Hà Nội: Chàng trai 10X thu bộn tiền từ thú chơi nuôi vẹt cảnh. Clip: Trung Hiếu
Một tháng bán hàng trăm con vẹt cảnh, có con giá 49 triệu đồng
Theo lời hẹn, phóng viên Dân Việt có mặt tại nhà của anh Phan Ngọc Bá (23 tuổi, Cầu Giấy) vào một ngày giữa tháng 3. Trời mưa nhỏ nên tất cả các cá thể trong “đại bản doanh” vẹt của anh Bá đều “tụ họp” trong nhà. “Có khách! Có khách!” – tiếng của một chú vẹt “nhanh miệng” vang lên đầy dõng dạc, trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Mon men lại gần quan sát chú vẹt này, phóng viên được anh Bá giới thiệu: “Đây là con vẹt có giá trị lớn nhất trong bộ sưu tập của mình, thuộc loại Cockatoo sunfua, có giá 49 triệu đồng. Mình nuôi bạn vẹt này từ lúc còn lông ống, bạn ấy rất thông minh. Bất kể khi nào mình đi công tác xa về tới nhà thì bạn vẹt này sau khi nhìn thấy đều lấy chân và mỏ mở cửa lồng chui ra rồi leo lên vai mình đứng ngay lập tức”.
Hơn một nửa diện tích tầng 1 ngôi nhà được anh Bá trưng dụng để làm chỗ nuôi vẹt. Vừa tỉ mỉ pha sữa cho vẹt ăn trưa, anh vừa nói: “Mình đam mê vẹt từ năm 2021. Số lượng từ lúc mình bán đến giờ thì rất nhiều, không thể nhớ hết được. Tuy nhiên, trung bình một tháng mình sẽ bán khoảng 100 – 200 con”.
Để định giá một chú vẹt, yếu tố đầu tiên cần xét tới là sức khỏe, sau đó mới tính đến vẻ đẹp của mỗi con vẹt. “Những dòng vẹt mà hiện tại mình đang bán chạy nhất đó là dòng vẹt yến phụng, Cockatiel, Lory. Mức giá thấp nhất mình bán ra là 250.000 đồng/con vẹt. Số tiền thu về mình sẽ sử dụng để sưu tập những chú vẹt có giá trị lớn hơn”, anh Bá bộc bạch.
Khi được hỏi về đối tượng khách hàng mua vẹt, anh Bá tâm sự: “Những vị khách mà hay đến mua vẹt của mình thì sẽ chia ra làm hai độ tuổi. Đầu tiên là các cô chú dao động từ 40 – 60 tuổi thường có đam mê với những dòng vẹt lớn. Còn dòng vẹt nhỏ thường là các bạn học sinh, sinh viên đang đi học sẽ tìm mua vì các bạn ấy chia sẻ chơi vẹt là một cách giúp hạn chế thời gian sử dụng điện thoại và khiến tinh thần thoải mái”.
Gặp gỡ bạn Nguyễn Trọng Anh Hào (19 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) khi bạn đang đi tham khảo giá của một số loài vẹt cảnh. Say sưa chụp ảnh những con vẹt có màu lông độc đáo, Anh Hào xuýt xoa: “Nuôi vẹt cảnh đem lại cho mình niềm vui rất lớn. Mình coi vẹt như người bạn để trò chuyện cùng sau mỗi giờ đi học về. Mình thích những chú vẹt có khả năng nói, ngoại hình đẹp và kích thước nhỏ nhắn để nuôi trong phòng. Bảo mình ngắm vẹt cả một ngày mình cũng không thấy chán”.
Giữa cuộc trò chuyện, một chú vẹt mỏ khoằm, có chiều dài cơ thể khoảng 20cm đứng lắc lư liên tục như để khoe ra bộ lông sặc sỡ của mình. Là người am hiểu về vẹt cảnh, Anh Hào tiếp lời sau khi lấy điện thoại ra để quay lại khoảnh khắc thú vị này: “Loài vẹt Lory rất thông minh, nhanh nhẹn và thân thiện với con người. Chúng luôn tỏ ra là mình “bận rộn”, hay làm trò để thu hút con người quan tâm và trò chuyện với chúng. Sau này có điều kiện kinh tế tốt hơn, chắc chắn mình sẽ mua 1 “em” Lory về nhà”.
“Chăm vẹt non cần nhiều công sức như chăm trẻ em”
Việc nuôi dưỡng vẹt cảnh không hề đơn giản. Theo anh Bá, giai đoạn nuôi khó khăn nhất chính là lúc chúng còn non. “Người nuôi phải dành rất nhiều thời gian để chăm sóc, mình sẽ mất 1 – 2 tháng đầu để chăm chỉ đút bột cho vẹt, như cho trẻ ăn dặm. Lượng thức ăn cũng cần phải cân đối, không nhiều, không ít để tránh gây hại cho sức khỏe. Sau khi vẹt đã mọc lông và tập ăn hạt rồi thì lúc đấy sẽ nhàn hơn, thời gian đút bột ít đi, nhưng vẫn duy trì đều đặn 3 bữa một ngày. Khi vẹt được 5 – 6 tháng tuổi là giai đoạn phù hợp nhất để huấn luyện và dạy nói”.
Anh Bá nhấn mạnh: “Trong quá trình chăm sóc vẹt non thì người nuôi nên lưu ý hai điều. Thứ nhất là vấn đề vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, thứ hai là việc sưởi ấm cho vẹt. Nếu chúng ta nuôi vẹt non thì bắt buộc phải sưởi, vì sức đề kháng của chúng sẽ thấp hơn so với vẹt trưởng thành”.
Chàng trai 23 tuổi cho hay, trong một năm, các dòng vẹt sẽ sinh sản từ 2 – 3 lứa, mỗi lần gồm 2 – 4 trứng. Tất cả vẹt trong bộ sưu tập của anh đều thuộc các dòng của nước ngoài: “Hàng tháng bên mình sẽ có định kỳ spa cho vẹt với các hoạt động như mài mỏ, mài móng và tỉa lại lông, cánh. Những công việc này mình đều thực hiện tại nhà và phải sắm dụng cụ chuyên dụng riêng để làm”.
Trung bình một tuần, anh Bá sẽ tắm cho vẹt 2 lần. “Vào những ngày trời nắng nóng mình sẽ cho vẹt đi tắm. Thông thường, mình sẽ dùng vòi nước như vòi xịt hoa sen, điều duy nhất cần lưu ý khi tắm cho vẹt là tránh phun nước vào phần đầu vì nếu nước vào mắt, chúng sẽ rất dễ bị đau mắt”.
Chia sẻ về điều quý giá nhất bản thân nhận được khi nuôi vẹt cảnh, anh Bá từ tốn đáp: “Việc chăm sóc vẹt cảnh khiến mình rèn luyện tính kiên nhẫn, chăm chỉ. Dường như cách đối xử với vật nuôi sẽ ảnh hưởng một phần tới cách đối xử với con người, mình nhận thấy mình biết quan tâm tới mọi người hơn kể từ ngày có những chú vẹt làm bạn”.