Bài trước: Hà Nội vươn mình tiên phong trong chuyển đổi số, lan tỏa đến từng người dân: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng “Công dân Thủ đô số – iHanoi” (Bài 1)
Tập trung hơn 10 triệu dân với số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), Hà Nội gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, hàng loạt kết quả tích cực đã được ghi nhận trong thời gian qua. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% các cơ quan nhà nước của thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) đã được triển khai kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ, ngành. Đến tháng 6/2024, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp.
Ngày nào cũng vậy, bộ phận trực văn phòng UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) liên tục nhận được thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân trên ứng dụng iHanoi.
Theo đó, một người dân phản ánh, tại tòa nhà CT5X2 Bắc Linh Đàm có quán ăn dựng không phép, lấn chiếm không gian, không đảm bảo PCCC… Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt ngay lập tức chỉ đạo cán bộ phụ trách đô thị, thanh tra xây dựng phường có mặt tại hiện trường xử lý, đồng thời sớm có báo cáo phương án giải quyết, trả lời công dân.
Khi tiếp nhận thông tin hàng quán mở xuyên đêm gây mất trật tự tại chung cư HUD3 Linh Đàm, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt đã yêu cầu các đơn vị liên quan trực tiếp nhắc nhở, xử lý. Hoàng Liệt là phường đông dân bậc nhất Hà Nội với dân số khoảng gần 100.000 người. Tuy nhiên, đây là nơi luôn đạt những kết quả khả quan trong mọi công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, địa phương có nhiều đổi mới trong công tác chuyển đổi số.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Thắng cho biết, tuy vừa đi vào hoạt động, ứng dụng iHanoi đã trở thành công cụ quan trọng, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp tại Thủ đô, bao gồm: Chức năng phản ánh hiện trường, dịch vụ công trực tuyến, cổng tham vấn đối thoại dành cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, tổng đài hỏi đáp tự động tích hợp AI cùng các dịch vụ hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực. Những tiện ích này không chỉ nâng cao chỉ số phục vụ người dân mà còn thúc đẩy chuyển đổi số tại Hà Nội.
“Mỗi ngày phường Hoàng Liệt tiếp nhận rất nhiều ý kiến phản ánh đóng góp của nhân dân. Khi tiếp nhận thông tin chúng tôi đều giao cho các đơn vị chuyên môn có phương án xử lý. Mục “Phản ánh hiện trường” của ứng dụng iHanoi được thiết kế trực quan, thao tác nhanh và dễ sử dụng. Người dân có thể gửi phản ánh và theo dõi tiến trình xử lý ngay trên ứng dụng, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và tạo ra kênh thông tin minh bạch giữa người dân và chính quyền”, ông Thắng thông tin.
Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho hay, việc áp dụng chuyển đổi số đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi, góp phần tinh gọn bộ máy hành chính. Người dân làm thủ tục hành chính không phải trực tiếp lên cơ quan hành chính nhà nước, có thể ngồi tại nhà và được trả kết quả ngay tại nhà.
“Trước đây, khi trực tiếp đến Ủy ban phường làm thủ tục, nếu nhu cầu quá lớn, nhiều người dân phải chờ đợi, xếp hàng. Khi thực hiện thủ tục hành chính trên không gian mạng, họ không phải mất công đi lại, thêm vào đó các giai đoạn được thực hiện công khai minh bạch. Việc không phải trả tiền mặt trực tiếp mà thông qua tài khoản càng làm cho người dân tin tưởng, ủng hộ việc chuyển đổi số”, ông Thắng chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị Lan Phương, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND quận Tây Hồ đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chuyển đổi số thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo bà Phương, cụ thể, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành Kế hoạch về “Chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; UBND quận đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh đến năm giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch về Chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh năm 2024…
“Tổng kinh phí đầu tư đề án chuyển đổi số trên địa bàn toàn quận khoảng 200 tỷ đồng, giai đoạn này đang thực hiện nâng cấp các trang thiết bị, máy móc từ quận đến phường, đồng bộ các nội dung. Qua quá trình triển khai, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong quận đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân”, bà Phương khẳng định.
Bà Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh, đến nay, các hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai đồng bộ trong toàn quận với mục tiêu “Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”, được cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Qua đó, quận Tây Hồ đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Hệ thống thông tin của UBND quận và 8 phường trực thuộc quận Tây Hồ cấp độ 2 đạt 100%; học bạ số cho học sinh trên địa bàn quận đạt 100%; số hóa hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%; 100% công chức trên địa bàn quận đã được cấp và sử dụng chữ ký số trong xử lý công việc…
“Đặc biệt, quận Tây Hồ là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình thu phí không dùng tiền mặt được khai thác tại Phủ Tây Hồ, được thành phố đánh giá cao. Hiện tại 10 bãi xe trên địa bàn quận thực hiện hình thức này mang lại nhiều lợi ích, tính minh bạch cho người dân. Khi thành phố triển khai iHanoi, quận tích cực chỉ đạo hơn 60.000 người trên địa bàn cài đặt ứng dụng này, xử lý các phản ánh, cơ bản đạt hiệu quả cao, tỉ lệ đánh giá hài lòng cao.
