Thứ bảy, ngày 17/05/2025 20:08 GMT+7
Hà Nội: Vượt hàng chục km, nhiều lao động tới tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm huyện Ba Vì vì lý do này
Thùy Anh Thứ bảy, ngày 17/05/2025 20:08 GMT+7
Hàng trăm lao động đã vượt hàng chục km, có mặt từ sáng sớm để tham dự Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì (Hà Nội) năm 2025. Nhiều lao động đã được tư vấn, giới thiệu việc làm thành công.
Rất đông lao động tới phiên giao dịch tìm kiếm việc làm
Sáng 17/5, UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên giao dịch việc làm huyện Ba Vì năm 2025. Phiên giao dịch thu hút đông đảo người lao động địa phương và đến từ cả các huyện lân cận như Sơn Tây, Quốc Oai, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc),…
Có mặt từ sáng sớm, tham gia phiên giao dịch việc làm, chị Lê Thị Thoa (49 tuổi) vừa nghỉ việc ở Công ty TNHH Durian mong muốn tìm được công việc mới.
Chị Thoa kể, chị nghỉ việc ở công ty được 5 tháng, nhưng mãi không được công ty chốt sổ BHXH vì thế không đủ điều kiện làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị cũng không tìm được việc làm vì lý do chưa thể chuyển BHXH.
“Tôi tham gia BHXH được 26 năm, nhưng công ty nợ đóng BHXH 20 tháng. Tôi nhiều lần kiến nghị công ty chốt sổ để giải quyết chế độ mà công ty nói chủ người Đài Loan (Trung Quốc) bị bắt nên mãi không giải quyết được”, chị Thoa kể.
Không có việc làm, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khiến cuộc sống của chị Thoa gặp nhiều khó khăn.

“Tôi mong muốn qua phiên giao dịch việc làm, tôi có thể tìm kiếm được một số công việc phù hợp để có thêm thu nhập lo cho bản thân, gia đình. Quan trọng hơn, tôi cũng mong muốn công ty chốt sổ BHXH để thực hiện trợ cấp thất nghiệp và chế độ lương hưu sau này”, chị Thoa kể.
Tại phiên giao dịch việc làm, chị Thoa được giới thiệu một số công việc phù hợp như: Công nhân may; giúp việc gia đình; công việc văn phòng… Ngay sau đó, chị đã nộp hồ sơ chờ tuyển dụng.
Cũng có mặt sáng sớm nay tại sân Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì, chị Tích (38 tuổi), từng làm kế toán cho công ty tư nhân tại thị trấn Ba Vì vượt gần 20 km (từ nhà ở Sơn Tây) đến phiên giao dịch việc làm Ba Vì tìm việc với lý do: “Công việc ở công ty cũ ổn định, thu nhập khá nhưng không có thời gian đưa đón con đi học. Em cần công việc linh hoạt hơn, thu nhập thấp hơn chút là được”.

Ngay sau khi cung cấp thông tin, chị được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giới thiệu tới bàn tuyển dụng của Công ty TNHH Dược phẩm Khang Linh để trao đổi công việc.
Bà Nguyễn Thị Kim – Cán bộ tuyển dụng của Công ty TNHH Dược phẩm Khang Linh đã tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm chuyên kế toán cho chị Tích. Ngoài ra, bà còn mời lao động tham gia các chương trình làm cộng tác viên giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội việc làm khác cho người lao động.
Phiên giao dịch việc làm huyện Ba Vì thu hút 31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, mang đến 1.983 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động. Trong đó, 1.663 chỉ tiêu l tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu lao động, 320 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề. Nổi bật là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất – 768 chỉ tiêu, tương đương 46,2% tổng nhu cầu. Gần 50% vị trí có mức lương từ 15 triệu đồng trở lên – chủ yếu thuộc nhóm chỉ tiêu xuất khẩu lao động, công việc chất lượng cao hoặc yêu cầu chuyên môn cao. Phổ biến hơn cả vẫn là mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 31% tổng số chỉ tiêu.
Lao động cần việc, vì sao doanh nghiệp khó tuyển dụng?
Đại diện cho Công ty TNHH TM và sản xuất Đức Minh – đơn vị chuyên sản xuất tủ chứa bia cũng tham gia tuyển dụng lao động trong phiên giao dịch sáng nay
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, chị Cao Thị Châm – Nhân viên hành chính nhân sự tham gia tuyển dụng cho biết: Đợt này công ty có nhiều đơn hàng và cũng đang có ý định mở rộng quy mô nên có nhu cầu tuyển dụng khoảng 40-50 vị trí việc làm, ở nhiều vị trí việc làm khác nhau. Từ công nhân phổ thông cho tới các vị trí kế toán, quản lý. Mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng với lao động phổ thông và từ 13-17 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn với các vị trí quản lý.
Mặc dù đang rất cần lao động, nhưng công ty gặp khá nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Theo chị Châm, những năm trước hoạt động tuyển dụng dễ dàng hơn. Riêng năm nay, công tác tuyển dụng rất khó khăn. Lý do là bởi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, chế độ phúc lợi, tiền lương của công ty này cao hơn các doanh nghiệp trong nước dẫn tới lao động lựa chọn làm việc ở các công ty nước ngoài.
Mặt khác, cũng theo quan sát của chị Châm, thời gian qua xu hướng tự tạo việc làm, cũng như việc làm tự do, làm việc online… khá phát triển, vì thế lao động có nhiều lựa chọn hơn. Lao động thích các công việc tự do, sáng tạo không ràng buộc thời gian hơn…
“Từ những phân tích trên, chúng tôi đã kiến nghị ban giám đốc đổi mới chính sách tuyển dụng, tăng cường chính sách phúc lợi, nâng cao mặt bằng tiền lương, tiền thưởng và đặc biệt kiến nghị công ty xây dựng nhà ở cho công nhân để ‘hút’ lao động từ xa tới làm việc”, chị Châm nói.

Phát biểu tại lễ khai mạc phiên giao dịch, ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì – đánh giá: “Việc tổ chức phiên giao dịch không chỉ nhằm kết nối lao động – doanh nghiệp mà còn là giải pháp căn cơ trong giải quyết việc làm bền vững. Với quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp được nâng lên rõ rệt, phiên giao dịch năm nay hứa hẹn đem lại nhiều giá trị thiết thực cho người dân địa phương.”
Ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Trong bối cảnh thị trường việc làm có dấu hiệu khởi sắc nhưng không đồng đều, nhiều lao động – đặc biệt là nữ công nhân và sinh viên mới ra trường – vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng phù hợp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại “khát” nhân lực phổ thông và công nhân lành nghề, nhưng tuyển khó – giữ chân còn khó hơn…
“Phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% GRDP trong năm 2025. Đặc biệt, việc nâng cao hiệu quả hệ thống Sàn giao dịch việc làm – bao gồm cả điểm vệ tinh như Ba Vì – là then chốt trong kết nối cung – cầu lao động”, ông Nam nói.
Ông Nam lưu ý các doanh nghiệp, cần phải thay đổi cách tiếp cận – từ đơn thuần “đòi hỏi kỹ năng” sang “chấp nhận đào tạo lại,” xây dựng môi trường làm việc nhân văn, đãi ngộ tốt và gắn kết dài lâu.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nam, phiên giao dịch việc làm huyện Ba Vì năm 2025 là nơi người lao động – đặc biệt là lao động trẻ – được tư vấn nghề nghiệp, kết nối đào tạo, xuất khẩu lao động và tiếp cận thông tin toàn diện về thị trường việc làm. Đây cũng là nơi để doanh nghiệp tuyển dụng lao động, khảo sát bổ sung chính sách tiền lương, tiền thưởng, nâng cao môi trường làm việc… tăng khả năng cạnh tranh tuyển dụng và giữ chân người lao động.