Lo càng thêm lo
Chợ Siêu thị Đà Nẵng nằm trên đường Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê với khoảng gần 500 tiểu thương kinh doanh. Ghi nhận của PV Dân Việt tại đây, dù đang trong mở cửa nhưng chợ rất vắng người mua.
Buôn bán ế ẩm, thua lỗ, nhiều chủ kiot tại đây phải tắt điện, đóng cửa để giảm bớt chi phí. Có chủ cửa hàng treo biển “sang lại kiot”, có chủ quầy hàng đóng cửa từ lâu.
Chưa hết buồn vì vắng khách, mới đây các tiểu thương tại chợ Siêu Thị Đà Nẵng lại thêm lo vì hay tin chủ đầu tư sẽ tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360.000 đồng lên 681.000 đồng/m2/tháng. Kể từ ngày 4/11 tới đây, nếu tiểu thương nào không đóng tiền, chủ đầu tư sẽ tiến hành cắt điện.
Theo nhiều các tiểu thương, mức tăng như vậy là quá cao. Trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, nhiều khả năng họ sẽ phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.
Bà Hoà, tiểu thương bán tạp hoá tại chợ, cho biết, với diện tích 7,5m2, mỗi tháng bà phải trả tiền thuê mặt bằng là 2,4 triệu đồng. Theo mức tăng mới, bà không thể kham nổi tiền thuê vì tình hình buôn bán tại chợ ngày càng khó khăn.
Tương tự, bà Dung, chủ quầy bán giày dép cho hay, bà và các tiểu thương kinh doanh tại đây đang như ngồi trên lửa và đối diện với nguy cơ đổ nợ vì kinh doanh ế ẩm nhưng sắp tới giá thuê mặt bằng tăng cao.
“Kinh doanh ế ẩm, giờ lại tăng giá thuê mặt bằng thì tôi tính phải trả lại thôi, không gánh nổi. Với mức giá mới này có thể rất đông các tiểu thương phải bỏ chợ”, bà Dung nói.
Nguy cơ đóng cửa chợ
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV chợ Siêu Thị Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân phải điều chỉnh tăng giá thuê mặt bằng là vì giá thuê đất theo chu kỳ mới mà công ty phải trả đã tăng đột biến.
Cụ thể, chu kỳ từ 2013-2014, công ty được miễn tiền thuê đất. Chu kỳ 2015-2019, tổng mức UBND TP.Đà Nẵng hỗ trợ công ty (trực tiếp và gián tiếp) về tiền thuê đất là 1,158 tỷ đồng/năm, công ty chỉ đóng 7 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến chu kỳ 2020-2024, mức đơn giá thuê đất mới đã tính lại theo Thông báo số 3791/TB-CTDAN ngày 3/10/2022 của Cục Thuế Đà Nẵng là hơn 2,122 tỷ đồng/năm.
Theo ông Hoàng, mức tăng này là rất cao nhưng không hiểu vì sao công ty vẫn chưa nhận được thông báo của thành phố về việc có tiếp tục hỗ trợ với mức 1,158 đồng/năm như đã áp dụng trong chu kỳ 2015-2019.
Trong khi đó, công ty phải chịu những khoản chi phí khác như chi phí quản lý, chi phí lãi vay tăng cao, khấu hao, chi phí điện nước tăng cao.
Vì vậy, công ty xây dựng phương án tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360.000 đồng lên 681.000 đồng/m2/tháng (đơn giá tối đa) gửi Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan.
Tuy nhiên, ngày 29/8/2023, công ty nhận được công văn dự thảo mà Sở Tài chính trình UBND thành phố, chỉ chấp nhận đơn giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng là 393 nghìn đồng/m2/tháng.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV chợ Siêu Thị Đà Nẵng, đơn giá này quá thấp, bởi vì với đơn giá tối đa 681 nghìn đồng/m2/năm, công ty cũng chỉ đắp được 80% tiền thuê đất, còn 20% công ty phải bù thêm.
Vì vậy, ngày 11/10/2023, ông Lê Trí Thọ, Chủ tịch HĐQT công ty có công văn gửi UBND TP.Đà Nẵng, Sở Tài chính, Sở Công Thương với nội dung, công ty chỉ tạm chấp nhận với giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Sở Tài chính thẩm định là 393 nghìn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh).
“Nếu UBND TP.Đà Nẵng không hỗ trợ như trước đây và phê duyệt mức giá của Sở Tài chính TP.Đà Nẵng trình là 393.0000 đồng/m2/tháng, ngày 1/12/2023, công ty buộc lòng đóng cửa chợ. Hiện đơn vị còn nợ tiền chậm nộp là 450 triệu đồng và tiền thuê đất năm 2023 cũng chưa đóng vì chưa có nguồn”, ông Hoàng thông tin.