ha-noi-ghi-nhan-ca-mac-covid-19,-nguoi-dan-co-can-cach-ly?

Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19, người dân có cần cách ly?

CDC nói gì về ca mắc Covid-19 vừa ghi nhận ở Hà Nội?

Theo báo cáo cập nhật dịch bệnh trong tuần gần đây nhất (từ ngày 7 – 14/2) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), toàn thành phố ghi nhận 32 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 22 trường hợp so với tuần trước, không có tử vong.

CDC Hà Nội cũng cho biết, tuần qua ghi nhận 1 trường hợp mắc Covid-19 tại quận Cầu Giấy. Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 3 trường hợp mắc Covid-19, không có tử vong. Số mắc Covid-19 hiện giảm mạnh so với cùng kỳ 2024 (318 ca).

Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/2, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hà Nội – cho hay, hiện tại, người mắc Covid-19 như bệnh cúm thông thường.

Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19, người dân có cần hoang mang, lo lắng? - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ mắc Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội hồi tháng 1/2022. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Tuấn, vì Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nên CDC Hà Nội vẫn ghi nhận, thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng người mắc Covid-19 không có gì biến động; người mắc cũng không phải là chủng mới, không có vấn đề gì đáng lo ngại.

Trong khi đó, liên quan đến dịch Covid-19 và các biến thể, Tổ chức Y tế giới cho biết đang theo dõi một số biến thể SARS-CoV-2, bao gồm 1 biến thể quan tâm (VOI) JN.1 và 7 biến thể đang được theo dõi (VUM). Trong đó, biến thể cần quan tâm JN.1, chiếm 15% các ca Covid-19 được xét nghiệm, trong tuần đầu tiên của năm nay.

Bộ Y tế khuyến cáo hiện đang trong giai đoạn vào mùa đông – xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường, nhu cầu giao thương, đi lại, du lịch cuối năm tăng cao, là nguyên nhân và điều kiện cho sự xuất hiện, lây lan bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh. Vì vậy, người dân cần thực hiện 2K (khẩu trang-khử khuẩn) để phòng bệnh Covid-19 và các bệnh lây qua đường hô hấp.

Covid-19 có còn nguy hiểm?

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, Covid-19 vẫn có thể lây lan theo mùa, nhưng nguy cơ gây tử vong hoặc biến chứng nặng đã giảm đáng kể. Đây là lý do vì sao cần tiếp cận Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường, không chủ quan nhưng cũng không cần hoang mang.

Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19, người dân có cần hoang mang, lo lắng? - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tư vấn cho người dân. Ảnh: Gia Khiêm

“Triệu chứng Covid-19 hiện nay nhẹ hơn, giống cúm mùa. Covid-19 đã có nhiều thay đổi về biểu hiện lâm sàng so với giai đoạn đầu dịch. Hiện nay, phần lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, thậm chí nhiều người nhiễm nhưng không phát hiện do không có biểu hiện rõ rệt. Những triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ hoặc không sốt, đau họng, ho khan, đau đầu, mệt mỏi, có thể đau cơ, nghẹt mũi, chảy nước mũi”, bác sĩ Thiệu chia sẻ.

Cùng với đó, một số ít có thể bị mất khứu giác, vị giác nhưng không phổ biến như trước. Rất ít ca có biến chứng viêm phổi hoặc suy hô hấp như giai đoạn đầu dịch.

“Phần lớn bệnh nhân hiện nay có diễn tiến nhẹ, tương tự cảm cúm. Trường hợp nặng chủ yếu xảy ra ở người già, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch”, BS Thiệu cho biết.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Thiệu, so với Covid-19, cúm A có triệu chứng ban đầu thường rầm rộ hơn và diễn biến bệnh nhanh hơn, khó để phân biệt Covid-19 và cảm cúm thông thường qua triệu chứng lâm sàng, mà phải qua xét nghiệm.

“Dù không còn là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng việc duy trì các biện pháp phòng bệnh vẫn rất quan trọng, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao. Để phòng tránh Covid-19 nói riêng cũng như các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, đặc biệt ở bệnh viện, phương tiện công cộng”, bác sĩ Thiệu nói.

Cùng với đó, người dân cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng cường miễn dịch; tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh hơn. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, nên hạn chế tiếp xúc và nghỉ ngơi. Với nhóm nguy cơ cao, nên theo dõi sát triệu chứng và đi khám khi cần.

Bác sĩ Thiệu cũng nhấn mạnh, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang. Mặc dù vẫn xuất hiện ca mắc mới, nhưng Covid-19 không còn là nỗi lo ngại quá lớn như trước. Điều quan trọng nhất là hiểu rõ về triệu chứng, cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe hợp lý.

“Chúng ta không cần quá lo sợ khi thấy xuất hiện ca mắc mới. Covid-19 giờ đây giống như các bệnh truyền nhiễm khác, có thể kiểm soát được. Người dân chỉ cần theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản là có thể chung sống an toàn với virus này”, bác sĩ Thiệu khuyến cáo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *