Này là hai mẩu chuyện ngắn tương tự nhau, không đáng sợ nhưng Mèo muốn kể ra cho các bạn nào hay vô tâm vô tư hoặc nhanh nhảu mồm miệng mà rút kinh nghiệm để tránh tai bay vạ gió khi đi qua các chốn linh thiêng như chùa chiền, miếu mạo, nghĩa trang các thứ.
Chuyện đầu tiên do chú hàng xóm kể lại cho mẹ với dì Bảy của Mèo nghe. Năm đó con trai ông hàng xóm gần nhà mẹ có mấy người bạn lên chơi. Mấy ông con trai trẻ tuổi thì hăng tiết gà với đâu sợ trời đâu sợ đất gì, ngày nào cũng đem võng ra giăng ở mấy cái cây lớn gần khu mồ mả để ngủ trưa cho mát mẻ. Hôm đó không hiểu ma xui quỷ khiến như thế nào, một ông trong đám đi tiểu bậy rồi bắt gặp một ngôi mộ lẻ loi, khuất lấp sau dãy mộ lớn khang trang. Trên tấm bia mộ sơ xài còn có hình của một cô gái trẻ rất xinh đẹp, mái tóc dài và đôi mắt to tròn. Ông kia mới kêu mấy ông bạn chạy lại xem, ông nào cũng tắm tắc khen cô gái này lúc còn sống chắc phải là tuyệt sắc giai nhân lắm. Riêng anh con trai hàng xóm thì không hùa theo bạn, còn nói là không nên bàn tán về người chết như vậy, lỡ hạp vía họ về phá hay bắt hồn phách là khổ lắm. Cái anh phát hiện ra ngôi mộ của cô gái này là người không tín, xưa giờ ỷ mạnh nên không sợ trời sợ đất gì. Ổng nạt ngang anh kia rồi còn đọc lớn tên trên bia mộ, “Ngô Thị Mai, mất ngày… tháng… năm… Trời cổ mất có 18 tuổi thôi. Mai ơi, sao em đẹp mà chết sớm vậy Mai. Sao không chờ anh đến với em.”
Mấy ông bạn nghe xong thì lè lưỡi, chửi ông kia mấy câu rồi kéo tay nhau đi về lại chỗ mắc võng. Anh con nhà hàng xóm thì ánh mắt đâm chiêu lắm, lo lắng cho ông bạn nói dại, nhưng biết nói ra bạn cũng không tin nên đành kéo tay ông kia về. Mấy người bạn ở lại chơi thêm vài hôm nữa rồi cũng giải tán, ai về nhà nấy chuẩn bị nhập học lại.
Tháng sau về lại trường thì không thấy người bạn đó đâu, mấy người trong nhóm nháo nhào lo sợ bạn có chuyện gì, thời đó cũng không có điện thoại dễ liên lạc như bây giờ. Thành ra cả đám nhất trí cuối tuần sẽ bắt xe đến nhà ông bạn kia để hỏi chuyện coi sao. Về đến trên nhà cũng không thấy bạn mình, chỉ có ba mẹ ông đó ra tiếp khách. Mà ai cũng xanh xao trông có vẻ mệt mỏi lắm. Hỏi ra mới biết từ ngày đi chơi về đến nay ông bạn đó không ăn uống gì được, xanh xao gầy guộc như cái xác khô. Cứ đêm tới đi ngủ là lại nói mớ loạn xạ, gọi tên cô Mai nào đó mà ba mẹ ổng không rõ. Một tuần đổ lại đây còn bị nặng hơn, lâu lâu ông này cứ nói năng léo nhéo như con gái, cách ngồi rồi điệu bộ cử chỉ dẻo nhẹo. Ba mẹ hỏi thì nói là, “Con là Mai, anh Tuấn nói ảnh muốn làm chồng con. Ảnh khen con đẹp nên muốn cưới con, muốn đi theo con.” Rồi cười khằng khặc nghe đáng sợ lắm. Ba mẹ ông này sợ hãi mà không hiểu chuyện gì, nghĩ ổng bị điên nên muốn đưa ổng lên trại. Anh con trai nhà hàng xóm nghe đến đây thì hiểu chuyện rồi, ổng đành kể lại cho ba mẹ ông kia nghe chuyện ổng đọc tên trên bia mộ, khuyên ông bà đem ông này đi thầy bùa tìm cách giải chứ không thôi để lâu e là nguy hiểm. Ông bà cũng bán tính bán nghi nhưng đành gật đầu nghe theo.
Bẵng đi một thời gian cũng không thấy anh kia về học, anh con hàng xóm có khăn gói lên thăm một chuyến nữa. Lúc đó mới biết được là gia đình có đưa anh đi tìm thầy rồi, làm bùa để ngăn cô kia không cho về quấy phá ông con nữa. Nhưng mà do bị quấy lâu, lại còn bị nhập nên hồn vía ổng cũng bay mất gần nữa, tìm lại không được. Thành ra giờ thành tưng tửng, dở dở ương ương suốt ngày nhốt mình trong phòng, còn giữ lại được cái mạng là rất may rồi. Bà mẹ xót con nên khóc nhìn tội nghiệp lắm, anh kia cũng chỉ biết vỗ về bà thôi chứ cũng không biết làm gì. Một cái giá quá đắt cho một lần nghịch dại.
Chuyện thứ hai cũng tương tự như chuyện trên, người gặp nạn là một người bạn thuở nhỏ của mẹ Mèo, gọi là cô Hạnh. Cô này với mẹ ngày nhỏ hay đi ra nghĩa địa chung với vài người bạn gái nữa, phụ vặt mấy ông phu bốc mộ, kiểu làm mấy việc như giẫy cỏ, bày mâm cúng các thứ rồi lấy tiền phụ ba má đong gạo. Sau này mẹ lớn rồi đi học sư phạm để sau này làm cô giáo, còn mấy cô không có điều kiện thì ngoài buổi sáng ra chợ buôn bán nhỏ, chiều về vẫn ra khu mộ phụ giúp người ta để kiếm thêm chút tiền.
Cô Hạnh này lớn lên trong nghĩa địa từ nhỏ nên chẳng sợ ma cỏ gì hết ráo, thêm cái vía cô mạnh hay sao mà đó giờ chưa lần nào gặp ma. Lại thêm thấy gì nói đó, tếu táo không giữ mồm giữ miệng, mấy lần má cô chửi, “Mày mà cứ cái kiểu ăn nói tào lao bí đao dị, thằng nào dám hốt mày.” Nhưng nói xong thì đâu cũng vô đó, giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời mà. Mẹ được nghe kể lại là hôm đó vẫn như thường lệ, cô Hạnh với vài người khác nữa ra khu mộ phụ việc, mới đầu hè nên nhiều người muốn bốc hài cốt của người thân về đem lên chùa, sợ đến mùa mưa thì nước ngập lại khó mà đào bới gì. Xong việc thì cũng chạng vạng tối rồi, mấy cô hô hào nhau ra về thì cô Hạnh nói bỏ quên cái cuốc ở chỗ đám mả gần cổng nghĩa địa, ra lấy để mất là ông già chặt cái đầu xuống. Cô đi được chút thì la làng kêu người bạn chạy qua. Cô kia tưởng có gì liền chạy vội lại hỏi. Cô Hạnh cười tươi chống nạnh nói: “Ê Ngà mày nhìn coi anh này có giống tài tử không nà? Dòm cái mặt đẹp trai dễ sợ.” Cô kia hết hồn, giữa nghĩa địa mà có ai đẹp như tài tử, cũng nhìn quanh nhìn quất xem có ai không. “Nhìn đâu dạ con quỷ, đây nè,” Cô Hạnh chỉ vô tấm mộ bia, “dòm coi được trai bá chấy bồ chét ha.” Cô kia vừa nhìn thấy thứ cô Hạnh chỉ là tái xanh mặt rồi, la cô là khùng ha gì mà nhìn hình người chết. Cô Hạnh này gan cóc tía mà, cô tếu táo nói, “Chết thì cũng chết rồi, làm gì được nhau nữa. Mà ảnh đẹp trai dị tao cũng chịu làm vợ ảnh nữa.” Người bạn tím tái mặt mày vừa chửi vừa kéo tay cô Hạnh đi về. Cô còn vừa đi vừa lẩm nhẩm tên của cái người ở trên bia mộ kia.
Chẳng đợi đâu xa, ngay tối hôm đó về là cô Hạnh bị hành sốt, người nóng như cái lò lửa, tay chân bủn rủn, luôn miệng nhắc đi nhắc lại cái tên của một ai đó. Ba má cô sợ đến xanh mặt, tìm cách hạ nhiệt cho cô nhưng cũng không khả quan mấy. Rốt cuộc phải nhờ mấy người hàng xóm hè nhau chở cô ra trạm xá. Lên đến đó nằm lại một đêm, được y bác sỹ cho uống thuốc thì cô cũng đỡ hơn được chút, sáng sớm là cho về nhà. Qua hôm sau cái tin cô Hạnh bị đưa đi trạm xá lan ra khắp xóm, cô Ngà – chính là cái cô hôm qua nói chuyện với cô Hạnh – dắt theo má Mèo với mấy cô nữa qua nhà bà Sáu thăm. Bà Sáu mệt mỏi ra tiếp khách, trong lúc mấy người khác vô thăm cô Hạnh, cô Ngà kéo bà Sáu ra một góc nói chuyện. “Dì Sáu có chuyện này con muốn kể cho dì.”
Bà Sáu bất ngờ, “Có chuyện gì mậy?” “Tối qua con Hạnh nó bị bịnh nó có nói mơ sảng cái gì không Sáu?” Bà Sáu giật nẩy mình, chính bà là người nghe rõ trong lúc sốt, cô Hạnh cứ kêu quài một cái tên xa lạ mà bà chưa nghe lần nào. Bà cũng có chút thắc mắc nhưng lo cho con gái bệnh nên không để tâm, giờ cô Ngà nhắc lại mới sực nhớ ra. Bà hỏi lại thì được cô Ngà kể lại chuyện cô Hạnh nói bậy trước tấm bia mộ hôm kia. Bà Sáu nghe xong thì khóc thành tiếng, bà ở xóm này trước nay nên tín lắm, đâu ngờ có ngày đứa con gái tếu táo lại dính vào cái chuyện âm phần như vầy. Bà Sáu cảm ơn cô Ngà và nhờ cô ngày mai đi với bà qua xóm trên tìm thầy về giúp.
Hai người sang tìm ngay ông thầy bữa trước cúng vụ cô con dâu nhà bà Tám. Cũng như bữa trước, ông thầy bày mâm cúng ở nhà cho cô Hạnh, rồi kéo cả nhà ra chỗ mộ bia theo lời chỉ dẫn của cô Ngà, cũng cũng lễ rồi dán bùa, đóng cọc quanh mộ. Cũng may do cô Hạnh được phát hiện ra sớm nên người âm chưa bắt mất hồn vía, sau này cô cũng tỉnh táo, vui vẻ lại. Nhưng chẳng hiểu việc đó có để lại hậu quả gì hay không, chỉ biết từ đó về sau này cô Hạnh cũng không bao giờ đi lấy chồng.