Nhìn nhận khách quan vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội
Hạn chế xe máy cá nhân là giải pháp đúng đắn nhưng cách thức thực hiện cần khéo léo, mềm mỏng và “thấu tình đạt lý”. Ts Nguyễn Xuân Thuỷ cho hay, cần nhìn nhận khách quan rằng, xe máy vẫn là phương tiện có ý nghĩa về mặt kinh tế đối với người dân. “Vì điều kiện kinh tế chưa cho phép, hạ tầng giao thông tại Hà Nội vẫn phù hợp khi di chuyển bằng xe máy, nên người dân vẫn chọn đây là phương tiện giao thông chính. Chính vì thế, không thể nói cấm là cấm, cần phải có các giải pháp thay thế để người dân chuyển giao một cách từ từ sang các phương tiện khác”, ông nói.
Thực vậy, theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện có khoảng hơn 44.000 xe máy đã hoạt động được 30 năm và hơn 10.500 xe đã hoạt động được hơn 40 năm. Những chiếc xe không được chú trọng bảo dưỡng định kỳ, không phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, và không có niên hạn sử dụng được quy định, do đó vẫn tiếp tục phát thải khí độc trong quá trình hoạt động.
Để giảm thiểu nguồn xả thải từ các phương tiện cũ nát gây ô nhiễm, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã quy định từ ngày 1/1/2027, các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô và xe máy phải có trách nhiệm tái chế phương tiện theo tỷ lệ nhất định.
Ts Nguyễn Xuân Thủy dẫn chứng số liệu, với gần 7 triệu xe gắn máy và 14 triệu người hàng ngày “lao ra đường” đi làm, để giảm thiểu xe máy ngay lập tức là điều không khả quan. Ngoài ra, việc thu hồi và tái chế các phương tiện cũ nát sẽ đối diện với nhiều khó khăn do vướng mắc trong thủ tục pháp lý. “Thay vào đó, nhà nước nên có giải pháp để kiểm tra chất lượng của xe gắn máy định kỳ, đặc biệt là xe lưu hành quá 10 năm chiếm tới 70%. Trong khi ô tô đã có kiểm định theo thời gian, thì xe gắn máy chưa có”, chuyên gia chia sẻ.
Với giải pháp này, TS Thuỷ cho biết cần thực hiện giải pháp đồng bộ, nhưng không rườm rà, tốn kém: “Cần phải huy động nguồn lực xã hội hoá đối với giải pháp này. Có thể xây dựng, cung cấp giải pháp cho các cơ sở sữa chữa, bảo dưỡng xe gắn máy lớn, để họ thay mặt nhà nước làm việc kiểm định chất lượng khí thải của xe gắn máy khi đã đạt đủ thời gian lưu hành”.
Để giải pháp này diễn ra đồng bộ và hiệu quả, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, nhà nước cần can thiệp mạnh mẽ. Bên ngoài việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện gắn máy, thì cần có các “gói tài chính” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các phương tiện mới, đạt chuẩn khí thải. “Nhà nước có thể giúp đỡ người dân 20 – 30% giá tiền phương tiện mới, nếu phương tiện cũ của họ không thể sữa chữa được được. Đó cũng là một cách để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường”, chuyên gia đề xuất.
Theo kế hoạch của Hà Nội, đến 2030, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng 35 – 40%, trong đó xe buýt chiếm 20% và đường sắt đô thị chiếm 10 – 14%. Từ đó, đạt mục tiêu đến năm 2030 – 2045, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đạt được từ 40 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân,
“Con số này chưa thực sự bám với thực tế. Nói một cách lạc quan, để đáp ứng được 20 tới 30% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2030 đã là một điều đáng mừng. Nhưng không vì thế mà chúng ta không từng bước xây dựng hệ thống giao thông công cộng một cách bài bản. Chỉ khi nào hệ thống này phục vụ được đủ tuyến đường, chất lượng dịch vụ tốt, thì nó sẽ góp phần thay đổi quan niệm của người dân Hà Nội về giao thông công cộng”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định.
TS Thủy cũng nhấn mạnh rằng cần nhìn nhận vấn đề ô nhiễm môi trường một cách khách quan. Ô nhiễm không khí do nhiều nguyên nhân, không chỉ do giao thông nói chung và xe gắn máy nói riêng. Cần có giải pháp đồng bộ, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Ô nhiễm không khí Hà Nội: Hướng tới mục tiêu dài hạn trong việc cải thiện chất lượng không khí
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, cho biết, Hà Nội là đô thị lớn, đang phát triển nhanh, dẫn tới đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc đô thị phát triển chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường và hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân đang là thách thức đối với sự phát triển đô thị văn minh hiện nay.
“Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu kw điện và hàng triệu lít xăng dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên… Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí”, bà Chi nhận định.
Đưa ra một số phải pháp, theo bà Chi, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
“Kế hoạch đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được gồm: tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, dự báo về chất lượng không khí.
Kiểm soát các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành nhằm thực hiện những sáng kiến cải thiện chất lượng không khí trên diện rộng; huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ngắn, trung và dài hạn”, bà Chị chia sẻ.
Cần có sự chung tay để cải thiện môi trường
Phát biểu với PV Dân Việt, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam và cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), đã nhấn mạnh rằng Hà Nội đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm không khí, khi được xếp hạng là thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết trong nhiều năm qua, Hà Nội đã phát triển hệ thống xe buýt điện, di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố, áp dụng biện pháp xử lý việc đốt rơm sau mùa thu, và cấm việc đun than tổ ong. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục tồn tại
Ông cũng nhấn mạnh rằng thông qua số liệu quan trắc từ các trạm quốc tế và của Nhà nước, mọi người có thể thấy rõ tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
“Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra định kỳ, khiến người dân thủ đô chỉ có thể hy vọng vào mưa hoặc gió mùa để làm giảm bớt lớp bụi mịn đặc dày, tạo ra không khí u ám,” chuyên gia nhấn mạnh.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng khuyến cáo mọi người nên tăng cường theo dõi chất lượng không khí để quyết định liệu nên ra ngoài, tập thể dục hay không, nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, đặc biệt là vào buổi sáng.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, chung tay góp sức để xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho thế hệ tương lai.