhiều!”, và rằng “Nếu không nhắm tới những mục tiêu lớn thì ta sẽ mãi mãi không thể đạt được những điều vĩ đại!”

Theo mình, “Biết trân trọng những gì con đang có” không nên bị hiểu nhầm là lời cự tuyệt với sự phát triển hay sự thành đạt, cả về mặt vật chất và tinh thần.

Nó cũng không nên được sử dụng như một cái cớ để bao biện cho thói lười biếng hay lối sống mòn tiêu cực.

Thông điệp mà mình muốn trao gửi thông qua bài viết này, là trân trọng những giá trị ý nghĩa “nhỏ” nhiều hơn, chứ không phải ngừng theo đuổi những giá trị “lớn” và chính đáng.

Theo kinh nghiệm ngây thơ của cá nhân mình, bằng cách chú ý dành nhiều tình cảm hơn với những niềm hạnh phúc “nhỏ”, ta cũng sẽ có cơ hội để sống một cuộc đời lành mạnh hơn, thân thiện hơn và đặc biệt hơn cả, là trân trọng chính bản thân ta nhiều hơn.

“Keep Moving Forward”

Chấp bút và Minh họa: Tom’s Sharing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *