Thị trấn Grammichele được thành lập sau trận động đất lớn ở Sicily năm 1693, đã xóa sổ hoàn toàn một khu định cư trước đó có tên Occhialà, nằm ở phía bắc của Grammichele hiện đại. Những người sống sót đã xây dựng một thị trấn mới và đặt tên nó là Grammichele, theo tên Thánh Michele, với hy vọng rằng vị thánh sẽ bảo vệ thị trấn mới khỏi những thảm họa trong tương lai.
Grammichele: Thị trấn hình lục giác độc đáo ở Sicily
Grammichele được xây dựng bởi Carlo Maria Carafa Branciforte, Hoàng tử của Roccella và Butera. Được thiết kế bởi Michele da Ferla, đây là thành phố đầu tiên ở châu Âu sở hữu cấu trúc hình lục giác. Bố cục của nó có lẽ được lấy cảm hứng từ Palmanova, một thị trấn kiên cố được xây dựng một trăm năm trước đó. Sự khác biệt chính là Palmanova dựa trên một đa giác chín cạnh, trong khi Grammichele có cấu trúc hình lục giác có khả năng mở rộng vô hạn. Mặt phẳng hình lục giác được thiết kế cho Grammichele được chia thành sáu khu vực bởi sáu con đường, tất cả đều hướng tới quảng trường chính – cũng có hình lục giác, nơi các cơ quan công quyền đặt trụ sở nhìn ra.
Nhiều khu vực tập trung đã được tạo ra trong thị trấn để cư dân có thể tụ họp trong trường hợp xảy ra thảm họa. Các quảng trường này cách đều nhau và tất cả đều được kết nối bởi mạng lưới đường đồng tâm xung quanh quảng trường lục giác chính, nay được gọi là Quảng trường Hoàng tử Carafa. Bên ngoài hình lục giác, bốn quận hình chữ nhật được thiết kế. Trong đó, có một quận đã được quy hoạch để xây dựng Cung điện Hoàng tử nhưng cuối cùng công trình này không bao giờ được thực hiện.
Quy hoạch hình lục giác là rất hiếm gặp ngày nay, “chỉ là một sự kỳ lạ trong vô vàn hệ tư tưởng, lý thuyết và phương pháp”, các tác giả Eran Ben-Joseph và David Gordon viết trong một bài báo về quy hoạch lục giác. Phong cách này từng gây sự chú ý ngắn ngủi của nhiều nhà quy hoạch, kỹ sư và kiến trúc sư vào đầu thế kỷ 20, nhưng không ai có thể xây dựng được các bản quy hoạch quy mô lớn theo cách bố trí này.
Nằm tại tỉnh Catania, trên đảo Sicily của Ý, là thị trấn Grammichele. Đây là một trong số ít thị trấn trên thế giới sở hữu một bản thiết kế hình lục giác độc đáo. Ảnh: Google.
Kiến trúc sư và nhà sử học nghệ thuật ở New York Charles Lamb ủng hộ quy hoạch thành phố hình lục giác như một giải pháp thiết thực và nghệ thuật cho những vấn đề nan giải của thành phố hiện đại. Ông tuyên bố rằng một hệ thống như vậy không chỉ cho phép tạo ra các đại lộ xinh đẹp theo phong cách châu Âu mà còn hỗ trợ cho sự phát triển có kế hoạch và lối sống lành mạnh.
Kỹ sư người Úc, Rudolf Mueller, chỉ ra rằng cách bố trí hình lục giác sẽ dẫn đến tiết kiệm đáng kể chiều dài của các đường ống nước cũng như hệ thống thoát nước. Cần ít vòi nước và ống dẫn nước hơn nhưng vẫn phục vụ được số tòa nhà lớn hơn, và những đường dịch vụ ngắn hơn có thể được lắp đặt giữa các đường ống chính và các tòa nhà. Những người khác, chẳng hạn như Arthur Comey, đã hình dung toàn bộ các khu vực được bao phủ bởi các thị trấn hình lục giác nhỏ, được kết nối với nhau và với những khu vực rộng hơn, và những thị trấn lớn hơn được kết nối với các khu đô thị lớn, tạo ra một tấm thảm gồm các ô lục giác.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn của Chiến tranh thế giới thứ 2 đã đặt dấu chấm hết cho quy hoạch hình lục giác. “Làm thế nào để đặt tên đường phố hoặc đánh số nhà trong một quy hoạch hình lục giác? Làm thế nào để người lạ tìm đường ở các con phố lục giác?”, Eran Ben-Joseph đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, các nhà phát triển dân cư và người mua nhà không thích các lô đất hình tam giác và các góc khó xử lý.
“Quy hoạch hình lục giác là một khái niệm có thể hoạt động trên lý thuyết nhưng không phải trên thực tế”, ông kết luận.