Hà Nội: Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập từ 5 – 15 triệu đồng cho người khuyết tật. Clip: Trung Hiếu.
Vượt mặc cảm, người khuyết tật mong tìm được việc làm phù hợp
Sáng 16/4, Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật”. Hàng trăm lao động là người khuyết tật tại các quận huyện thuộc thành phố Hà Nội đã tham gia phiên giao dịch việc làm.
8 giờ sáng, trên chiếc xe lăn, bạn Nguyễn Doãn An (23 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đã có mặt tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để tham gia “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật”. Gương mặt rạng rỡ, chàng trai 23 tuổi chia sẻ mong muốn của bản thân là thông qua sự kiện có thể tìm kiếm được công việc phù hợp với mức lương ổn định.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, bạn Doãn An trải lòng: “Trước đây mình đã từng được học về tin học văn phòng và thiết kế đồ họa rồi. Tuy nhiên, từ khi tốt nghiệp mình chưa tìm được công việc nào phù hợp. Có thể đơn vị tuyển dụng thấy mình là người khuyết tật vận động nên không nhận”.
“Tàn nhưng không phế”, đó là câu trả lời của Doãn An khi được hỏi về phương châm sống của mình. Chàng trai tới từ Đông Anh nói với giọng đầy quyết tâm: “Hôm nay mình đến đây với muốn tìm một công việc liên quan đến máy tính hoặc đồ họa, ví dụ như là Photoshop hay thiết kế đồ họa… Mức lương mong muốn của mình là từ 7 – 10 triệu đồng, để trước tiên là nuôi sống bản thân đã, sau đó là phụ giúp gia đình”.
Ông Nguyễn Thế Khang – Giám đốc Công ty TNHH TM & ĐT Công nghệ Đại Sỹ cho đưa ra quan điểm: “Thật ra đối với doanh nghiệp, người khuyết tật hay không khuyết tật không có sự phân biệt, quan trọng là khả năng của họ mà thôi”.
Ông Khang tiếp lời: “Họ cũng phải lựa chọn công việc tốt nhất so với năng lực của bản thân, cũng phải phấn đấu, không khác gì người bình thường, nhưng cái quan trọng là họ ‘yếu thế’ hơn, thì số lựa chọn của họ ít hơn. Do đó, người khuyết tật cần phải học tập thật nhiều, đấy là điều mà bản thân tôi cần thấy phải duy trì”.
Hiện nay, công ty ông Khang đang có nhu cầu tuyển thêm từ 2 – 3 lao động là người khuyết tật với vị trí việc làm là nhân viên kinh doanh và nhân viên hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Mức thu nhập của lao động bao gồm lương cơ bản cộng với doanh số, các nhân viên sẽ được hưởng đầy đủ chế độ phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật.
Còn bà Hoàng Thị Khương – Giám đốc Công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, công ty do bà quản lý đang có 15 lao động là người khuyết tật. Thông qua phiên giao dịch việc làm hôm nay, bà mong muốn tuyển dụng thêm 5 – 7 người là thợ kỹ thuật để sản xuất các đơn hàng được nhiều người đặt mua như áo hầu đồng hay tranh kỹ.
“Tôi mong muốn ở thôn xã nơi tôi sinh sống có một địa điểm quy hoạch để cho người làm nghề thêu. Được làm nghề tập trung và có nơi làm phòng trưng bày để giới thiệu tranh cho bạn bè quốc tế”, bà Khương chia sẻ thêm.
Bà Khương cũng đề xuất, Nhà nước nên tăng cường thêm các chương trình hỗ trợ nghề cho người khuyết tật. Do đặc thù sức khỏe và hạn chế khả năng tiếp cận nên thời gian học nghề cho người khuyết tật nên kéo dài hơn so với các nhóm đối tượng khác.
Gần 400 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH nhấn mạnh: “Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 112.171 người khuyết tật, trong đó có 7.704 người khuyết tật có khả năng lao động. Việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội”.
Ông Tây Nam cho biết, phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật ngày hôm nay có sự tham gia của 32 đơn vị, doanh nghiệp với 1.117 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. Đặc biệt có 11 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia với 386 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh.
Khảo sát đầu phiên giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy các vị trí việc làm có mức thu nhập khá. Cụ thể có 473 chỉ tiêu có mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng; có 429 chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng và có 215 chỉ tiêu lao động nhận mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng.
Ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội mong muốn: “Các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh khi có nhu cầu tuyển lao động là người khuyết tật sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật được tham gia thị trường trường lao động. Đồng thời giúp họ có một môi trường, bầu không khí thân thiện… để làm việc”.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kỳ vọng chính bản thân người khuyết tật phải nỗ lực hoàn thành công việc được giao, thực hiện, chấp hành tốt những nội quy, quy định của công ty, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.