Trong tời điểm này, UBND quận chỉ đạo các ngành, công an, tổ chuyển đổi số cộng đồng tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, tuyên truyền về tính năng, tiện ích của ứng dụng công dân thủ đô số, người dân hiểu và cài đặt. Các phường, tổ dân phố rất tích cực, ngày nào cũng đẩy mạnh triển khai”, bà Phương nêu rõ.
Những vấn đề công dân phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi được chính quyền xử lý kịp thời.
Một trong những bước tiến quan trọng của ứng dụng iHanoi là việc tích hợp nền tảng định danh điện tử VNeID, chính thức triển khai từ ngày 11/11. Việc này không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dân mà còn giúp nâng cao mức độ bảo mật thông tin cá nhân. Với sự tích hợp VNeID, người dân giờ đây có thể sử dụng một tài khoản duy nhất để đăng nhập và truy cập vào nhiều dịch vụ công trực tuyến của TP Hà Nội, bao gồm ứng dụng iHanoi và Cổng dịch vụ công TP.Hà Nội. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và giảm bớt sự phiền toái khi phải nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu khác nhau.
Đặc biệt, VNeID hỗ trợ xác thực thông tin cá nhân nhanh chóng và thuận tiện, không yêu cầu nhập lại các thông tin như số CCCD, họ tên hay ngày sinh như phương thức đăng nhập qua số điện thoại trước đây.
Anh Nguyễn Văn Bình cho biết, rất hài lòng với ứng dụng iHanoi, đặc biệt là việc tích hợp VNeID.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Bình (29 tuổi), người dân phường Kim Giang, quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi rất hài lòng với ứng dụng iHanoi, đặc biệt là việc tích hợp VNeID. Trước đó, mỗi lần cần truy cập các dịch vụ của thành phố, tôi phải nhớ rất nhiều tài khoản và mật khẩu khác nhau. Giờ đây, chỉ cần một tài khoản duy nhất, thật tiện lợi và nhanh chóng”.
Theo anh Bình, ngày trước anh phải xác thực thông tin mỗi lần sử dụng một dịch vụ khác nhau. Với VNeID, anh Bình không còn phải nhập lại các thông tin như số CCCD hay tên nữa, điều này tiết kiệm rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, anh thấy việc bảo mật thông tin cũng an toàn hơn nhờ vào công nghệ mã hóa cao.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Hà Nội cho biết: “Sau 4 tháng triển khai ứng dụng iHanoi, mặc dù khối lượng công việc của cán bộ, công chức thành phố tăng lên rất nhiều, nhưng nhìn vào kết quả và sự hài lòng của người dân, chúng tôi nhận thấy đây là một sự đầu tư xứng đáng. Chính quyền thành phố cam kết sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng này để phục vụ tốt hơn cho người dân”.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội dự kiến sẽ triển khai thêm dịch vụ thuế điện tử cho thiết bị di động, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của thành phố nhằm phát triển iHanoi thành nền tảng số toàn diện, phục vụ nhu cầu của cả người dân và doanh nghiệp.
Nói về công cuộc chuyển đổi số tại Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID). Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến.
Về đầu tư phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng quan trọng, các ứng dụng công nghệ số như: Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp của thành phố, xây dựng phòng họp thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố được triển khai đồng bộ trên toàn thành phố.
Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố – quản lý khám chữa bệnh đã được kết nối với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; 3,5 triệu sổ sức khỏe của người dân Thủ đô được sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID; Cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chuyển đổi số là một quá trình và với Hà Nội – đô thị đặc biệt với quy mô dân số lớn và địa bàn rộng, việc thực hiện không thể có kết quả toàn diện ngay lập tức. Song với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Hà Nội đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và đất nước.
Tại Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/9/2024 đã khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ… Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, là nguồn lực, động lực thúc dẩy sự chuyển mình của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số và khoa học công nghệ.
Thành phố Hà Nội nhận thức và xác định điều này không chỉ mang tính cách mạng trong việc áp dụng công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng trong nhận thức, tư duy, văn hóa và cấu trúc xã hội”.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đề ra phương châm hành động “1 mục tiêu – 3 nguyên tắc – 6 phấn đấu”. Trong đó, 1 mục tiêu là: Phát triển thủ đô Hà Nội: Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, xanh, thông minh; thanh bình, thịnh vượng, Thành phố kết nối toàn cầu; với các giá trị cốt lõi “Chính quyền phục vụ – Doanh nghiệp cống hiến – Xã hội niềm tin – Người dân hạnh phúc”.
3 nguyên tắc là: Thượng tôn pháp luật – Luôn luôn lắng nghe – Thái độ phục vụ.
6 phấn đấu là: Nhận thức đầy đủ – Tầm nhìn dài hạn – Tư duy sáng tạo – Giải pháp thông minh – Hành động quyết liệt – Kết quả sản phẩm thực chất.