3 nguyên tắc để là người làm chủ hoàn cảnh chứ không để hoàn cảnh làm chủ đời người
Quá trình đối nhân xử thế cần chúng ta không ngừng học hỏi, tích lũy và rèn giũa cùng các nguyên tắc mới có thể làm chủ được mọi hoàn cảnh dù tốt dù xấu xung quanh.
Nguyên tắc 1: Góc nghiêng đối nhân
Hãy hành xử với những người xung quanh bằng một góc nghiêng 45 độ, đó cũng là góc độ cơ thể khi khom lưng cúi đầu vừa đủ khiêm tốn mà không quá mức nhu nhược, yếu mềm.
Kinh Dịch viết: “Đạo của Trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt; Đạo của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi; Đạo quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn; Đạo của người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương”.
Tô Đông Pha là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống, nhưng cũng nổi tiếng là người rất kiêu căng ngạo mạn khi còn trẻ.
Một hôm, ông đang đi trên con đường nhỏ thì gặp một cô gái vất vả gánh bùn đi ngược chiều. Tô Đông Pha nhất quyết không nhường đường, thế là cả hai cùng mắc kẹt.
Thấy vậy, cô gái đưa ra một điều kiện rằng, nếu Tô Đông Pha đối được một câu của cô thì cô sẽ lội ruộng nhường đường. Tô Đông Pha đương nhiên là tự tin đồng ý.
Cô gái nói: “Nhất đam trọng nê đáng tử lộ” (Tạm dịch: Một gánh bùn nặng ngăn cản đường).
Tô Đông Pha nghe xong lại không thể đáp, khiến cho những người nông dân đang cấy lúa dưới ruộng cười lớn. Dưới tình thế cấp bách, Tô Đông Pha bèn nói: “Lưỡng bàng phu tử tiếu nhan hồi” (Tạm dịch: Hai bên phu tử cười đáp trả)
Sau đó, ông hổ thẹn cởi giày, cởi tất, lội xuống ruộng nhường đường cho cô gái.
Bông lúa càng chín càng trĩu mình, người càng khiêm tốn càng dễ có được thành công. Một góc nghiêng 45 độ sẽ khiến con người học được cách khiêm cung, nhìn nhận và đối xử với mọi người xung quanh bằng sự lễ độ.
Một người khôn ngoan sẽ luôn biết cách từ bỏ cái tôi ngạo mạn, kiêu căng của mình để đổi lấy đạo làm người. Có tôn trọng người khác thì họ mới được người khác tôn trọng.
Nguyên tắc 2: Góc vuông đối việc
Khi làm việc, hãy giữ cho mình một góc vuông 90 độ, đại biểu của sự chính trực, thẳng thắn, công tư phân minh.
Làm người làm việc, nhất định phải cương trực, thẳng thắn, làm một người quân tử quang minh lỗi lạc. Có như vậy, kẻ chính mới không sợ bóng tà, quân tử đàng hoàng còn tiểu nhân thấp thỏm.
Thời xưa, Tô Hiến Thành là vị quan to triều Lý, nổi tiếng là một người chính trực.
Trước khi vua Lý Anh Tông băng hà đã để lại di chiếu cử Tô Hiến Thành phò trợ Lý Long Cán còn nhỏ tuổi lên ngôi.
Một Hoàng tử khác lén lút sai người sang rất nhiều châu báu, vàng bạc tới tận nhà ông để mua chuộc đút lót, mong ông phò trợ cho mình lên ngai vàng. Thế nhưng Tô Hiến Thành nhất quyết không nghe.
Ông nói: “Làm trái di chiếu của Tiên Vương là bất trung, tham lam giàu sang tài phú không thuộc về mình là bất nghĩa. Kẻ bất trung bất nghĩa sẽ bị người đời khinh bỉ, căm ghét, ta không làm!”.
Nhiều năm sau đó, Tô Hiến Thành hết lòng với việc triều chính, được nhà vua trẻ tin tưởng vô cùng. Đến ngày ông bị ốm nặng, Vua và Thái hậu đích thân đến tận nhà thăm hỏi.
Trong lúc nói chuyện, Vua bỗng nói: “Nếu chẳng may ông mất, ai là người sẽ thay ông lo việc Triều đình đây?”
Tô Hiến Thành thưa: “Có Gián nghị đại phu Trần Trung Tá.”
Thái hậu ngạc nhiên: “Vũ Tán Đường đã hết lòng vì ông, chăm sóc ông lúc ốm đau, sao không tiến cử?”
Tô Hiến Thành bèn tâu: “Nếu Thái hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin tiến cử Vũ Tán Đường; còn hỏi người tài ba giúp nước, thần xin tiến cử Trần Trung Tá”.
Đó là tính ngay thẳng, chính trực, không chút vụ lợi ích kỷ cho riêng mình của vị công thần nhà Lý xưa kia. Ông sống không gian dối lừa lọc, nội tâm quang minh chính đại, làm việc như một góc 90 độ vuông vắn, như vậy mới có thể để lại tiếng thơm cho muôn đời sau.
Phẩm hạnh đoan chính, làm người mới có tầm, làm việc mới có tâm, có vậy mới sống cả đời trong sạch, không hổ thẹn với lương tâm, sống an nhiên, bình thản, ra đường mới ngẩng được cao đầu.
Nguyên tắc 3: Góc bẹt đối đời
Góc bẹt ở đây chính là góc 180 độ, giống như một đường thẳng nằm ngang. Đường thẳng này chính là ranh giới mà chúng ta phải tự vạch ra để giữ gìn nguyên tắc và giới hạn của bản thân mình. Nó là tiêu chí cho lời nói và hành động của một người, cũng là lằn ranh của đạo đức.
Giống như lời Khổng Tử từng dạy trong Luận ngữ rằng: “Người quân tử có điều nên làm, có điều không nên làm”.
Đạo đức là cơ sở, là căn bản, là thứ không thể thiếu. Một người có đáng tin hay không, hãy xem anh ta có giữ được giới hạn đạo đức của mình hay không. Một người không biết giữ gìn bản tâm, vi phạm những điều không nên làm, sớm muộn gì cũng bị mọi người cô lập, xa lánh.
Ở một làng nọ có những người nông dân chuyên làm nghề trồng bắp. Có một bác nông dân nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên cuối mùa đã thu được những trái bắp tốt. Trong khi đó những người nông dân trong làng, vì không nắm được kỹ thuật nên bắp bị sâu rầy mất mùa, đói kém.
Vợ con trong nhà đều vui mừng khôn xiết vì có thể một mình một chợ, tha hồ giàu to. Thế nhưng, đến đầu mùa sau, họ lại thấy bác nông dân đem những hạt giống tốt tặng những người hàng xóm và lại còn vui vẻ bày cho họ cách chăm sóc ruộng bắp của mình nữa.
Vợ ông tức giận chất vấn: “Tại sao ông phải dạy họ những kinh nghiệm quý báu của mình cơ chứ? Lại còn cho họ hạt giống tốt nhất trong nhà nữa? Cứ độc chiếm một mình không tốt sao?”
Người nông dân trả lời vợ rằng: “Thế thì mình không biết rằng, những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ những cây bắp này sang những cây bắp khác sao? Mình thử nghĩ xem, nếu nhà hàng xóm trồng toàn những cây bắp kém chất lượng thì quá trình thụ phấn có thể khiến những cây bắp của nhà ta cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó nếu muốn được mùa bội thu, tôi phải giúp mọi người xung quanh có những trái bắp tươi tốt. Lý do chỉ là đơn giản vậy thôi.”
Chỉ khi kiên trì đạo đức làm người, con đường đời của bạn mới có thể trở thành con đường lớn thoáng mát, rộng rãi hơn. Trong lòng có tâm thì đi đâu cũng được yên bình.
Theo Trí thức trẻ