Theo ghi nhận của PV, chiều 6/4, nhiều hộ dân ở các con ngõ Triều Khúc cho biết, tình trạng nước thiếu, mất nước sạch diễn ra trong nhiều ngày khiến các hộ dân ở đây phải canh từng giờ để đưa nước sạch vào bể ngầm. Tuy nhiên, nước sạch đến nhỏ giọt không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Ông Cao Nguyên Mạnh (60 tuổi, ở ngõ 1 Tân Triều) cho biết, nhà ông có 7 người, có một cửa hàng cho thuê kinh doanh, 4 hôm trước, khi nhiệt độ bắt đầu tăng lên khoảng 37-38 độ, ông nhận được thông báo từ Hợp tác xã (HTX) Triều Khúc về việc do nguồn nước Sông Đà bị thiếu, dẫn đến việc thiếu nước sạch trên diện rộng. Cũng từ sau hôm đó, nước chảy chậm, ông phải lắp máy bơm và canh bơm nước nếu có nước.
Khi nước chảy yếu, ông Mạnh có phản ánh sự việc này với bên HTX Triều Khúc. “Nhận được phản ánh thì họ cũng chỉ trả lời tôi rằng đó là tình trạng chung bà con phải khắc phục, và tôi nghĩ lý do là do công suất nước của nhà máy cung cấp nước không đủ, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng như mấy hôm nay”, ông Mạnh nói.
Trước mắt, gia đình ông Mạnh và các hộ dân xung quanh cũng chưa có phương án gì, tạm thời hết nước, họ phải lắp máy bơm và trông chừng để bơm nước nếu có nước về, không có thì cũng phải chịu.
“Nếu hết nước một cách cạn kiệt thì bắt buộc tôi phải mua nước bình về dùng dù biết cách đó rất tốn kém, chúng tôi cũng không có giếng khoan. Việc tắm giặt của cá nhân và gia đình phải hạn chế, có hôm tôi không dám tắm, nhưng thú thật là nhiệt độ tăng mà phải hạn chế tắm giặt cũng khá khổ sở”, ông Mạnh bộc bạch.
Nếu tình trạng mất nước, nước yếu kéo dài, nhiều hộ dân phải sử dụng máy bơm. Khi sử dụng máy bơm (đặc biệt là máy bơm công suất cao), người dân sẽ phải tốn thêm chi phí, tốn thêm tiền điện, rồi cả công sức canh nước đêm hôm, cuộc sống người dân đảo lộn, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
“Là người dân, tôi chỉ mong có đủ nước, nước tự chảy được vào bể, để còn tập trung làm việc khác, chứ cứ như này thì khổ quá”, ông Mạnh than thở.
Cùng hoàn cảnh như nhà ông Mạnh, anh Nguyễn Gia Lâm (42 tuổi, ngõ 46, Tân Triều) chia sẻ, gia đình anh có bể ngầm nên vẫn còn nước sinh hoạt. Tuy nhiên gia đình anh sử dụng hạn chế, vì tình trạng nước sạch về ống rất yếu. Nếu duy trì thêm khoảng 3 hôm nữa thì gần như không còn chút nước sinh hoạt để sử dụng.
“Nhà tôi ở mặt đường mà nước còn yếu, còn thiếu như thế này, thì các nhà trong ngõ, đặc biệt các nhà có căn hộ cho thuê thì càng khốn khổ hơn. Hiện tại gia đình tôi phải dùng rất tiết kiệm. Nhiều khi không dám tắm, giặt… để sử dụng nguồn nước cho các sinh hoạt quan trọng hơn”, anh Lâm cho biết.
Dù vẫn còn nước ở bể ngầm, song nhà anh Lâm vẫn thường xuyên canh thời gian để bơm nước thêm vào bể ngầm. Song, nước chỉ đến nhỏ giọt, không được bao nhiêu mà tốn rất nhiều tiền điện. Anh Lâm và nhiều người dân ở đây lo lắng khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt tiếp tục diễn ra.
“Trong những ngày này, các hộ gia đình kinh doanh nhà trọ, gội đầu… thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì không có nước để duy trì hoạt động kinh doanh”, anh Lâm thông tin.
Chị Nguyễn Thanh Thuỳ (22 tuổi, ở ngõ 111 Triều Khúc) cho biết, 3 hôm nay căn hộ chị đang thuê tại ngõ này bị thiếu nước trầm trọng, buộc chị và bạn cùng phòng phải hạn chế sử dụng nước, và phải sang tắm giặt nhờ nhà bạn bè ở Phùng Khoang. Nếu tình trạng mất nước kéo dài, chị không biết cuộc sống sẽ ra sao bởi không thể đi nhờ bạn bè mãi được.
“Năm ngoái tình trạng mất nước ở Triều Khúc cũng diễn ra nhiều ngày, khiến nhiều căn hộ thuê bên cạnh phòng tôi tìm thuê chỗ mới vì không thể chịu đựng thêm, tôi cũng đang phải cân nhắc tới việc chuyển chỗ ở, dù rằng việc chuyển chỗ ở với tôi không phải dễ dàng vì tôi khá nhiều đồ, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”, Chị Thuỳ rầu rĩ.