Một cuộc điều tra được một nhóm dân sự công bố mới đây đã tiết lộ rằng 15,3% người lao động tại Hàn Quốc là nạn nhân của lạm dụng trực tiếp, dưới hình thức thể chất hoặc bằng lời nói tại nơi làm việc. Thông tin này gây xôn xao dư luận Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nạn bắt nạt tại công sở đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Hàn Quốc: Bị sếp đánh, chửi ngay tại công sở
Tổ chức phi chính phủ mang tên Workplace Gapjil 119 đã thực hiện cuộc khảo sát trên 1.000 người lao động trên toàn Hàn Quốc để đo lường mức độ lạm dụng trong môi trường làm việc. Kết quả cho thấy, khoảng 14,8% nhân viên văn phòng, 17,2% lao động chân tay và 15,2% người làm trong ngành dịch vụ đã phải đối mặt với các hình thức bạo lực thể chất hoặc lời nói khi làm việc.
Gapjil 119 thông báo rằng họ đã nhận được 516 báo cáo về lạm dụng nơi làm việc từ tháng 1 đến tháng 11/2023, trong đó có 65 trường hợp liên quan đến việc sử dụng vũ lực trực tiếp. Các hành động này bao gồm việc bị đánh đập, ném đồ vật hoặc đe dọa, và có hành vi trả thù sau khi nạn nhân báo cáo với cơ quan chức năng.
Gapjil 119 cho biết: “Khi bị tấn công tại nơi làm việc, người bị hại cần báo cáo ngay lập tức cho cảnh sát để có bằng chứng cần thiết và đảm bảo rằng thủ phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Lao động về việc vi phạm Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động”.
Thuật ngữ “Gapjil” trong tiếng Hàn mô tả tình trạng một người lợi dụng vị trí cấp trên của mình để bắt buộc hoặc quấy rối người khác ở vị trí thấp hơn, và nó được sử dụng rộng rãi để mô tả tình trạng quấy rối tại nơi làm việc.
Cuộc khảo sát vào tháng 7/2023, cũng do tổ chức này tiến hành với 1.000 công nhân Hàn Quốc, đã chỉ ra rằng 33,3% đã trải qua một số hình thức lạm dụng trong sự nghiệp của họ. Lạm dụng bằng lời nói là hình thức phổ biến nhất với 22,2%, tiếp theo là mệnh lệnh không phù hợp với 17,2%.
Một trường hợp đáng chú ý được báo cáo đến tổ dân sự, một nhân viên bị buộc phải quỳ gối trong 20 phút sau khi không trả lời được câu hỏi của CEO.