ha-noi-mat-mua-cuc-hoa-mi-dung-thoi-diem-dep-nhat

Hà Nội mất mùa cúc họa mi đúng thời điểm đẹp nhất

Mất mùa cúc hoạ mi, người dân xót xa 

Hà Nội: Cúc hoạ mi mất mùa, người dân nén đau xót gây dựng lại sản xuất  - Ảnh 2.

Sau lũ lụt, những vườn hoạ mi đã ra nụ bị chết khô, thiệt hại mỗi hộ dân lên tới hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Nhật Hà

Làng Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) nơi được coi là thủ phủ trồng hoa cúc hoạ mi của Hà Nội. Cúc hoạ mi không chỉ là hoa, mà còn là biểu tượng của sự tinh khôi, dịu dàng, và là một phần không thể thiếu trong vẻ đẹp lãng mạn của Hà Nội. Mỗi bông cúc hoạ mi như một mảnh ký ức, gợi nhớ về mùa thu Hà Nội.

Hà Nội: Cúc hoạ mi mất mùa, người dân nén đau xót gây dựng lại sản xuất  - Ảnh 3.

Dù khó khăn, nhưng bà con nông dân ở đây luôn động viên nhau để gây dựng lại sản xuất. Ảnh: Nhật Hà

Thế nhưng, do trận lũ lịch sử vừa qua, mà nhiều diện tích cúc hoạ mi sắp vào vụ ở làng Nhật Tân trở nên xơ xác, tiêu điều. Hầu hết các vườn cúc hoạ mi ở đây đã cho ra nụ, và chỉ còn 1 tháng nữa thôi sẽ bung nở, vậy mà giờ đây chỉ còn là những luống đất trơ trọi, cây rụng hết lá, trơ lại gốc và thân cây khô quắt.

Thiệt hại ước tính cả trăm triệu đồng mỗi hộ, nhưng những người nông dân vẫn phải gắng gượng gạt nước mắt để gây dựng lại sản xuất bằng cách trồng thay thế bằng những cây hoa ngắn ngày, kịp thu hoạch trước Tết.

Hà Nội: Cúc hoạ mi mất mùa, người dân nén đau xót gây dựng lại sản xuất  - Ảnh 4.

Bà Hoàng Thị Liên buồn bã khi phải tự tay nhổ bỏ những luống cúc bị thiệt hại do lũ lụt. Ảnh: Nhật Hà

Phải tự tay nhổ bỏ những luống cúc sắp cho thu hoạch giờ đây chỉ còn những cành củi khô, bà Hoàng Thị Liên (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) không khỏi bất lực, xót xa. Bà Liên bảo “Thực sự là quá đau xót. Tất cả diện tích đều mất trắng. Buồn lắm, tuyệt vọng lắm, nhưng bà con nông dân chúng tôi phải động viên nhau để trồng các loại hoa ngắn ngày vào thay thế số hoa cúc đã chết”, chị Liên chia sẻ

Vừa cầm cuốc xới lại những luống hoa, thỉnh thoảng lại đưa tay lên thấm những giọt mồ hôi đang chảy từ trán xuống má, bà Nguyễn Thị Hương (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) não nề cho biết thêm, sau những ngày khóc âm thầm vì ruộng cúc nhà mình bị xoá sổ do lũ lụt, bà cũng phải vực dậy tinh thần để tìm những cây ngắn ngày (như hoa cúc, hoa violet, thược dược) trồng thay thế vào số cúc họa mi của gia đình bị thiệt hại, để có chút tiền trang trải dịp Tết này.

Thế nhưng, để trồng hoa kịp nở đúng dịp Tết nguyên đán, cây trồng cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Bà Hương mong muốn, thời tiết từ giờ tới Tết sẽ luôn thuận hoà để cây phát triển tốt, cho ra những bông hoa to đẹp thì bán sẽ được giá.

Hà Nội: Cúc hoạ mi mất mùa, người dân nén đau xót gây dựng lại sản xuất  - Ảnh 5.

Các loại hoa ngắn ngày như hoa cúc, thược dược, violet được trồng thay thế số cúc hoa mi đã bị mất trắng. Ảnh: Nhật Hà

Bà Nguyễn Thị Lương (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) bộc bạch, số cúc mất trắng khiến nhiều hộ trồng cúc ở đây thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng. Thiên tai ập tới là điều không ai mong muốn, bà động viên người dân ở đây cũng như bản thân gia đình bà cố gắng chắt chiu, tiết kiệm để làm lại từ đầu rồi dần dần kinh tế gia đình sẽ phục hồi lại.

Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ, tổng diện tích hoa màu, cây trồng trên địa bàn bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua ước tính lên tới 186ha, tương đương trên 86 tỉ đồng. Hiện quận Tây Hồ đang tiếp tục thống kê, đánh giá các thiệt hại do bão lũ để đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *