Hai vở kịch Nô của Mishima trong Chết giữa mùa hè thể hiện một tình yêu đau khổ và dằn vặt đến tự diệt
Nàng Aoi và Đạo Thành Tự (Dojoji) là hai tác phẩm dựa trên kịch Nô cổ điển mà Yukio Mishima chấp bút cải biên. Nàng Aoi được lấy từ tích truyện trong Truyện Genji, kể về nàng Aoi xinh đẹp, con gái quan Tả Thừa tướng nhưng mẹ nàng lại là em ruột Hoàng đế Kiritsubo nên nàng là em họ Genji, tuy nhiên lại lớn hơn Genji vài tuổi. Genji đối xử lạnh nhạt với Aoi vì trong lòng vẫn còn đầy ắp tình cảm với mẹ kế là Hoàng phi Fujitsubo (mối tình vượt qua lễ giáo này đã từng được đề cập trong sáng tác của Tanizaki Junichiro như Sắn dây núi Yoshino). Khi lớn lên, Genji lại có quá nhiều phụ nữ bên cạnh, từ Yuugao, Utsusemi, Rokujo… chàng quen thói ăn chơi phóng đãng, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ khiến nàng đau khổ rồi mang tâm bệnh.
Trong cả hai vở Nô hiện đại và cổ điển, nhân vật chính đều là Rokujo và Genji. Trong vở Nô cổ điển, Aoi chỉ được tượng trưng bằng chiếc áo, con trong vở hiện đại, cô bị bệnh nằm mê man trên giường. Trong vở hiện đại, ghen tuông lồng lộn với Aoi, Rokujo đã xuất hồn để hãm hại Aoi tại bệnh viện, hòng chiếm đoạt thể xác của nàng. Tuy nhiên cũng có người cho rằng, cơn ghen ấy có thể xuất phát từ chính Aoi, khi nàng ta tự mình dằn vặt đến mức tâm thần loạn ý.
Đạo Thành Tự (Dojoji) là một vở Nô truyền thống khác, rất đặc sắc ở chỗ trên sân khấu có một chiếc chuông lớn. Trong kịch Nô cổ điển, bối cảnh ở một ngôi chùa, nơi có giới luật nghiêm ngặt, không cho phép phụ nữ có mặt tại chùa khi nghi lễ được cử hành. Nhưng có một vũ nữ vào một hôm đẹp trời đã cầu xin được biểu diễn trong chùa. Bằng động tác uyển chuyển như phi yến, nàng đã mê hoặc tất cả mọi người, rồi chầm chậm lại gần quả chuông mà đánh một cái thật mạnh. Đến lúc này mọi người mới bừng tỉnh và nghe trụ trì kể chuyện về giai thoại cái chuông.
Nhiều năm trước có một nhà sư từ phương Bắc trên đường ngoạn cảnh xin tá túc trong một ngôi nhà. Cô gái con chủ nhà đem lòng yêu nhà sư, nhưng giới luật thanh quy, nhà sư chẳng thể đáp lại, chỉ còn cách bỏ trốn. Ông vượt con sông tới chùa Đạo Thành rồi trốn trong cái chuông. Cô gái đuổi theo nhưng không thấy nhà sư đâu, đùng đùng nổi giận hóa thành con rắn quấn quanh chuông chùa. Chuông liền như có lửa đốt thiêu chết nhà sư trốn trong đó. Qua bàn tay tài tình của Mishima, câu chuyện đổi thành tiệm bán đồ cổ thay vì chùa Đạo Thành, cái tủ quần áo thay vì cái chuông, cô đào Kiyoko thay vì người đàn bà si tình hóa rắn. Kế thừa truyền thống của kịch Nô cổ điển nhưng Mishima đã có cách tân, mở ra một cái kết mới cho Đạo Thành Tự, để cho cô gái đi theo nhân tình mới chứ không ôm chặt lấy chấp niệm rồi dẫn cả hai tới bước đường tự diệt.
#chết_giữa_mùa_hè