Sáng 15/3, hàng nghìn người đã đổ về tham dự Lễ hội Phở Vân Cù, làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là làng nghề nấu phở và làm bánh phở lâu năm ở Nam Định.
Được biết, nghề phở đã có ở đây từ đầu thế kỷ 20, khi nhà máy dệt được xây dựng và đi vào hoạt động, người dân ở đây đã chế biến phở từ các món ăn quen thuộc như bún xáo, bánh đa… đem bán ở những nơi có nhà máy, bến tàu, bến cảng, ga xe lửa… Nghề phở ở Vân Cù hình thành và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Đến nay, nhiều gia đình ở Vân Cù đã có tới 3-4 thế hệ theo nghề truyền thống.
Trải qua hơn 100 năm, Phở Vân Cù đã trở thành thương hiệu và là món ăn tiêu biểu cho nền văn hoá ẩm thực Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó là niềm tự hào của không chỉ người dân làng Vân Cù mà còn của cả tỉnh Nam Định.
Tại Vân Cù, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định đã tôn vinh các nghệ nhân cao tuổi ở làng gồm cụ Cồ Việt Hùng, Cồ Hữu Chênh, Cồ Hữu Chênh, Cồ Huy Kiên, Cồ Huy Nghi, Cồ Năng Vân, Vũ Quang Lê.
Nhằm tạo điều kiện cho Phở Vân Cù được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho hơn 50 người làng Vân Cù được sử dụng logo Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định và Chi hội phở Vân Cù, khẳng định các hội viên sẽ phải hoạt động trong khuôn khổ điều lệ của hội và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa ẩm thực.
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra lễ rước của người dân làng Vân Cù và lễ tế Thánh tại đình làng, thể hiện mong muốn một năm mới với nhiều thành công cho những người con của làng, những người vẫn đang tiếp tục mang phở Vân Cù đi khắp Việt Nam và thế giới.
Tại lễ hội, nhiều du khách trong nước và nước ngoài đã có dịp thích thú trải nghiệm làm bánh phở cùng các nghệ nhân, thưởng thức những bát phở ngon nhất, đúng gốc thương hiệu “Phở Vân Cù”.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Cù Văn Lầu cho biết, cha đẻ ông cùng chú bác trong gia đình là một trong những người khai sinh ra thương hiệu “Phở Vân Cù” nổi tiếng.
Theo ông Lầu, từ khoảng những 1950 đến 1960 cuộc sống ở quê đói khổ, bác ruột và cha ông đã lang bạt lên Hà Nội mang theo những gánh phở bán rong để kiếm bát cơm sống qua ngày. Cũng từ đây, nhiều người dân làng Vân Cù đã noi theo.
“Cũng chính vì thế mà có thương hiệu phở Vân Cù ngày hôm nay, bố tôi năm nay cũng đã ngoài 90 tuổi mới từ Hà Nội để tham gia lễ hội. Nhờ phở mà nhiều người có cuộc sống khá giả, con cháu tôi hiện cũng đi khắp nơi đưa hương vị phở đến gần hơn với những người đam mê phở”, ông Lầu nói.
Theo ông Vũ Ngọc Vượng, Chi hội phó Chi hội Phở Vân Cù, người làng Vân Cù trên cả nước sẽ cùng nhau duy trì chất lượng thương hiệu phở Vân Cù, đồng thời mở rộng giao lưu với các hội đầu bếp, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch ở làng Vân Cù. Tất cả các thành viên trong Chi hội, dù ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Dương hay TP.HCM… cũng đều giới thiệu về Vân Cù cùng những câu chuyện về ngôi làng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Cồ Như Đồi, Chủ tịch Chi hội phở Vân Cù cho biết, năm 2022 Chi hội phở Vân Cù được thành lập, là tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định.
Chi hội được thành lập với tôn chỉ mục đích quy tụ, đoàn kết những người đang làm nghề phở và yêu mến món ăn truyền thống tinh túy của quê hương để cùng hỗ trợ, học hỏi, sáng tạo, giúp đỡ nhau bảo vệ nghề truyền thống của cha ông, để mang đến cho người dân và du khách những bát phở ngon nhất, đúng gốc thương hiệu “Phở Vân Cù”.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nam Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định cho biết, phở bò, cùng với kẹo Sìu Châu, nem nắm Giao Thủy, nước mắm… là những món ăn có trong danh sách được tôn vinh trong top 50 món ăn đặc sản của Việt Nam.
“Sức sống của phở rất mãnh liệt, lan tỏa và phát sinh thành các loại hình phở khác nhau. Phở Vân Cù mang trong đó cả một câu chuyện về lịch sử, kinh nghiệm tri thức dân gian, bí quyết nghề nghiệp, tập quán xã hội…, phản ánh bản sắc của cộng đồng, có giá trị văn hóa tiêu biểu để trở trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông Thư bày tỏ.
Do đó, ông Nguyễn Văn Thư cũng cho rằng, phở cần được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là một di sản văn hóa ẩm thực. Ngoài việc làm ra một bát phở thơm ngon bảo đảm chất lượng, và an toàn vệ sinh thực phẩm…, cần có văn hóa trong bán phở để thương hiệu phở Vân Cù bay cao, bay xa.