Ô nhiễm không khí ở Hà Nội rất xấu, nguy hại cho sức khoẻ
Theo số liệu công bố trên Cổng thông tin quan trắc môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), sáng 28/12, nhiều quận trung tâm tại Hà Nội có chất lượng không khí xấu.
Theo đó, trạm quan trắc đo lúc 6h ngày 28/12, nhiều khu vực trung tâm Hà Nội có chất lượng không khí ở mức xấu như: đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), trụ sở UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), công viên hồ Thành Công (quận Ba Đình), trụ sở Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm…
Trên ứng dụng cảnh báo ô nhiễm không khí PamAir, vào lúc 8h30 sáng 28/12, hàng loạt điểm đo xuất hiện màu tím và nâu (ngưỡng nguy hại và cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Trạm quan trắc đặt ở Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội có chỉ số AQI lên đến 355.
Tại vị trí vườn Dâu (Trâu Quỳ, Gia Lâm), chỉ số AQI lên đến 408, đây là chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất TP Hà Nội hôm nay. Một số điểm có chỉ số chất lượng không khí rất xấu khác như Tây Hồ có AQI là 266, Cầu Giấy có AQI là 229, Ba Đình có AQI là 230, Đống Đa có AQI là 297, Hoàn Kiếm có AQI là 277…
Các ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí như PAM Air, Air Visual… đều đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, ứng dụng Air Visual của Tổ chức quan trắc chất lượng không khí thế giới áp dụng cách tính giá trị AQI của Mỹ đưa mức cảnh báo ô nhiễm không khí tại Hà Nội lúc 7h sáng nay là màu tím – mức nguy hại, giá trị AQI là 267. Theo ứng dụng này, Hà Nội xếp thứ nhất thế giới về ô nhiễm không khí. Tiếp đến là Mumbai (Ấn Độ), Vũ Hán (Trung Quốc)…
Chuyên gia môi trường cảnh báo ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Về vấn đề Hà Nội được xếp hạng ô nhiễm không khí nhất thế giới, trao đổi với PV Dân Việt, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng từ khoảng thời gian cuối năm, Hà Nội bước vào mùa ô nhiễm, nhiều ngày trong tháng chất lượng không khí không tốt.
Theo ông Tùng, nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội xấu do hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ. Mấy ngày nay, ở các tỉnh miền Bắc đặc biệt tại Hà Nội trời hanh khô, mật độ tham gia giao thông lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
Qua số liệu quan trắc của tất cả các trạm của Nhà nước, quốc tế, ông Tùng cho hay mọi người có thể nhận thấy rõ chất lượng không khí tại Hà Nội gây hại cho sức khoẻ người dân.
Tổ chức y tế thế giới cũng như tại Việt Nam đã nêu rõ không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Đặc biệt bụi mịn PM2.5 là một trong những loại bụi gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ con người.
“Bụi mịn này đứng hạng thứ 4 gây tử vong sớm, ảnh hưởng đến tim, phổi, đặc biệt những người nhạy cảm với sức khoẻ, thời tiết như người già, trẻ em. Bầu trời có vẻ trong xanh nhưng chất lượng không khí chưa hẳn đã tốt. Khuyến cáo mọi người tăng cường theo dõi chất lượng không khí để xem có nên đi ra ngoài, tập thể dục hay không, giữ gìn sức khoẻ cho mình, đặc biệt thời gian vào sáng sớm”, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay.
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, đối với khu vực có chất lượng không khí ở mức xấu, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.
Nhóm người bình thường: Mọi người nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. Nhóm người nhạy cảm: Nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Dữ liệu ghi lại từ bản đồ vệ tinh cho thấy ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2) do ảnh hưởng của khí hậu, hướng gió và việc đốt rơm rạ. Khoảng 1/3 bụi mịn PM 2.5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, Đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm xuyên biên giới.